Cùng Bạn Đọc,
Dã-Thảo viết chuyện đời mình, dự định khi nào xong sẽ post lên chia xẻ cùng các Bạn, nhưng viết hoài mà chưa hết. Vả lại hình như mình càng già chữ nghĩa cũng già đi hay sao ấy, cứ quên đầu quên đuôi. Bây giờ Dã-Thảo phải có quyển tự điển bên cạnh để xem lại dấu hỏi dấu ngã mới khỏi viết trật dấu chính tả đó, các Bạn có tin không? Dã-Thảo suy nghĩ hay mình cứ post lên đi chứ không thôi nhỡ có gì thì sao! Hôm nay DT mới nhận được một cái thư của Bộ Giao Thông bắt Thảo phải đi khám tổng quát sức khỏe để xem thử DT có thể còn lái xe được không. Họ nói mình sắp lên 75 tuổi rồi…muốn lái xe là phải “Xin” Bác sĩ mỗi năm…Vì thế cho nên DT post phần mở đầu “Chuyện Đời Tôi” để kỷ niệm ngày Bộ Giao Thông nhắc DT sắp bước hai chân xuống…mồ rồi. Mời Các Bạn đọc câu chuyện hôm nay của Dã-Thảo. Chúc Các Bạn một ngày vui.
Thân mến,
DTQT. 12/11/2018.
Chuyện Đời Tôi.
Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu và lớn lên tại thành phố Hội An thuộc quận Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, Việt Nam. Ba tôi làm nghề thầy thuốc bắc, Người đắc cử Hội Đồng Hương Chính làng Cẩm Phô, Hội An. Trong làng thường gọi ba tôi là Ông Hương, có người còn gọi là Ông Chánh vì ngày xưa có thời Ba làm Chánh Tổng. Ngày đó tôi chưa ra đời, tôi biết vậy vì chuyện được Dì Năm tôi kể rằng: “Có người hàng xóm lấn đất nhà ông Ngoại, chuyện kiện tụng lôi thôi đưa đến hàng Tổng nên Ông Chánh phải cho người “Đạc Điền” đến tận nơi đo lại ruộng đất cho đôi bên. Ông Ngoại thắng kiện mà không bị tốn kém gì cả vì thế cho nên Ông Chánh được ông Ngoại rất trân trọng và vô cùng quý mến. Ông Chánh góa vợ và có ba người con trai, nhỏ nhất lên tám, lớn nhất mới mười ba. Gia đình Ông Chánh sống rất đạm bạc vì ông một mình phải lo cho một người Cô già và ba người con còn đi học.
Ông Ngoại có một người con gái góa chồng, còn trẻ, chưa có con, bà thường đi chợ ngang nhà Ông Chánh. Thấy người phụ nữ còn rất trẻ mặc tang phục đi ngang nhà, Ông Chánh ngạc nhiên vì không biết người phụ nữ trẻ kia “con cái” nhà ai? mà để tang cho ai vậy kìa? Hỏi ra mới biết là con gái Ông Trưởng Hoanh, là người được thắng trong vụ kiện tụng đất đai năm nào, đang để tang cho chồng. Ông Chánh để ý rồi mấy năm sau đi cùng người con trai lớn đến thăm Ông Trưởng Hoanh xin cưới người góa phụ trẻ kia làm vợ Chánh Thức cho ông. Người đàn bà trẻ đó về sau là Mẹ tôi, là Kế Mẫu của các anh tôi. Tất cả chúng tôi đều gọi Người bằng Dì. Me tôi làm dâu Bà Cô, nghe chừng cũng khó lắm, nhưng dì Năm nói: “Me bây” vượt qua được hết, “Me bây” chịu khó lắm, làm dâu, làm mẹ kế, rồi làm mẹ. Chỉ tội cho “Me bây” là sinh ba đứa con đầu, nuôi chẳng được bao lâu thì bị bịnh rồi chết lần hết. “Me bây” buồn lắm vì thế cho nên khi Me sinh Mai rồi Quế, Me gọi hai đứa bằng hai cái tên thật xấu là “Lỳ và Lợm” để khỏi bị thần chết bắt đi”. Vậy đó mà hai chị em chúng tôi cũng bị đau lên bịnh xuống như mọi trẻ con khác chứ có tránh đâu cho khỏi được. Nhưng có lẽ nhờ Me dán lên trán mỗi đứa một cái “Bùa Tên Tuyệt Xấu” cho nên tử thần ngán quá không dám bắt đi. Rồi chúng tôi trải qua không biết bao nhiêu là thử thách khó khăn trong đời, hai chị em tôi vẫn nhẫn nại cố gắng vượt qua và “Mai Lỳ Quế Lợm” còn sống khỏe đến bây giờ.
Lúc lên Trung học tôi gọi Người là Me, chứ không gọi là Dì nữa, vì thấy các bạn không có ai gọi Mẹ bằng Dì như mình hết. Và các anh cũng theo tôi gọi Người bằng Me. Tôi có các cháu, con các anh, gọi mình bằng cô, xưng con ngọt xớt mặc dầu các cháu cùng tuổi với tôi, dễ thương chưa!
Tôi còn có những người cháu trai con của một người chị, là dưỡng nữ của Ba Me, cũng theo cung cách đó xưng hô với tôi, các anh này lớn hơn tôi cả năm hay sáu tuổi chứ không ít đâu! Lạ quá. Chị có một người con trai bằng tuổi tôi, cao hơn tôi cả cái đầu học cùng năm, cùng trường nhưng ngồi khác lớp, cũng gọi tôi bằng cô và xưng con ngon lành, đó là Huỳnh Cần.
Sỡ dĩ có Huỳnh Cần trong câu chuyện này của tôi vì có một thời trẻ dại mà tôi muốn kể ra đây hầu quý vị. Lúc bấy giờ tôi còn học ở tiểu học, Huỳnh Cần và tôi thường chơi trò bắn bi và búng dây thun với Mãnh, anh của Đoan bạn học cùng lớp với tôi, con Ông Huyện L. ở căn nhà hai tầng thật rộng, gần cuối dãy bên kia đường Phan Bội Châu, Mãnh búng thun rất giỏi. Có lần được Me mới mua cho trăm sợi dây thun, xanh đỏ tím vàng, thật đẹp, tôi ký ca ký củm thắt lại thành một sợi dài nối nhau thật dễ thương. Huỳnh Cần nói: “cô với con qua chơi búng thun với “thằng” Mãnh, thắng được con với cô để chung lại cho nhiều”. Nghe thích quá, vậy là “ừ” liền. Ai ngờ chỉ một hồi búng qua búng lại Huỳnh Cần và tôi thua hết chẳng còn sợi nào. Tôi oà khóc đòi lại, “thằng” Mãnh chẳng chịu trả, tôi khóc to hơn Huỳnh Cần hết hồn dẫn tôi về nói với Bà, tức là Me tôi đó, Me nói: “để Me mua thun khác cho”, tôi không chịu, nhất định phải là những sợi xanh đỏ tím vàng kia mà thôi, những sợi thun khác không phải của tôi. Vậy là cứ khóc, Me dỗ hoài không được, cuối cùng Me dẫn qua trước nhà “thằng” Mãnh xin: “Thôi con cho lại Em đi rồi bà mua cái khác cho con”. Ông Mãnh nhăn nhó lắc đầu. Huỳnh Cần phải năn nỉ giùm “Ông” Mãnh mới chịu vùng vằng trả lại, miệng chùng bùng nói: “ăn gian, bữa sau không thèm cho chơi thun nữa”. Bây giờ viết lại mà thấy thương Huỳnh Cần và Mãnh làm sao! nhất là Huỳnh Cần không còn nữa vì cháu bị Việt Cộng bắt cóc và thảm sát trước năm 1975. Còn “Ông” Mãnh thì tôi chưa gặp lại bao giờ, kể từ khi gia đình Mãnh dọn ra Huế thuở nào. Cũng phải là gần sáu mươi năm rồi, hơn nửa đời người chứ có ít đâu! Có một lần đọc chuyện của Vương Mộng Long thấy tác giả có nhắc đến một người bạn tên Mãnh, không biết có phải đó là Mãnh búng thun thật giỏi của một thời trẻ con, khờ dại của tôi hay không?
Me tôi làm Kế Mẫu cho các anh và theo nghề buôn bán của Người Mẹ trước, nên Me cũng có một thớt hàng bán thịt ở chợ Hội An. Ông Ngoại hướng dẫn Me thêm nghề chăn nuôi và làm ruộng, để tăng thêm lợi tức cho gia đình. Ông mướn người làm ruộng, và hướng dẫn Ba tôi săn sóc ruộng nương. Làm ruộng thì phải có trâu bò để cày vì thế Ba tôi phải nuôi bò, nuôi bò phải có người chăn bò! Vậy là có thêm anh Thông, em trai anh Tống, ở vùng quê đến giúp, lùa bò ra đồng ăn cỏ. Gia đình lần hồi làm ăn khá giả ra. Bầy bò sinh sôi nẩy nở vì thế phải mướn thêm anh Cang để cùng chung sức với anh Thông chăm sóc đàn bò. Sau nhà có đất rộng nên chú Sáu được mướn để trồng bắp, trồng đậu, trồng khoai, trồng cà; còn anh Tống, một người trai trẻ khỏe mạnh lo việc gánh hàng lên chợ cho Me và trông nom buổi chợ sáng; có chị Liên miệng lúc nào cũng cười vui vẻ, lo việc cơm nước cho cả nhà. Khi tôi lớn lên thì đã thấy nhà đông người lắm, các anh tôi đều lập gia đình và vẫn ở chung với Ba Me. Gia đình thật là hạnh phúc đầm ấm. Tôi còn nhỏ quá nên không hiểu những chuyện đã xảy ra chung quanh mình nhiều lắm. Chỉ đến khi lớn lên tôi mới biết là chúng tôi và các anh tôi không cùng một mẹ. Chị em tôi có Vú Lào và một chị còn rất trẻ và cũng là cháu gọi Me tôi bằng Cô, săn sóc chúng tôi, Hường là tên chị. Sau này chị lập gia đình với anh Tống, anh gia nhân rất đắc lực trong công việc làm ăn của Ba Me. Me lo giúp cho anh chị cất một căn nhà, mái lợp bằng tranh thiệt dễ thương. Tôi thường ghé đến ngôi nhà lá đó thăm anh chị vào buổi chiều. Một chuyện thật buồn đã xảy ra cho hai vợ chồng mới cưới nhau chưa tròn một năm. Chị Hường về quê thăm gia đình ở phía bên kia sông, vùng có nhiều Việt Minh chiếm và thường hay xuất hiện vào ban đêm để quấy rầy dân chúng, bị bọn họ bắt sống, và buộc tội chị làm “Gián Điệp” cho Tây. Trong khi Chị chẳng có làm gì nên tội, chỉ có một tội là lấy chồng ở “Vùng Bị Chiếm”. Anh Tống chờ đợi hoài không thấy chị được tha trở về nên anh xin đi vào quân đội, anh nói để có cơ hội trả thù cho vợ. Anh Thông lên thay anh phụ việc cho Me. Anh Hoặc, một người ốm nhom như con cò hương vào thế anh Thông chăm sóc đàn bò. Có lần tôi thấy anh Tống mặc quân phục lái xe Jeep đến thăm Ba Me, anh vẫn chưa lập gia đình khác. Và đó là lần sau cùng tôi gặp anh, không biết bây giờ anh trôi giạt về đâu! Nhớ lại chuyện này tôi thấy thật là thương xót cho anh chị Tống Hường của tôi, vợ chồng mới cưới, đếm chưa đầy ba trăm sáu mươi lăm ngày… Không biết anh chị có dịp gặp lại nhau sau ngày miền Nam lọt vào tay bọn Cộng Sản hay không! Có thể anh chị đã già lắm, hoặc giả đã qua đời rồi cũng nên.
Anh Thái ở cách một căn nhà là thầy giáo dạy vỡ lòng A B C cho chị em chúng tôi. Anh thật hiền nhưng nếu chúng tôi không đánh vần được hoặc không tập viết cho đẹp là bị anh khẽ tay đau lắm, nên tôi rất sợ. Mà hình như tôi chưa bị khẽ tay bao giờ! Thật là may mắn, chứ nếu năm ngón tay chụm lại để anh cầm cái thước gõ lên trên đầu ngón thì chắc chắn tôi không nín khóc được đâu!
Nhà chúng tôi ở đường Phan Bội Châu, bên phía đầu đường có một sân bóng rổ dành cho các nữ học sinh của trường tàu ở chùa Ngũ Bang đến chơi bóng rổ vào buổi chiều, bên cạnh đó là một hồ sen, đến mùa sen nở trông rất đẹp, quanh sân bóng rổ và hồ sen có xây một bờ thành dày, trên có gắn những mảnh chai, cao quá đầu chị em tôi. Vì tò mò, chị Mai muốn nhìn xem bên trong có gì, tôi giúp chị bằng cách đỡ chị lên để chị có thể bám vào tường nhìn vào sân bóng rổ. Ai ngờ chị bám thế nào không biết, bị mảnh chai cắt vào tay thật sâu chảy máu quá chừng, chị không khóc trái lại tôi là người khóc thét lên vì thương chị bị đau và chảy máu như thế, hai chị em chạy về nhà, rồi anh Ba Đạt băng bó, cho đến bây giờ chị Mai nói: “cái thẹo vẫn còn lớn đó em vì lúc đó anh Ba chỉ băng lại chứ không may vết cắt”. Một lần khác hai chị em ngồi trên phản ngựa trước bàn thờ chơi trò đánh bóng đũa, chị vừa giơ tay bắt quả bóng bỗng ngã ngửa rớt xuống đất bất tỉnh, tôi thét lớn khóc bù lu bù loa, Ba chạy đến đỡ chị và cho chị uống thuốc gì đó và chị tỉnh lại. Thôi từ đó là không còn chơi trò bóng đũa nữa.
Chị em chúng tôi thường hay chạy lên chợ vào buổi xế trưa, vì thời gian đó trong ngày thường vắng khách mua hàng, để được Me chiều chuộng mua quà vặt hoặc bún bánh ăn dặm. Và điều Me tôi thích nhất là chúng tôi đọc chuyện tàu “Tam Quốc Chí” hoặc “Tam Tạng Thỉnh Kinh” cho Me và các bà bạn nghe vào những lúc rảnh rỗi như thế. Sáng sớm Me đã ra chợ đến chiều mới về. Do đó bữa cơm gia đình thường trễ vì Ba tôi luôn đợi Me tôi ở chợ về mới dùng bữa tối. Chính nhờ ở sự cần mẫn làm ăn của Me mà gia đình chúng tôi không bao giờ bị thiếu thốn, nếu không muốn nói là gia đình sung mãn cũng đều nhờ ở một tay Me. Tôi không nhớ rõ Me tôi sinh em trai tôi lúc nào, chỉ biết là tôi có em và chị Ngỗng cứ ẵm em tối ngày nên đến gần năm tuổi em mới biết đi. Em trai tôi quyến luyến chị Ngỗng rất nhiều vì thế cho nên lúc Ngỗng phải về quê lấy chồng, em tôi lăn nhào xuống đất khóc quá chừng, khiến chị Ngỗng cũng khóc theo, em chỉ mới lên năm! Chị tôi và tôi phải dỗ dành lắm em mới chịu. Còn một chuyện nữa của em, đó là lúc em lớn hơn và còn đang học trường Tiểu Học, có một người miền núi đem đến biếu anh Hai một con Sáo màu đen, mỏ vàng, thấy con Sáo đẹp và lạ anh đem sang biếu Ba, nhưng em là người thường hay bắt châu chấu về cho Sáo ăn nên Sáo thương em lắm. Nuôi được một thời gian Sáo biết nói, gọi tên em “Kiến ơi, Kiến ơi” suốt ngày. Thấy nó khôn quá Ba và em thường cho nó ra khỏi lồng bay quanh nhà tự do vui chơi vào ban ngày. Sáo đeo theo em tôi chứ không bay đi đâu cả chỉ khi nào ngủ là nó tự chui vào lồng để Ba treo lên phía sau nhà và lấy khăn lông bao quanh lồng cho Sáo ngủ. Có một lần em tôi đi học Sáo bay theo, bình thường em tôi bảo về là nó bay về, nhưng không hiểu sao lần này Sáo không chịu trở về mà cứ theo em hoài. Tôi nói: “thôi kệ, cho nó theo em đến trường đi”. Kiến nói: “Không được đâu, mấy đứa khác thấy là tụi nó lấy ná bắn chết liền”. Hôm đó vì lo nhốt Sáo em tôi sợ, trễ học nên em vừa bực tức vừa đi đến trường! Đến lúc em đi học về là Sáo lại rối rít gọi “Kiến ơi, Kiến ơi!”. Vậy thì làm sao giận được nữa chứ? Sáo và em tôi là đôi bạn chí thân đó mà! Nhưng bỗng một buổi sáng thức dậy thấy Sáo nằm chết trong lồng, em tôi lại khóc, tôi không nhớ lý do tại sao con Sáo của em chết. Nhưng cách đây không lâu em nói qua email từ Việt Nam: “là vì Ba quên phủ khăn cho Sáo ngủ mà đêm đó trời thình lình lại nổi cơn mưa to gió lớn”. Lần xa chị Ngỗng em khóc và lần này em khóc vì mất bạn. Em nói: “Buồn quá không còn nghe Sáo kêu “Kiến ơi, Kiến ơi” nữa! Tôi cũng buồn theo, thương Sáo mà cũng thương em thật nhiều. Lúc bấy giờ em tôi mới chín tuổi, cái tuổi chưa biết lo âu nhưng đã biết xúc động rồi.
Các Anh lớn được Me thương như con của Bà, điều đó chỉ khi lớn khôn tôi mới nhận thấy được nhiều lần trong suốt cuộc đời Me. Me mua một căn nhà ở đường Cường Để cho gia đình anh Hai dọn ra riêng, vì gia đình anh Ba vừa hồi cư từ vùng có Việt Minh chiếm đóng nên anh Hai nhường chỗ cho anh Ba. Chị Ba là người Huế, con nhà Hoàng Phái mang họ Tôn Nữ, nấu ăn rất ngon nên mỗi lần nhà có kỵ, chị là người điều khiển hai bà chị dâu của tôi, chị Hai và chị Bốn, hiền như hai vị Bồ Tát, nấu nướng các món ăn. Còn gia nhân kẻ giã thịt, người giã tôm làm chả, gói ram, nướng gà, quay vịt và cùng làm các món ăn mà trong những ngày cúng giổ không thể nào thiếu. Chị đúng là một “Nội Tướng” tài ba. Chị Ba cao và đẹp, nói giọng Huế thiệt dễ thương nghe ngọt như mía lùi vậy đó, và chả tôm chị Ba tôi làm thì không chê vào đâu được. Nhà thật là rộn ràng vì con cháu tụ tập rất đông và vui như hội. Me bằng lòng các chị dâu tôi lắm, nhất là chị Ba với tài nấu nướng tuyệt vời của chị.
Tôi hình như được Ba Me và các anh các chị thương yêu quá nhiều nên thường hay khóc và hơi khó tánh một chút. Chị Mai tôi hay nói: “Con khỉ ni cứ khóc hoài”. Anh Hai thỉnh thoảng cũng nói: “Khóc hoài nín đi không thôi “tau” đá cho một cái bây giờ”. Me thì nói: “Kệ hắn, khóc một chặp là hắn nín hà, đừng dỗ, con mà dỗ em sẽ làm nư khóc hoài ”. Quả đúng, khóc chán tôi chui vào sau cái tủ “Pho” đựng chén bác kiểu, thấy không có ai “thèm” để ý tới mình hết tôi tự nghĩ: khóc làm chi, hay mình thử cười một cái xem sao! À thấy không sao hết, lại cảm thấy dễ chịu tôi hết khóc đi ra. Lớn thêm tí nữa, tôi có những cái vui tìm thấy ở những con vật rất nhỏ như con kiến chẳng hạn, tôi có thể nằm sát ở một góc nhà nhìn bầy kiến tha mồi suốt cả giờ, không chán. Những con kiến đi ngược chiều nhau thường chụm đầu vào nhau rồi mới rẽ lối, con nào cũng vậy. Tôi thấy lạ hỏi Ba tôi tại sao vậy? Ba nói:
-“Có gì đâu, kiến chào nhau đó con, giống kiến rất lễ phép biết sống hợp quần và biết giúp đỡ lẫn nhau nữa, năm sáu con kiến khiêng một hạt gạo đó con thấy không?
Tôi gật đầu: -“Đúng rồi, hạt gạo to quá một con tha không nổi nên năm sáu con phải xúm lại khiêng, dễ thương quá ”! Vậy là bầy kiến lễ phép và biết giúp đỡ lẫn nhau hấp dẫn tôi suốt buổi trưa hè.
Nói đến Ba là tôi phải nhắc đến một câu chuyện mà tôi nhớ hoài, không quên được, không thể nào quên được. Như tôi đã viết ở trên, Ba tôi làm nghề thầy thuốc bắc, cho nên trong gia đình kể từ các anh lớn đến con cháu hay gia nhân có ai bị cảm ho sổ mũi nhức đầu là đều do một tay ba đến tiệm thuốc Bắc của Ông Sáu Hòa, bốc thuốc về bảo gia nhân sắc (nấu) lên rồi uống. Chúng tôi chỉ uống thuốc bắc thôi. Ngoại trừ những lúc phải chích ngừa các bịnh đậu mùa hay dịch tả là phải đến trung tâm y tế mà thôi. Lần đó tôi mới tám tuổi bị cảm sốt phải nằm nghỉ cả ngày trên giường ở phòng sau, có cửa sổ và những khoảng trống trên tường cho thoáng gió. Tôi uống thuốc hai hôm rồi, đắng quá, đắng ơi là đắng! Phải mất một lúc lâu tôi mới uống xong tô thuốc đen thui đậm đặc đắng ngắt. Hôm sau tôi nhất định không uống nữa.
Lúc Ba mang chén thuốc đầy còn nóng vào, tôi đắp mền trùm kín đầu thưa: – “Ba cứ để đó chút nữa nguội con uống ”
Ba nói: – “Uống đi nghe con, hôm nay bớt sốt, vài bữa nữa chạy đi chơi được rồi”.
Ba vừa bước ra sau là tôi ngồi dậy bưng chén thuốc hắt qua khoảng trống trên tường xuống đường kiệt bên hè nhà. Và nằm xuống, nhưng tôi thật sự run quá! Lúc Ba tôi trở lại thấy chén thuốc đã cạn, Người hỏi: – “Con uống hết rồi sao, mau quá vậy, con đổ rồi hả? Tôi thưa: – “Dạ, con uống hết rồi” mà nước mắt tuôn trào. Ba nói: “Ba biết là thuốc đắng, lần này con uống giỏi quá, ba thưởng con năm đồng” Trời ơi tôi khóc vì hối hận chứ tôi có khóc vì thuốc đắng đâu. Tôi không dám từ chối cầm tờ năm đồng Ba cho vì sợ, và cũng vì ân hận quá nên tôi nằm xuống xây mặt vào vách, không dám nhìn Ba. Những ngày tiếp theo mỗi lần Ba đem thuốc vào là tôi vừa thổi cho nguội vừa uống trước mặt Ba để Ba bằng lòng. Và nhất định không nhận tiền thưởng “Uống thuốc giỏi” của Ba cho nữa, để tự tạ tội với Ba trong tâm tôi và nhất là không dám thú thật lỗi lầm tôi đã phạm. Từ đó về sau tôi không bao giờ dám nói dối Ba tôi điều gì hết và cũng tự nhủ lòng sẽ không nói dối với bất cứ ai. Tôi nghĩ rằng chắc Ba biết tôi đã đổ tô thuốc đi nhưng thay vì la rầy, Ba tôi đã bỏ qua và phạt tôi bằng cách thưởng tôi “Năm Đồng Uống Thuốc Giỏi” khiến tôi phải quay quắc hối hận đã phạm tội nói dối với đấng sanh thành, cái lỗi quá lớn không thể tha thứ, mà tôi không thể nào quên được. Tôi vẫn giữ bài học “Chén Thuốc Đắng” mãi đến tận ngày nay với lời tự hứa không bao giờ nói dối.
Trích từ đoạn mở đầu của “Chuyện Đời Tôi”
Dã-Thảo Quế-Trần. 12/11/2018.
Còn tiếp.