NGÀY TIÊN THƯỜNG (Dã-Thảo)

Cùng bạn Đọc,

Hôm nay 29/04 là ngày trước một ngày mất nước 30/04/1975. Tiên Thường là ngày mà người Việt Nam cúng cho người đã mất trước ngày giỗ chính thức vì thế cho nên Dã-Thảo thắp nhang cúng ngày mất nước năm 1975. Nói nghe xót trong lòng nhưng thật sự còn đớn đau hơn thế nữa. Ngày Giỗ Mất Nước, nói nghe buồn thấu xương. Ngày vượt biên trốn cộng sản tóc còn xanh, bây giờ tóc bạc phơ và rụng gần hết, vẫn còn lang thang nơi quê người hỏi không buồn sao được. Ngày mất nước vẫn còn ở lại nhưng sống không nổi nên phải ra đi, nguyên nhân ra đi của Dã-Thảo là vì cứ bị đuổi đi kinh tế mới hoài. Đi kinh tế mới sống làm sao đây? Chết là cái chắc. Làm trong bệnh viện Vũng Tàu, thấy người ta từ vùng kinh tế mới, bỏ về vì bị sốt rét tiêu chảy, đưa thân nhân đến bệnh viện chạy thuốc thấy mà thương, sống lang thang trên các ghế đá công viên bệnh viện, tối ngủ dưới chân giường bệnh nhân. Nhà cửa mất hết, bị chính phủ lấy mất rồi. “Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách”.

Dã-Thảo có đưa lên trang nhà một bài nói về “Nước Mất Nhà Tan”, ngày 22/04/2016, cách đây 5 năm rồi, nay DT xin được đưa lên lần nữa mời các Bạn đọc để thấy rõ cái nguyên nhân sâu xa hơn nữa nên ai cũng bỏ nước ra đi. Bạn đã đọc rồi nhưng Thảo mời Bạn đọc thêm lần nữa cho “Ngày Giỗ Mất Nước”. Cảm ơn Các Bạn thật nhiều.

Thân mến,

DTQT. 19/04/2021

Đây là chuyện dài có thật trong đời Dã-Thảo, xin trích một đoạn trong “Chuyện Đời Tôi”, kể bạn nghe để nhớ lại một thời sau 30/04/1975, của hầu hết phụ nữ miền Nam VN ở lứa tuổi của chúng ta. Có một chuyện  DT muốn đưa ra đây để tất cả chúng ta cùng nhận thấy ngày nay xã hội VN, phụ nữ làm điếm rất nhiều là tại ai? DT muốn các bạn biết một sự thật mà DT là nhân chứng. Đó là chính phủ cs mở nhà điếm, đảng cs đã mở nhà điếm ngay từ lúc mới chiếm miền Nam của chúng ta. Mời các bạn đọc tiếp.

NƯỚC MẤT NHÀ TAN.

Nước mất thì nhà tan, tất cả chúng tôi sống trong trại Cô Giang đều bị đưổi ra khỏi trại, tự tìm nơi trú ngụ ở ngoài. Bác Đàm, một người đàn bà góa tử tế cho chúng tôi ở trọ trong căn nhà nhỏ của bà.

Sau khi lo cho mẹ con chúng tôi có nơi ăn chốn ở hai tuần lễ sau chồng tôi bị cộng sản đưa đi học tập. Tất cả Sĩ quan và công chức cao cấp miền Nam Việt Nam đều phải đi học tập cải tạo, nói là đi học tập chứ thật ra tất cả bị đi tù cải tạo thì đúng hơn. Họ bảo đi học tập mười lăm ngày, nhưng sau một năm rồi hai năm cũng chẳng thấy ai được trả lại t do. Thời gian đó tôi vẫn còn làm việc tại Vũng Tàu, ban ngày đi làm việc ban đêm đi học tập, cuối tuần đi đào mương, vét rãnh cho nước vào ruộng, nước ngập bùn lầy lên ngang lưng quần khiến tôi lo lắng. Họ gọi đó là : “Làm Lao Động Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Ba tháng sau chúng tôi mới được lãnh lương lần đầu tiên sau ngày mất nước. Trong thời gian không lương tôi tiêu hết tiền để dành, nên đến lúc đổi tiền tôi cũng chẳng còn tiền đâu mà đổi. Lương bây giờ tính theo tiền mới, vật giá leo thang vùn vụt, lãnh lương xong mua chẳng đủ ăn cho một tháng vì thế đồ đạt trong nhà đi ra vùn vụt, TV, tủ lạnh, giường ngủ đôi, áo quần giày dép sang trọng đẹp đẽ cũng bay theo, vàng vòng nhẫn hột cũng rủ nhau đi đến tiệm cầm đồ, rồi mất luôn vì không có tiền chuộc lại. Kinh nghiệm đầy mình nên những lần sau không cầm nữa, bán luôn cho rãnh nợ. Tôi bận đi làm, không có ai ở nhà chăm các con, chúng bỏ học đi chơi tôi cũng không hay biết, hôm nào trực đêm tôi đưa hết các con đến bệnh viện ở lại với tôi, không bao giờ tôi để các con tôi ở nhà ban đêm khi tôi đi vắng. Sau lần bị đổi qua làm việc ở các phòng truyền nhiễm vì đi mời một Bác Sĩ “Ngụy” mà không trình “Ban Lãnh Đạo”. Chị Oanh nghe một bà Bác Sĩ đang làm ở sở Du Lịch Vũng Tàu muốn có một Nữ Hộ Sinh qua làm việc trong các khách sạn VT, Chị giới thiệu tôi qua đó làm việc để không còn bị trù dập lệ thuộc “Ban Lãnh Đạo” bệnh viện nữa. Thôi kệ làm đâu cũng được miễn là tránh được cái BLD ác ôn này cho đỡ chán.

Bước vào văn phòng bà Bác sĩ trưởng khu du Lịch VT, vừa trông thấy bà là tôi muốn bước ra ngay nhưng đã gặp mặt nên đành phải ngồi xuống để được phỏng vấn. Sau phần trình bày lý lịch bà cho tôi biết nhiệm vụ của tôi là: “Chỉ Thực Hành Việc Phá Thai” cho các chiêu đãi viên đặc biệt trong khách sạn, người có nhiệm vụ “đi” với khách hàng. Tôi hết hồn, rùng mình từ chối. Bà bác sĩ hỏi tại sao? Tôi thành thật trả lời bà ta: Luật lệ trong Nam cấm phá thai, ngoại trừ trong trường hợp để cứu người mẹ vì bị động thai và băng huyết quá nhiều không giữ thai nhi được, hoặc mẹ bị bịnh nặng về tim, phổi, thận, ung thư v…v… không đủ sức mang thai, vả lại học ngành này tôi chỉ biết dưỡng thai chứ không được phá. Vậy là bà nổi giận trả lời tôi: “Cả chính quyền miền Nam của các chị chỉ biết nói ở cái miệng chứ không biết giết hại bao người rồi. Sao phá thai chị cho là có tội? Sao chị không nghĩ đến tương lai của người con gái sau đó họ có thể lập gia đình?” Tôi lắc đầu đứng dậy chào đi ra, không thèm ngó lại.

Về đến bệnh viện kể lại cho chị Oanh nghe sự việc: “Chính phủ có mở nhà điếm, chứa gái điếm nữa, nếu em qua đó thì chỉ có việc phá thai cho mấy cô gái làng chơi do nhà nước điều khiển thôi”. Chị ngẫn người ra kêu: “Trời’, rồi im luôn. Tôi về nhà ngủ hoài không được, cứ suy nghĩ mãi quanh quẩn hoài trong trí tưởng cái tương lai lạ lùng sẽ úp xuống đầu chúng tôi, con cháu chúng tôi, cái tương lai đen tối không cùng đến thế sao?

Vì lương không đủ sống nên tôi rủ chị bạn cùng sở lên Sài Gòn đến xưởng vải của một người bà con mua sa-tanh đen đem về VT bán kiếm thêm tiền. Con gái tôi thứ bảy hay chủ nhật cũng theo tôi buôn gạo và buôn mỡ heo, trời ạ, chỉ có chục ký gạo chục ký mỡ mà phải dấu trước dém sau không thôi công an thấy được là bị tịch thu hết. Như vậy mà cũng có thêm chút ít tiền mua thức ăn cho con. Có lần mua mỡ ở chợ trời Sài Gòn bị con buôn lường gạt bỏ vào giỏ xách của tôi vài ba ký gì đó, thấy chị bán hàng cân mười ký tôi trả tiền mười ký, vừa nhận tiền xong chị đứng dậy la lên: “Cảnh sát, cảnh sát” rồi chạy mất, ai nấy cũng ngạc nhiên nhìn quanh chẳng thấy cảnh sát đâu cả. Tôi từ từ xách giỏ mỡ lên thấy nhẹ hẻo mới hiểu ra rằng mình bị giựt tiền ban ngày giữa chốn chợ đông. Về nhà kể lại cho chị bạn hàng thường nhận mua mỡ giúp mình, vừa bực mình mà cũng vừa thương hại. Chắc gia đình chị bán mỡ ở chợ Sài Gòn kia phải gặp cảnh khó khăn lắm mới khiến chị sinh ra lừa đảo như thế mới đủ tiền nuôi nổi bầy con năm sáu đứa cũng không chừng! Tôi chỉ bực mình thôi chứ cũng không trách chị làm gì, hoàn cảnh tạo nên cả!

Có một chuyện tôi không mắt thấy, nhưng tai nghe: “Một người đàn bà có năm đứa con, chồng đi cải tạo chưa về, không biết suy nghĩ thế nào, chị nấu một nồi cháo bỏ vào một gói thuốc chuột cho năm đứa con ăn chết hết, chị sắp chúng lên giường nằm ngay ngắn, chị ăn phần còn lại dành cho chị và nằm xuống bên cạnh các con. Thế là xong, không còn suy nghĩ ngày mai lấy tiền đâu mua gạo nấu cháo cho con nữa. Người ta không thấy chị và các con đâu, tò mò đến nhà nên mới khám phá ra chuyện giết hết con rồi tự chấm dứt đời mình”. Chuyện thứ hai cũng không mắt thấy nhưng tai nghe, đó là: “Chị Dâu Đầu của tôi, Anh Hai tôi đi tù cải tạo chưa về chị ở nhà sống cùng con trai và con dâu. Sau những lần đổi tiền không biết sợ hải chuyện gì, Chị Dâu tôi uống nguyên chai dầu nóng, không cứu được. Anh Hai tôi Anh Trần Được hay tin, hai bàn ay nắm lấy song sắt nơi trại cải tạo lắt mạnh kêu lên: ” Mình ơi, đâu đến nỗi nào mà mình phải làm như vậy!” Riêng tôi, tôi nghĩ rằng chắc phải có chuyện gì uẩn khúc lắm Chị Dâu tôi mới làm như vậy. Còn nhiều chuyện xảy ra lắm nhưng tôi biết có nhiều bạn không những chỉ nghe mà còn được thấy tận mắt nữa kìa, kể mấy cũng không hết được.

Còn chuyện của riêng tôi: Có một hôm tôi nói nửa đùa nửa thật với các con, “Duyên, Nghị, Hòa, mẹ nấu nồi cháo bỏ thuốc chuột vào mẹ với các con ăn hết rồi chết hết cho khỏe”. Duyên nhìn mẹ không nói gì, mắt con gái tôi thật đẹp sáng long lanh trông đáng yêu quá. Hòa còn bé không quan tâm mấy, em còn ngây thơ lắm. Nhưng Nghị nói: “chết thì con không sợ, nhưng nếu mẹ bỏ thuốc chuột vào, đừng cho con biết vì nếu con biết có thuốc chuột trong đó con sẽ không ăn”. Lúc đó Nghị mới hơn chín tuổi. Tôi không ngờ câu nói đó của con trai tôi: “con không muốn chết” là động lực thúc đẩy tôi tìm đường sống cho các con tôi sau này. Tôi có tám câu thơ tặng Nghị con tôi:

Mẹ cảm ơn con, con trai của mẹ,

Đã cứu được hết bốn mạng người rồi,

Con có biết không? mới hơn chín tuổi!

Con cứu Mẹ khỏi rơi vào địa ngục,

Trong vô thức con nói thật lòng con,

Làm thức tỉnh lòng thương con của Mẹ,

Hướng Mẹ đi cho đúng việc làm người,

Con cứu Mẹ khỏi rơi vào địa ngục.

Khách sạn trước trưởng Thiếu Sinh Quân, đối diện trại gia binh Cô Giang ngày trước, được dùng để mở trường Cán Bộ Y Tế Vũng Tàu đang cần một số Nữ Hộ Sinh và Cán Sự Y Tế có kinh nghiệm và giỏi tay nghề sang dạy. Tôi và một cô bạn nữa, cô Bảo được thoát ra khỏi Ban Lãnh Đạo, nói nhiều mà làm ít sáng nào cũng họp “ban giao” phê bình kiểm điểm cả tiếng đồng hồ mà chẳng ra cái gì hết, nhai đi nhai lại cũng chỉ bấy nhiêu điều: “làm tốt, học tập tốt, tự phê bình, tự kiểm điểm để tiên tới một xã hội khá hơn, đó là XHCN. Đổi qua đây, tôi và các con được ở một phòng trong khách sạn kê được hai cái giường chồng đủ cho bốn mẹ con chúng tôi. Nấu nướng đều ở trong căn phòng nhỏ dành làm buồng tắm cầu tiêu. Bạn tôi, cô Bảo và năm đứa con cũng vào ở phòng đối diện với phòng tôi. Công việc thì cũng không khó khăn gì, chỉ soạn bài rồi lên lớp, hằng ngày đưa học sinh đi thực tập buổi sáng ở bệnh viện VT, buổi chiều học lý thuyết tại khách sạn, nay là trường Cán Bộ Y Tế. Học sinh thì có đàn ông đàn bà con gái đủ lứa tuổi, phần đông ở dưới quê lên, cũng có một số ở tại Vũng Tàu. Học sinh đông, nhưng nếu chỉ kể các chị học về phần hộ sinh, săn sóc trẻ em thì có khoảng hai mươi người. Còn các nhân viên về ẩm thực và các phần hành khác tôi thấy cũng đông lắm.

Những lúc lên lớp như thế, tôi thường thấy có một nhân viên cán bộ ngồi cuối phòng học theo dõi phương pháp giảng dạy của giáo viên và phê bình ngay tại chỗ. Tôi nhớ có lần bị phê bình là tôi viết tên thuốc bằng chữ ngoại ngữ, họ nhắc tôi phải chuyển âm qua tiếng Việt và viết bằng tiếng Việt thôi, không được viết bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp. Tôi lúng túng không biết nên viết thế nào cho ổn đây! Nhưng cuối cùng tôi vẫn viết tên thuốc như tôi đã từng được học và mở ngoặc phiên âm ra tiếng Việt cho học sinh đọc, chứ viết loạn quạng chắc không ai hiểu nổi mà đọc lầm tên thuốc thì nguy quá. Quá bận rộn, tối còn phải đi học tập hoặc hội họp, nhưng bây giờ thứ bảy chủ nhật hết lội xuống bùn làm lao động XHCN, không đi trực đêm tránh được cảnh kéo ba đứa con lôi thôi lếch thếch đến ngủ dật dờ trong bệnh viện nên cũng đỡ phần nào. Có một tai nạn bất ngờ xẩy ra cho một em nữ sinh còn trẻ, học về ngành y tá, em lên sân thượng lầu ba của khách sạn, leo qua lan can của sân thượng trượt chân thế nào không biết, em rơi xuống ngay sân trước, được đưa vào phòng cấp cứu bênh viện Lê Lợi ngay. Lúc bấy giờ tôi đang đưa các em đi thực tập tại các phòng bệnh, nghe tin chẳng lành tôi tức tốc chạy qua phòng cấp cứu thấy em nằm đó mặt mày tái ngắt như không còn dấu hiệu gì của sự sống, tôi cầm tay em thấy mạch không đập, nhân viên phòng cấp cứu nhìn tôi lắt đầu, các em thấy bạn như vậy chỉ còn biết ôm nhau nức nở, tôi đứng ngẩn người ra chẳng nói được gì chỉ nghe như mình bị ngẹt thở. Tôi cùng các em học viên bước ra, về phòng thực tập, trong trí tôi còn in gương mặt tái sậm của em nữ sinh bị tai nạn ngã từ lầu ba của ký túc xá sân trước khách sạn, nay trở trường Cán Bộ Y Tế Vũng Tàu.

Tôi tình cờ gặp một cựu thủy quân lục chiến Việt-Nam Cộng-Hòa, còn rất trẻ, tuổi mới hai mươi lăm, trên tay có xâm hai chữ “sát cộng” đã bị xóa đi nhưng tôi vẫn còn đọc được. Theo như lời anh nói anh không bị đi tù cải tạo vì anh chỉ là lính tình nguyện thường, không có cấp bậc gì, đang tìm đường vô “Bưng”. Anh nói anh sẽ đi Vĩnh Long gặp vài cựu quân nhân khác xem sao. Tôi gợi ý cho tôi đi theo với. anh nhìn tôi hỏi:

“-Chị nói thật hay nói đùa?”

“-Nói thật” tôi trả lời.

“-Thứ bảy tôi đi”.

“-Chờ tôi ở đây”.

Sáng thứ sáu, tôi đưa các con về Sài Gòn, gởi Cô Liên, chị ruột của chồng tôi, thưa với chị là tôi có việc cần phải ở lại đêm nên không dám để các cháu ở nhà trong lúc tôi đi vắng. Chị nhận lời mà không gặn hỏi lôi thôi gì cả. Thứ bảy đến Vĩnh Long tôi bất ngờ gặp lại một nữ quân nhân có quen biết với vợ chồng chúng tôi và một người đàn ông cao lớn tướng tá phương phi, tôi không thể đoán được tuổi vì hàm râu ông để trông giống như người khác thế kỷ với tôi. Người cựu Nữ Quân Nhân khuyên tôi:

“-Bà nên về với các cháu, “Họ” không bằng lòng nhận bà với ba đứa nhỏ, khó lắm không được đâu!”.

Vì thế cho nên tôi và anh cựu quân nhân trẻ phải quay về ngay chuyến xe chót của những người đi buôn qua đêm từ Vĩnh Long lên Sài Gòn. Anh cựu thủy quân lúc chiến bảo tôi:

“-Chị đừng lo tôi sẽ tìm đường vượt biên, chị muốn đi không?”

“-Sao không, cho gia đình tôi đi với”. Tôi trả lời.

“-Đông quá, chị bỏ bớt lại hai đứa được không?

“-Đi thì đi hết, bỏ một đứa cũng không”.

“-Khó lắm chị biết không?”

“-Tôi biết, nhưng tôi không bỏ con”.

Lên đến Sài Gòn tôi ghé đón con về ngay. Chủ nhật tiếp theo sau tôi mua thức ăn đi thăm nuôi, đưa các con lên thăm chồng ở trại tù cải tạo Long Khánh, tin cho anh biết là tôi sẽ vượt biên. Chồng tôi bảo:

“-Đợi anh về rồi cùng đi’.

“-Không biết bao giờ họ mới trả lại tự do”.

Sau khi lên thăm chồng về tôi đưa các cháu lên Sài Gòn thăm Ba Mẹ chồng, Anh Chị chồng nhân tiện tôi cũng báo tin với gia đình bên chồng là tôi sẽ ra đi nhưng chưa biết khi nào. Ai cũng khuyên tôi nên thận trọng. Chuyến đi đầu tiên không thành công, rất may là không bị lôi thôi, nhưng thua keo này bày keo khác. Tôi có nghe những chuyến đi bị bại lộ, bị công an biên phòng đánh đập, cho vào tù, rồi những chuyến đi bị chìm tàu chết đuối xác trôi vào các bãi biển v..v.. Chị Oanh khuyên:

“-Thôi bỏ ý định vượt biên đi bà Quế, thy người ta chết xác trôi vào bãi biển không?” Tôi cũng giao động không ít nhưng đã quyết tâm nên cứ nhắm mắt đưa chân, chết ở đâu cũng là chết, chỉ không biết sớm hay muộn thôi, lo được đến đâu cứ lo. Có những chuyện xảy ra không vừa ý ở trương Cán Bộ Y Tế, tôi thấy ban chấp hành cứ hay làm thịt heo trong ký túc xá của trường, chia nhau rồi ăn nhậu um sùm, tôi cảm thấy có gì không ổn, lúc nào cũng thấy lo âu, và nhất là không đủ thì giờ lo chuyện vượt biên, tôi xin thôi việc. Dọn ra ở nhờ nhà người bạn gái, chồng cũng đi tù cải tạo, tôi có nhiều thời giờ chạy lên chạy xuống Sài Gòn buôn cái này bán cái kia kiếm sống. Sau đó tôi mướn được một căn nhà nhỏ trong ngõ hẻm khu chợ Bến Đình gần trại gia binh Cô Giang ngày xưa. Đưa các con về ở đấy tưởng đã yên thân, ai ngờ chỉ được hơn hai tháng là có mấy anh công an ghé đến hỏi thăm.

“-Chồng đi cải tạo hơn hai năm chưa về, nếu chị muốn anh về sớm thì nên chuyển gia đình đến vùng Kinh Tế Mới ra sức trồng trọt làm ăn, anh sẽ được cách mạng khoan hồng xét cho anh về cùng với gia đình lo lao động để phục vụ xã hội chủ nghĩa”. May mắn cho tôi là chính tôi đã có một ít kinh nghiệm về lao động này rồi, phần nữa là do một số bịnh nhân bỏ những vùng kinh tế mới chạy về trị bịnh kiết lỵ sốt rét cho cả gia đình mà tôi đã có lần săn sóc họ trong những ngày tháng qua, nằm la liệt trên sàn nhà và ghế công viên bệnh viện. Có lần tôi ra bãi trước , đói bụng ghé vào quán ăn một tô phở, một bé trai cở con tôi lấp ló phiá sau, tôi ăn xong vừa đứng lên, em bé vội vàng bước tới ôm ngay tô phở còn lại uống ngon lành. Tôi sững sốt vì quá bất ngờ, nghĩ đến các con, tôi vội vả về nhà để yên chí là các con vẫn còn được bình yên.

Lên Sài Gòn cũng không khác gì hơn, còn tệ hơn nữa, họ bị mất nhà vì chính phủ đã chia cho họ những khoảnh đất khô khan cằn cỗi, ở một nơi mà họ chưa từng đặt chân tới, với những chòi tranh không điện không nước tự lực cánh sinh với hai bàn tay xới đất trồng lúa trồng khoai, với số ít tiền dành dụn từ bấy lâu nay ngồi chờ mãi mà có thấy lúa gạo khoai sắn gì đâu. Hết tiền hết gạo phải quay về thành phố sống dật dờ ở đầu đường xó chợ. Họ và con cái trở thành hành khất của Hòn Ngc Viễn Đông ngày nào. Ai ơi thấy bắt nao lòng!

Ngày nào cũng có người ghé thăm, công an phường Bến Đình làm việc đắc lực thật. Đuổi thì tôi đi, nhưng tôi không đi kinh tế mới, tôi đi vượt biên, tôi quyết chí vượt biên với bất cứ giá nào. Tôi không muốn một ngày nào đò nếu không có tôi, con tôi có thể chẳng có gì ăn và trở thành những em bé khất thực giữa chợ đời, tôi giật mình khóc rưng rức khi nhớ tới em bé uống tô nước phở còn lại của mình…

(Trích trong “Chuyện Đời Tôi” của Dã-Thảo)

DTQT. 29/04/2021.

14 thoughts on “NGÀY TIÊN THƯỜNG (Dã-Thảo)

  1. đọc lại con vẫn xúc động như ngày nào mới biết CĐT của cô, phải nói cô mạnh mẽ và nhìn xa trông rộng quá. làm con thật nhớ Mẹ con đó cô Quế ơi! vì tánh cách cô và Mẹ con hao hao. ❤

    Liked by 2 people

Leave a comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.