CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 15)

Cùng Bạn Đọc,

     Sau mấy tuần đau nằm mãi trên giường, bây giờ thấy khỏe hơn tuần trước nhiều nên, Dã-Thảo nghĩ lại nên tiếp tục viết tiếp “Chuyện Đời Tôi” cho hoàn tất, chứ nếu không nhỡ có chuyện gì xảy ra thì không ai viết tiếp cho. Phải không các Bạn! Vậy bây giờ mời Bạn nhé, đây phần tiếp theo “Chuyện Đời Tôi”, thứ mười lăm.

Thân mến,

DTQT, 19/07/2019.

     Để câu chuyện không bị đứt khoảng khiến Bạn phân vân không nhớ tôi kể đến đâu rồi, trong phần tiếp theo số 8 tôi đã có kể đến chuyện đưa Chị Bạn thân đi tìm người yêu và tôi bị bà chủ giới thiệu người yêu cho Chị Bạn tôi, lỗi tại tôi đưa bà tấm danh thiếp có số điện thoại của tôi giới thiệu, để mời bà mua bảo hiểm, vì thế cho nên tối nào bà cũng điện thoại “thăm”, thật sự là bà muốn giới thiệu tôi cho một ông thân chủ khó tánh của bà, người Đức. (Chắc tại bà thấy tôi “dễ thương”😁😁). Ông nhất định phải có cho ông một người đàn bà không hút thuốc, không uống rượu, không cờ bạc, không đi du hí ban đêm. Ôi sao mà khó quá, hơn một năm rồi bà giới thiệu ai ông cũng lắc đầu, bà cứ than thở với tôi mỗi đêm. Tôi chỉ tưởng có vậy thôi, ai dè bà tìm cách cột tôi mà tôi không hay, vì mỗi lần bà gợi ý là tôi từ chối ngay. Đến khi tôi nói “Okay” một tiếng là không gở ra được. Lời nói chạy nhanh hơn gió không kéo lại được nữa rồi. Tự mình lấy tròng đeo vào cổ rồi Quế ơi! Nghe bà reo lên: “Good girl” ở bên kia đầu dây điện thoại, tôi thấy mình chới với rồi, khổ chưa!

     Ông thân chủ khó chịu, của bà chủ phòng tìm bạn bốn phương, điện thoại vào tối thứ năm hẹn gặp tôi vào ngày tiếp theo, thứ sáu 07/02/1992. Tôi không muốn đi ra ngoài nên hẹn gặp tại nhà tôi, ngôi nhà nghèo nàn giản dị của chính phủ cho người không có nhà cửa mướn theo giá thị trường nhưng được giảm giá cho những người có con nhỏ và lương thấp. Ông đến vào buổi sáng lúc 10:00Am. Tôi cũng sửa soạn đàng hoàng như đi làm thường lệ, nghĩa là mặc váy trắng, áo sơ mi màu tím có hoa, giày cao gót vừa phải, có thể chạy được mà không ngã. Ấy vậy mà tôi chỉ đứng cao tới ngang vai ông, bề ngang thì khỏi nói nghĩa là tôi chỉ bằng một nửa của ông! Con trai tôi chê ông già, nhưng khen cái xe ông đẹp. Tôi thì thấy ông ngó cũng được, có cái miệng trông như lúc nào cũng mỉm cười, nhưng cái xe đẹp thì cũ quá, Chevrolet 62 Impala. Nghĩa là cái xe cũ 30 năm rồi, tôi không còn thấy ai lái cái xe đẹp đó nữa. Ông nói: “Nhân tiện sáng nay đi giao hàng, “I” mới làm xong hôm qua, nên hẹn rủ “You” đi luôn, giao xong “we go around”, nghe hấp dẫn chưa? Tưởng rủ đi uống cà phê chớ! Vậy là quen rồi đó. Công việc xong xuôi ông kéo tôi đi bát phố Paramatta. Không uống cà phê nhưng đi ăn nhà hàng và uống nước ngọt, kỳ chưa! Khi đưa tôi về nhà, lúc từ giả còn nắm tay nữa chớ! Tôi hẹn: “Sáng Chủ Nhật “I” sẽ đến thăm “You”. Ông nói rằng nếu có đến thì đừng mặc đồ đẹp, vì hãng xưởng bụi và dơ làm bẩn áo hết. Tôi đến thăm ông lần đầu tiên vào ngày chủ nhật, 09/02/1992, cũng với bộ áo váy tôi mặc hôm thứ sáu.

     Hãng xưởng chung quanh đều đóng cửa nên không có ồn ào bụi bặm và tôi không bao giờ sợ công việc làm dơ áo quần của mình, không bao giờ! Cái hãng lớn quá, tôi đi từ trước ra sau thấy không có ai hết, chỉ có mấy cái máy to lớn, không biết làm cái gì mà máy lớn quá vậy! Một chiếc xe Ford, loại chở đồ nặng và chiếc xe cổ lổ sĩ, hôm đến nhà tôi, cũng nằm trong xưởng. Ông mời lên tầng hai uống trà, tôi leo hai lớp tầng cấp cao rộng, trên tường có treo vài tấm tranh vẽ thật đẹp, nghe mỏi hai cái chân, mệt ghê. Chú chó Pluto cũng theo chân chúng tôi lên tầng trên. Căn phòng rộng ngăn nắp theo kiểu của một người Đức khó tánh. Chiếc giường đôi nằm trong góc, chỉ có một cái gối. Một bộ ghế “salon” cho khách ngồi. Có bếp nấu ăn và có microwave để hâm thức ăn và một cái bếp điện nhỏ. Nói là căn phòng chứ thật ra cũng đầy đủ tiện nghi của căn chung cư một phòng cho một người độc thân vậy. Một cái tủ lạnh lớn để thức ăn, tôi chỉ nhìn chứ chưa dám mở. Một bàn ăn nhỏ. Một tủ sách lớn, sát tường, đầy sách. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in trong trí tôi những vật dụng trang trí thật đẹp trong căn phòng ấm cúng của ông, vẫn còn được giữ cho đến hôm nay, (khi tôi ngồi gõ lốc cốc những giòng này).

     Tôi chưa dám hỏi vì sao ông phải sống một mình trong căn phòng trên cái Factory của ông, tôi chỉ được biết, qua lời người giới thiệu, là ông đang sống ly thân, nhường nhà cho vợ và hai đứa con riêng của bà, hai người không có con với nhau nên không có gì vướng bận. Ông bà đang sắp sửa ly dị, tôi chỉ biết đến đấy và không muốn tò mò vào chuyện của ông. Ông hỏi tôi: “you” muốn uống gì? Tôi trả lời: “I” uống nước sôi để nguội. Thấy chai nước trên bàn ăn tôi đứng dậy tự mình rót lấy cho mình một ly, định rót thêm ly nữa cho ông nhưng ông bảo thôi nên tôi dừng lại. Ông mở tủ lạnh lấy chai nước suối uống một cách ngon lành, không cần ly cốc gì hết, thiệt tình! Vì mới quen nhau nên cũng chỉ nói những chuyện bâng quơ không có gì quan trọng. Vì thích đọc sách nên tôi đứng trước tủ sách đi qua đi lại, sách mới đủ loại, lạ và đẹp đối với tôi. Vì với tôi, ngoài tuyển tập “Encyclopedia Britannica” và quyển tự điển “The Oxford Paperback Dictionary” tôi mua mới, còn những sách khác thì tôi thường đến quán sách “second-hand” tha về đọc mà không tốn bao nhiêu cả, đọc xong vứt trên cái kệ sách, cũng second-hand luôn. Cho nên khi nhìn vào cái tủ sách mới đang thách thức cái vốn Anh ngữ nghèo nàn của tôi khiến tôi thấy mình bị lôi cuốn lắm chứ không phải không đâu. Khi tôi quay đầu lại thì ông đang đứng sau lưng nhìn tôi mỉm cười và nói:

     -“Nếu “you” thích đọc quyển nào thì lấy về nhà đọc rồi đem trả lại chỗ cũ đổi quyển khác”.  Tôi nói:

     -“Tiếng Anh của tôi còn kém lắm nên đọc cho xong một quyển sách cũng phải mất nhiều ngày mới xong.

     Ông bảo tôi cứ cố gắng đọc hoài thì sẽ đọc được mau hơn, chữ nào không hiểu thì tra tự điển. Tôi trả lời là tôi vẫn làm như vậy từ hồi nào đến giờ nhưng vẫn không tiến nhanh được, cũng may là nhờ có việc làm chứ nếu tôi thất nghiệp chắc tôi không nói được tiếng Anh đâu. Ông chỉ cười và nói: “Lúc mới đến Úc “I” cũng như “you” không có người cùng xứ sở nên phải nói và viết tiếng Anh thôi nên vừa học vừa làm, đọc sách báo Anh ngữ là cách tốt nhất để học và viết được Anh ngữ. “You” và “I” không thể nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt hay tiếng Đức được thì tiếng Anh là ngôn ngữ chính của hai đứa mình vậy. Muốn viết gì cho nhau khi cần cũng phải viết tiếng Anh chứ “you” viết tiếng Việt thì “I” cũng đầu hàng. Vậy là cả hai phá ra cười.

     Ông mở tủ sách cho tôi xem, sách mới bìa cứng cầm thấy nặng tay nên tôi phải ngồi xuống bàn để đọc. Ông qua Úc năm 1952, lúc ông vừa đúng 20 tuổi theo diện tay nghề, nước Úc đang cần nhiều người có tay nghề giỏi vì thế ông nộp đơn xin đi. Nước Đức sau chiến tranh thứ hai cũng ở trong tình tạng khó khăn nên ông muốn ra đi. Chi phí cho chuyến đi này ông phải chịu trách nhiệm, cho nên ai muốn đi chính phủ sẽ ứng tiền ra cho mượn rồi sau đó phải trả lại cho chính phủ. Ông là một thợ máy làm đồ sắt, nhưng họ lại đưa ông đi làm ở nhà ga xe lửa, ông vẫn làm, phải làm để có nơi ăn chốn ở và để dành tiền trả lại cho chính phủ.

     Ông hỏi tôi làm gì ở Việt Nam, nghe hỏi trúng mạch nên tôi kể chuyện tôi làm gì để có lương mỗi tháng cho ông nghe một cách thích thú như kể chuyện cổ tích, tôi không cảm thấy bị xúc động một tí nào mới lạ chứ! Lại thấy vui trong lòng. Ông khen tôi giỏi, qua đây một mình nuôi ba đứa con, ông lắc đầu và nói: “chuyện không phải dễ”. Tôi không kể lể kêu ca khó khăn cực nhọc trong hãng xưởng, công việc đầu tiên của tôi khi mới đến Úc, vì so với việc làm của tôi trước đây trong Phòng Bảo Sanh bệnh viện ở Việt Nam thì có thấm vào đâu, mệt và trách nhiệm hơn nhiều, tôi không kể lôi thôi về gia cảnh của tôi. Không phải tôi giấu nhưng thấy chưa đủ thân để tâm sự thế thôi. Tôi kể hiện tại tôi đi bán bảo hiểm nhân thọ và mới vào làm beauty consultant cho hãng mỹ phẩm MK.

     Khoảng gẩn bốn giờ chiều ông mời tôi đi ăn “dinner” ở nhà hàng, tôi ngạc nhiên vì còn quá sớm cho bữa ăn tối, nhưng rồi tôi cũng đi. Ông bảo “dinner” của ông là vào lúc bốn giờ chiều, trời ạ, sao mà sớm dữ vậy! Nhưng tôi vẫn vui và theo ông ngồi vào cái xe cổ lỗ sĩ đến nhà hàng, không xa lắm. May quá nhà hàng tàu, nên tôi cũng dễ chọn món ăn. Ông chọn beefsteak salach khoai tây chiên và uống beer, tôi chọn cơm dương châu và nước cam tươi. Tôi thấy no vì chưa tới giờ ăn tối nhưng không cảm thấy nặng nề vì chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện thời tiết nắng mưa, không đầu không đuôi…bữa ăn kéo dài nên lúc tôi từ giả để ra về thì cũng gần sáu giờ. Vậy là bữa ăn tối của tôi tại nhà xin hẹn lại ăn khuya hay uống ly sữa cho khỏi bị đói lúc đi ngủ.

     Tôi bắt tay ông từ giả, lần này tôi cầm tay ông hơi lâu hơn một chút nên nhận thấy hơi lạ vì một người làm việc lao động bằng hai bàn tay nhưng tôi ngạc nhiên là bàn tay không cứng ngắt như tôi tưởng. Tôi hỏi ông:

    – “Sao “you” làm việc nặng nhọc vậy mà bàn tay không bị cứng? 

    – “Máy móc làm cả chứ hai bàn tay có làm đâu, những đồ sắt nặng như vậy cũng phải dùng cần trục đưa vào xưởng. Cắt, cưa, chuyền từ máy này qua máy khác cũng có máy đưa, nặng lắm khiêng bằng tay không được đâu. Lúc cần cũng dùng tay nhưng ít thôi. Lúc “I” còn trẻ hơn bây giờ “I” còn vẽ họa đồ và làm máy móc để bán nữa”. Bây giờ “I” đang bị đau cái hông đùi nên bớt nhận hàng vì có thể sẽ bị mổ để thay khớp.

    -“À thì ra thế, bây giờ “I” mới biết”. Tôi nói một cách kính mến.

     Tôi từ giả ông mà lòng thấy vui, vừa lái xe vừa suy nghĩ, đến Úc mới hai mươi tuổi, một thân một mình làm nên sự nghiệp, không hút thuốc, không cờ bạc, không lui tới trà đình tửu quán. Tôi thật lòng có cảm tình với ông rất nhiều. Về sau này khi tôi biết ông mất cha lúc mới mười ba tuổi, gia đình không tìm được thân xác của cha ông vì lúc đó chiến tranh quá hổn loạn. Tôi thấy thương tâm vô cùng và, ông khi nhắc đến cha mình tôi thấy ông xúc động muốn khóc, tôi càng thương ông hơn, nhiều hơn… 

Dưới đây là hình Quế và Wally chụp năm 1992, sau mấy tháng quen nhau.

Còn tiếp,

DTQT, 02/08/2019.Que and Wally 001.jpg