CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 16)

Cùng Bạn Đọc,

     Dã-Thảo thành thật xin lỗi đã khiến Bạn chờ lâu để đọc “Chuyện Đời Tôi” 16. Do Thảo không rành về computer vì chỉ học mò thôi nên gặp vấn đề là khựng lại. Đến hôm nay mới post lên vì bài viết xong bị PC xóa đi do điều khiển dở, bấm lộn chỗ không biết chỉnh lại. Bây giờ Thảo phải  ráng giữ cẩn thận không thôi bị mất nữa. 

Thân mến,

DTQT. 31/08/2019

    Tôi từ giã ông mà lòng thấy vui, vừa lái xe vừa suy nghĩ, đến Úc mới hai mươi tuổi, một thân một mình làm nên sự nghiệp, không hút thuốc, không cờ bạc, không lui tới trà đình tửu quán. Tôi thật sự có cảm tình với ông rất nhiều. Về sau này khi biết ông mất cha lúc mới mười ba tuổi, gia đình không tìm được thân xác của cha ông vì lúc đó chiến tranh quá hỗn loạn. Tôi thấy thương tâm vô cùng và, khi ông nhắc đến cha mình tôi thấy ông xúc động muốn khóc, tôi càng thương ông hơn, nhiều hơn…

   Tôi lái xe về đến nhà thì đã sáu giờ chiều rồi vì thế cho nên bữa ăn tối tôi đành để lại đến khuya, chỉ cần một ly sữa để khi đi ngủ khỏi cảm thấy đói bụng là được rồi.

   Chúng tôi thường điện thoại thăm nhau mỗi ngày, và tôi vẫn thỉnh thoảng ghé thăm ông, uống trà với nhau cho vui kẻo ở nhà buồn rồi nghĩ vẫn nghĩ vơ.

uổng trà

     Mỗi tuần tôi mời ông đến nhà dùng cơm vào tối thứ năm với gia đình chúng tôi vào lúc năm giờ chiều. Tôi nói với ông là tôi không thể ăn tối quá sớm, vì nếu ăn quá sớm tôi sẽ cảm thấy đói bụng lúc nửa khuya và không thể ngủ lại được. Tôi vừa nói vừa cười và ông cũng cười bằng lòng, không cằn nhằn sớm trễ. Có một điều phải nói là ông rất đúng giờ, năm giờ là năm giờ không trễ một phút, không sớm một phút, do đó chiều thứ năm tôi cũng cẩn trọng không để trễ giờ. Có một lần ông đến trễ hơn mười phút, tôi lo lắng đi ra đi vào, không biết có chuyện gì xảy ra cho ông?

   Nghị cũng lo và nói: – “Lạ quá mẹ hỉ? Có bao giờ Wally đến trễ đâu, hơn mười phút rồi đó! Tôi đi qua đi lại gần sắp khóc, bỗng Nghị nhìn ra ngoài đường rồi reo lên:

   -“Wally đến rồi kìa, mẹ đừng lo nữa”.

     Khi ông bước vào nhà tôi hỏi ngay:

   – “Sao “You” đến trễ quá vậy?”

     Ông ngồi xuống ghế trả lời là khi ông đang lái xe ngoài đường lớn, gần sắp đến đường quẹo vào con đường gần nhà tôi thì có tai nạn hai xe đụng nhau nên bị kẹt, một hàng dài luôn. Cho đến lúc cảnh sát giải quyết xong và xe hư được kéo đi ông mới quẹo vào và đến nhà được. Có lẽ tai nạn xảy ra trước khi xe ông đến đó chứ nếu không thì còn bị kẹt lâu nữa. Ông biết tôi lo, nhưng ông không có điện thoại di động nên không gọi được. Ông không bao giờ dùng điện thoại di động vì không biết dùng. Ông thuộc loại người của thế kỷ trước, không điện thoại di động, không “computer”, nói đến computer là ông lắc đầu lia lịa. Tôi thường nói đùa chắc cầm con chuột (Mouse) sợ nó cắn nên ông không dùng chứ gì? Ông lắc đầu và nói là tôi nói xấu ông…

     Xưởng lúc bấy giờ không còn công nhân làm việc vì ông bịnh và đang chờ mổ, ông chỉ giữ lại một người để lo những công việc nhẹ và làm vệ sinh phòng cho ông thôi. Ông bị đau khớp hông đùi nên cử động khó khăn không còn được khỏe mạnh nữa, ông chỉ nhận ít hàng để làm, nên không cần nhiều công nhân như trước, một mình ông cũng có thể điều khiển các máy rồi, theo như lời ông nói, vả lại không lo về việc lương bổng cho thợ ông cũng thấy nhẹ đi nhiều. Đau vậy đó mà vẫn cũng rủ tôi đi đây đi đó, mới mua xe mà!

Đi chơi

     Năm 1995 ông mua một chiếc xe mới, Holden Calais, giá năm mươi ngàn đô la Úc, vì ông cũng muốn đổi một chiếc xe đầy đủ tiện nghi. Nhân viên lo việc hỏi ông trả tiền như thế nào? Ông trả lời: – “Tôi trả tiền mặt”, nhân viên ngạc nhiên vì ông không có vẻ gì là một người có thể trả tiền mặt cho một chiếc xe mới năm mươi ngàn đô la. Có lẽ vì khi đi với tôi đến chỗ bán xe ông mặc áo quần rất giản dị bình thường. Ông nói ông sẽ đến ngân hàng mua “cheque” tiền mặt trả cho họ. Nghe ông nói trả bằng “cheque” của ngân hàng họ vui lòng bớt cho ông hai ngàn. Vậy là ông chỉ trả bốn mươi tám ngàn thôi! Ông chụp hình chiếc xe cổ lỗ sĩ đăng báo bán xe, vậy là có người điện thoại lại mua ngay, chắc lại cũng một ông chuộng đồ cổ nữa rồi! Sắp sửa đi mổ rồi, ông nói mua xe mới để đưa tôi đi du ngoạn.

Xe cổ lổ sĩĐây là chiếc xe cổ lổ sĩ Chevrolet 62 Impala

     Khi tôi xin thôi việc ở công ty bảo hiểm AMP, ông nói để ông chu cấp tài chánh cho tôi nhưng tôi từ chối vì tôi có thể nhận được trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ. Tuy thất nghiệp nhưng tôi phải đi học một khóa học ba tháng để ra kiếm việc làm về văn phòng. Sau ba tháng, tôi vào làm cho một tổ chức của hội Phụ Nữ Việt Nam do chính phủ tài trợ.

   Luật thất nghiệp ở Úc lúc bấy giờ phải đi làm cho chính phủ, mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tôi vừa làm vừa đi học thêm về viết văn bằng tiếng Anh, vì làm việc về văn phòng thì cũng không đến nỗi vất vả và bận rộn lắm. Để có đủ tiền chi tiêu tôi làm thêm về buôn bán sản phẩm săn sóc da. Tôi đã là “Beauty consultant” cho công ty mỹ phẩm MK khi tôi còn làm cho công ty bảo hiểm, nhưng làm cho vui và để biết tự mình săn sóc da mặt. Nhưng bây giờ tôi “chạy” theo bà Director của tôi muốn hụt hơi luôn, thấy tôi hăng hái chịu học hỏi nên bà khuyến khích tôi, hướng dẫn tôi huấn luyện thêm thân chủ để họ trở thành consultant. Tôi điều khiển một “Unit” hai mươi bốn consultants, nên không còn thất nghiệp nữa. Bây giờ tôi vô cùng bận rộn, gần như cả ngày, đôi khi chiều tối nữa vì điện thoại reo hoài, đôi khi khiến tôi giật mình vì đã gần chín giờ tối rồi.

   Còn chuyện xe của tôi chắc nói dài lắm, cái xe đầu tiên Nghị bị tai nạn, bảo hiểm bồi thường, tôi mua xe khác. Nghị lái xe đi chơi về khuya để xe ở ngoài đường bị mất trộm, cảnh sát tìm được cho hay là xe đã bị đốt cháy rồi. Tôi cùng Nghị đi xem thấy xe bị đốt sạch chỉ còn lại cái sườn, giấy tờ chứng chỉ học của tôi cùng báo chí tôi để giữ lại trong xe cũng bị thiêu hủy luôn. Tôi buồn vì mất giấy tờ, Nghị mua xe khác để hai mẹ con có phương tiện đi làm. Nghị lái xe đến thăm một người bạn ở gần “city”, để xe ngoài đường bị mất xe, Nghị báo ngay cho cảnh sát rồi bắt “taxi” về nhà. Thấy Nghị về nhà bằng “taxi” tôi hỏi:

     – “Xe đâu con?”

Nghị trả lời:

– “Xe bị ăn cắp nữa rồi Mẹ”, giọng buồn hiu.

   – “Con báo cảnh sát chưa?”

   – “Dạ rồi, họ nói tìm được họ sẽ gọi con ngay”

– “Thôi con đi ngủ đi mai sẽ hay”.

     Khi cảnh sát báo tin tìm được xe thì chuyện thật là lôi thôi. Bọn ăn cắp lái xe đi ăn cướp một xe chở tiền (Armaguard), ở một vùng cách xa nơi chúng tôi ở khoảng 200 km, Bathurst. Cảnh sát bắt được kéo xe về ty cảnh sát Bathurst. Ông Bạn tôi cùng với Nghị đi đến đó bằng xe lửa. Họ bắt Nghị phải lăn tay lấy dấu ngón tay để phân biệt với những dấu tay của bọn ăn cướp rồi mới được nhận xe. Có lẽ Nghị không bình tỉnh, lại lạ đường nên ông lái xe đưa Nghị về nhà. Tôi thật vô cùng mừng vì có ông nâng đỡ tinh thần cho con tôi trong lúc như thế. Tôi thường dùng xe của Nghị để chạy đi làm. Có lần dùng xe Nghị tôi thấy xe bị nóng máy nên tôi đã lấy hẹn để sửa. Nghị nói xe Nghị bình thường không cần đem đi sửa cứ xách xe chạy, lúc về lại đến nhà xe bị hỏng vì cháy máy không chạy được nữa bỏ nằm trong sân vườn luôn cả năm. Tôi phải nhờ ông Bạn chở đi đến các lớp săn sóc da và trang điểm do tôi điều khiển.

   Năm 1996 ông vào bệnh viện tư ở Strasfield để mổ khớp hông đùi bên trái vì khớp xương quá mòn làm ông đau nhiều, ngày mổ lại gặp ngày sinh nhật 24/02/1996 của ông. Tôi đi theo chiếc giường chuyển người đưa ông đến phòng mổ, đến cửa thôi vì thân nhân không được theo vào, tôi hẹn sẽ gặp lại ông sau khi mổ. Tôi lo lắng lắm nên ngồi chờ ở ngoài cho đến khi Bác Sĩ mổ xong. Lúc thấy ông được đẩy qua phòng hồi sức tôi mới lái xe ra về. Khi thấy tôi trở về một mình Pluto cứ ngóng ra cửa đợi ông hoài thấy thương quá. Pluto bị bịnh cả mấy hôm rồi, không có ông nó cứ quấn quýt lấy tôi, nó không ăn chỉ uống nước thôi nên tôi không biết làm sao và lo sợ cho nó lắm vì ông sẽ phải nằm bệnh viện khá lâu ngày. Tôi biết vì nhớ chủ nên nó càng yếu hơn. Tôi trở lại thăm ông ngày hôm sau thấy ông đã được đưa ra phòng ngoài. Trông ông có vẻ khỏe nên tôi vui lắm.

Đến bệnh viện

    Ông hỏi tôi về Pluto, tôi dấu không nói với ông về tình trạng sức khỏe của Pluto. Tôi nói có tôi săn sóc cho nó rồi ông đừng lo. Thật sự tôi sợ Pluto không chịu nổi sự vắng mặt quá lâu của ông. Một tối nọ, khi tôi ở bệnh viện về thấy thức ăn cho nó vẫn còn nguyên tôi thấy xốn xang trong lòng làm sao! Ngồi với nó một lúc, sau đó tôi lên phòng, Pluto đứng dậy muốn đi theo lên nhưng leo tầng cấp không được nên nó nằm lại dưới chân thang lầu nhìn theo. Sáng hôm sau thức dậy, xuống văn phòng tôi cảm nhận có một mùi thơm xông lên và Pluto đã chết, nằm bên cạnh chiếc ghế của tôi thường ngồi, tôi la lên và khóc nức nở ôm lấy Pluto. Khóc một lúc tôi đi lấy ba cây nhang đốt lên cầu siêu vảng sanh cho Pluto, là Phật tử thuần thành tôi thật sự cầu nguyện cho Pluto tái sinh thành người ở kiếp sau.

   Nhớ lời dặn của Wally: -“Nếu Pluto có gì thì điện thoại cho Alex”. Tôi vừa khóc vừa điện thoại cho Alex, bạn thân của Wally, cũng có một cái xưởng cách đó không xa. Alex đi cùng với một công nhân đến giúp chôn Pluto dưới gốc “gum-tree” trước sân xưởng làm của Wally.

Đến Bệnh vịên 1

     Tôi đến thăm ông, gặp lúc ông đang tập đi trong phòng bằng cách vịn vào một cái khung, đẩy bịch thuốc chuyền vào mạch máu theo, mới đi được. Nhìn thấy ông như vậy tôi bật khóc.

     Ông nói: – “Có gì đâu mà khóc, tuần sau về được rồi”.

     Ông nằm bệnh viện mười hôm, Bác Sĩ thấy ông khỏe và dùng nạng đi được nên cho ông xuất viện.

     Về đến nhà ông đứng trước mộ Pluto, ứa nước mắt, một lúc rồi mới vào nhà. Ông đi tầng cấp thang để lên phòng với cái nạng dưới nách thấy mà thương, ông tự đi một mình tôi thật sự vui mừng vô cùng. Hai tuần sau ông đi lại không dùng nạng và bắt đầu đi hồ tắm công cộng để bơi lội tập cho khớp xương nhân tạo làm việc bình thường.

     Không lâu sau đó tôi ngủ nằm mơ thấy một người đàn ông trẻ từ trong phòng chạy xuống thang lầu, tôi chạy theo rối rít gọi:

     – “Pluto, Pluto!”. Người đàn ông trẻ quay lại nhìn tôi mỉm cười rồi chạy luôn không dừng lại. Tôi giật mình thức giấc, tôi giữ trong tâm giấc mơ đó và thấy vui trong lòng, bây giờ viết về Pluto tôi mới kể ra. Tôi muốn kể cho các Bạn nghe rằng những giấc mơ của tôi thường hay thành sự thật nên tôi tin tưởng vô cùng và rất mừng cho Pluto. “A Di Đà Phật! Con cảm ơn Đức Phật”.      

     Năm tháng sau ông trở lại bệnh viện để mổ khớp hông đùi bên phải. Lại thêm một lần lo lắng nữa vì tôi rất sợ khi ông phải bị đánh thuốc mê suốt mấy tiếng đồng hồ, tôi đi qua lại đứng ngồi không yên. Nhưng rồi chuyện gì cũng qua, kết quả khả quan không kém gì lần mổ trước. Và lần này hai chân đều hết đau nên trông ông tươi hẳn ra, ăn uống được, vui nhiều nên ông lên cân thấy rõ.

   Vì nhớ Pluto nên ông đến trung tâm nuôi dưỡng súc vật bị bỏ rơi mua một “cô” German Shepherd, mới mười tháng tuổi, đem về nuôi, ông đặt tên nó là Tina. Tôi cũng thích lắm vì tôi thương súc vật, đặc biệt là giống chó thường rất trung thành với chủ. Tôi mừng thấy ông trở lại bình thường, đi chơi gần, ông thường chở Tina theo. Sau khi mổ lần thứ hai, ông không còn bị đau ở vùng xương đùi nữa. Ông và tôi đến những vùng ngoại ô gần biển có hồ bơi xây ngay ở bãi biển. Tôi không biết bơi nên cứ đứng ở chỗ cạn không dám theo ông ra xa. Ông đề nghị tôi tập bơi, tôi đồng ý. Ở tuổi năm mươi hai, tôi mới bắt đầu tập bơi và ông thầy dạy bơi cho tôi, sáu mươi bốn tuổi, có hai khớp xương đùi nhân tạo đang trong thời gian dưỡng cho hai cái hông khỏe trở lại, nghe có lạ không? Vậy mà tôi học được và bơi được.

   Lúc đầu nghe ông nói:

   – “Không biết bơi thì học, dễ lắm”.

   – “I” sợ bị chìm”, tôi trả lời.

   – “You” biết nín thở không? Nín thở sẽ không bị chìm.

   – “Nín thở làm sao bơi?”

     Ông tập cho tôi nín thở dưới nước để được nổi lên, bằng cách duỗi thẳng hai tay ra trước cùng lần duỗi thẳng hai chân ra sau, nín thở, úp mặt xuống nước là nổi ngay. Tôi làm đi làm lại nhiều lần thấy có kết quả, nhưng tôi chỉ ở yên một chỗ thôi, ông bảo muốn di chuyển phải hướng thẳng về phía trước quạt hai cánh tay ra hai bên, thân hình sẽ tiến về phía trước. Tập từ từ đứng xa bờ dần dần rồi cứ thế bơi vào bờ. Tôi cố gắng vì thấy vui và lạ, từ nhỏ cho đến lớn ai cũng cấm tôi không được xuống sông vì sợ tôi bị chết đuối, vậy mà đến tuổi này mới có người chở đi hồ tắm tập bơi! Cái hồ tắm giản dị với bốn ngăn xây ngay trên bãi biển, nước lớn tràn vào đầy ắp tha hồ bơi không sợ nước cuốn trôi, tập chừng một tiếng đồng hồ là biết bơi rồi.

Còn tiếp

DTQT. 31/08/2019  

Đến bệnh viện 2

Đến bệnh viện 3                                             Tôi ngồi nơi góc hồ bơi đó Bạn  

9 thoughts on “CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 16)

  1. Bonjour mon Ami , Amie

    Ma richesse est mon amitié
    C’est à toi que je la donne
    Elle est pour moi
    Un gage de bonne foi
    Accepte ce présent
    C’est le cadeau le plus important
    Qu’on puisse faire à notre époque
    C est avec ces petits mots que je passe te souhaiter
    Une bonne journée , une belle semaine et plein de bonnes choses au sein de ta demeure
    Gros bisous.
    Bernard

    Sự giàu có của tôi là tình bạn của tôi
    Tôi sẽ đưa nó cho anh.
    Nó dành cho tôi.
    Một cam kết thiện chí
    Chấp nhận món quà này
    Đây là món quà quan trọng nhất
    Những gì chúng ta có thể làm trong thời đại của chúng ta
    Đó là với những lời nhỏ mà tôi vượt qua để chúc bạn
    Một ngày tốt lành, một tuần đẹp và rất nhiều điều tốt đẹp trong nhà của bạn
    Những nụ hôn lớn.
    Bernard

    Liked by 1 person

  2. Thanks, Cepcarol + Susanne Leist + Elganspo + The way to light + Kimmy + Lorraine Ambers + Tong Mai + Sheqoz.com + Arifullahkhan685 for visiting my site and click like.🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹🌹😁

    Like

  3. càng đọc con càng thấy mến cô và Mr. Wally. vậy là mới qua sinh nhật một chút rồi hả cô, nhờ cô gởi lời chúc muộn “happy birthday to Wally” dùm con nhé.

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn Con rất nhiều Sóc ơi! Cô sẽ nói lại với Wally là Con gởi lời Chúc Mừng Sinh Nhật cho Wally. Cảm ơn Sóc đã liên tiếp đọc “Chuyện Đời Tôi” của Cô mấy hôm nay.❤🌹😀

      Liked by 1 person

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.