Cùng Bạn Đọc thân mến,
DT muốn đề cập đến ảnh hưởng của con người bạn láng giềng đối với con của các bạn, vấn đề hơi phức tạp một chút vì thế cho nên bạn phải tế nhị để khỏi mất lòng bà bạn lâu năm cạnh nhà. Thân mời các bạn đọc “AHCTE” dưới đây.
ẢNH HƯỞNG CỦA TRẺ EM.
Có một bà bạn hỏi Thảo làm thế nào để cho con mình tránh bị ảnh hưởng bởi con người hàng xóm. Chị bạn kể lể:
Tôi có ba đứa con trai, một đứa lên mười, một đứa lên tám và một đứa lên năm. Bà bạn bên cạnh cũng có ba đứa con cùng suýt soát tuổi của các con tôi. Con tôi cũng không khác gì con của bà bạn bên cạnh nghĩa là cũng nghịch ngợm phá phách gây nên lầm lỗi và bị phạt – Mấy đứa con của bà bạn thì nói dối, réo gọi tên mẹ suốt ngày và đôi khi đánh lại mẹ – Bà bạn vẫn thường hay khóc, tuy nhiên tôi thấy bà hình như không thấy gì sai trái trong việc con bà hổn hào như thế cả – Con tôi và con bà vẫn thường chơi chung với nhau từ khi chúng còn nhỏ, nhưng bây giờ tôi cảm thấy lo âu và e ngại rằng con tôi sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi con bà láng giềng.
Thảo thông cảm được nổi lo âu của bạn vì bà ta cho biết lối sống của hai gia đình hoàn toàn khác hẳn nhau. Lẽ tất nhiên sau bao nhiêu năm làm bạn với nhau bây giờ bà cũng khó mà ngăn cấm con mình chơi với con người láng giềng.
Thảo nghĩ rằng bà bạn của Thảo đã không áp dụng đúng mức các điều lệ của mình đã đặt ra cho các con bà. Bây giờ chỉ còn có một cách là bà bạn phải bắt buộc con mình giữ hạnh kiểm của chúng theo như bạn mong muốn, kể cả lúc có các con bà hàng xóm sang chơi, nếu không chúng sẽ bị phạt như thường lệ. Cắt nghĩa cho con hiểu rằng gia đình mình và của người hàng xóm là khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh, bạn không có quyền cũng như không thể xúi dục người khác trừng phạt con họ theo ý mình được. Và bằng mọi cách bạn phải cho con biết rằng bạn vẫn giữ lập trường cũng như luật lệ gia đình làm nền tảng vì bạn tin rằng như thế là đúng.
Nếu bạn làm như vậy luôn luôn, Thảo tin tưởng là con mình sẽ bị ảnh hưởng bởi mình và sẽ hiểu được thế nào là đúng là sai theo cách mình đã dạy chúng hơn là cứ để chúng nhìn theo con bà bạn hàng xóm rồi bắt chước và bạn cứ lờ đi sau này khó mà uốn nắn được.
Trẻ con và các buổi tiệc của người lớn.
Một người bạn gái nhất định lúc nào cũng muốn mang đứa con trai mười hai tuổi của họ đến các bửa tiệc trọng đại được tổ chức vào buổi tối. Đứa con trai này lại được nuông chiều quá độ thành trở nên hư hỏng và hổn hào. Luôn luôn xen vào câu chuyện của người lớn, phá phách nghịch ngợm các thức ăn được bày trên bàn v.v … Bố mẹ em lại không hỏi trước chủ nhà là họ có thể đem em trai theo được hay không. Và họ vẫn thường mang em theo với họ. Chủ nhà nhất định là không chấp gì về việc đó, nếu em bé trai chỉ xem TV hoặc nghịch ngợm riêng một mình em, hoặc nếu có bạn cùng tuổi thì em có thể vui đùa cùng với bạn. Nhưng ngược lại em bé này luôn luôn thích làm phiền người lớn và do đó cuộc nói chuyện của người lớn bị gián đoạn nhiều lần khiến những người khách khác thường không mấy vui lòng.
Phải có một giới hạn giữa người lớn và trẻ con. Nhưng đứa bé trên đã không có giới hạn đó vì không được chỉ dẫn hoặc không được khuyến khích để đi theo giới hạn đó. Và có lẽ em là đứa con trai độc nhất trong nhà, thiếu bạn cùng tuổi để vui đùa do đó điều này thường hay thấy xảy ra. Trong trường hợp này bạn không thể nào nói thẳng với cha mẹ em được cũng không có thể giúp ý kiến gì được cả. Vì có thể cha mẹ và em bé đều thấy hạnh phúc với lối sống theo cung cách đó.
Tuy nhiên bạn có thể nói riêng với người bạn gái (mẹ của em trai) rằng em không thể theo kịp được cuộc tranh luận của người lớn trong những buổi tiệc tùng như thế được và cũng khó khăn cho người lớn nữa. Bạn có thể nói thẳng rằng bạn lo lắng vì không có gì để làm vui em bé trong những trường hợp như vậy cả và lần sau cuộc họp chỉ dành riêng cho người lớn thôi. Người bạn gái sẽ hiểu và chắc chắn sẽ không phật lòng.
Dã-Thảo Quế Trần.
Tháng 11/1984.
