Cùng Bạn Đọc,
Anh Longkangaroo gởi cho Dã-Thảo hai câu chuyện nhỏ. DT Reblog hai câu chuyện nhỏ trên cùng một trang, mời Bạn đọc cho thấy đất nước mình càng ngày càng tuột dốc một cách thảm hại không biết đến bao giờ mới ngóc đầu dậy nổi đây. Chuyện “Mất Gốc” của Trần Mộng Lâm” và chuyện “Chưa hẳn mất nước vào tay Chệt mà đã Mất Giòng Họ” của một tác giả ký tên NT. Cảm ơn Anh Longkangaroo, Trần Mộng Lâm và Bạn NT.
Thân mến,
DTQT. 23/02/2019.
MẤT GỐC
Nhiều khi thành thực quá cũng gây cho mình những bực mình. Trước đây ít lâu, tôi có viết một bài ngắn mang tựa đề: Tôi không phải dân Bắc. Tuần vừa qua, tôi lại viết bài: Hai nỗi cô đơn. Với 2 bài viết này, tôi nhận được khá nhiều điện thơ góp ý kiến, có người đồng ý, có người không đồng ý, nhưng cũng không có vấn đề gì quan trọng. Khi mình đã đưa ra một ý kiến, thì phải chấp nhận các lời phê bình.
Mới đây, khi đi ăn cưới cô cháu gái, tôi gặp anh Lâm Văn Bé, anh cười nói với tôi: Tôi hiểu ý anh, nhưng tôi nghĩ anh sẽ bị phản đối nhiều đó. Một lúc sau, gặp một ông bạn khác, ông này cũng nhã nhặn, nhưng hỏi móc tôi: Anh không sợ bị kết án là mất gốc??
Tôi hỏi lại ông:
– Theo anh, gốc của tôi là gì?
– Thì anh người miền Bắc. Tuy anh ở trong Nam lâu, lấy vợ miền Nam, nhưng gốc của anh là người Bắc.
Tôi nản quá, nói với ông ta:
– Anh trật lất rồi. Gốc của tôi là Việt Nam Cộng Hòa.
Tôi là công dân của Việt Nam Cộng Hòa.
Những công dân VNCH có người sanh tại Miền Bắc, có người sanh tại Miền Trung, có người sanh tại Miền Nam, nhưng họ đều có chung một nền văn hóa, tôi gọi văn hóa Miền Nam…Gọi như vậy là để phân biệt với các công dân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, ngày xưa gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Ngày nay, trong nước, còn sót lại những công dân cũ của VNCH. Tại Hải Ngoại, đa số là người của VNCH. Tại Việt Nam, những người sống tại Miền Bắc trước 1975 là công dân của CHXHCNVN.
Hiện nay, đại đa số người Việt Nam trong nước là các công dân của CHXHCNVN. Người Việt Nam, nói chung, có cùng một tiếng nói, nhưng nói cùng một thứ tiếng không có nghĩa là cùng một tổ quốc. Người Anh, người Úc, người Mỹ, cùng nói Tiếng Anh, nhưng họ không cùng một tổ quốc. Cũng vậy, người Việt Nam Công Hòa và người của CHXHCNVN không cùng một tổ quốc.
Với tôi, người của CHXHCNVN rất xa lạ: Họ nói khác tôi (tiếng Việt Cộng), họ suy nghĩ khác tôi, sống khác tôi, thậm chí lái xe, chưởi thề, ăn mặc, hát, đóng kịch, mọi thứ đều khác. Họ có một lá cờ khác, một bài quốc ca khác, những anh hùng khác, những thần tượng khác. Những người đó là gốc của tôi hay sao??? Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là tổ quốc của tôi hay sao??
Không, gốc của tôi là VNCH, tổ quốc của tôi là Việt Nam Cộng Hòa.
Công dân của VNCH là công dân VNCH và công dân của CHXHCNVN là công dân của CHXHCNVN. Hai khối người, nhưng cũng là hai nỗi cô đơn. Hai nỗi cô đơn này hiện hữu tại trong nước, nhưng cũng hiện hữu tại Hải Ngoại.
Bây giờ, giả thử có một ông đảng viên CS nào kêu gọi nới rộng tự do một chút, cởi mở hơn một chút, sửa sai chế độ của họ một chút, thì đó là việc của họ. Riêng tôi, Cộng Sản phải được xóa bỏ toàn bộ. Sửa nó? Đúng là nằm mơ giữa ban ngày.
Trần Mộng Lâm.
Chưa hẳn mất nước vào tay Chệt mà đã Mất Giòng Họ
Câu Chuyện Thật Như Thế Này:
Trong một chuyến về Sài Gòn vào đầu tháng 4 năm 2014 vợ tôi có đến thăm hai người cháu, một trai và một gái, con của một bà chị trong họ. Cậu trai 32 tuổi và cô gái 27 tuổi, cả hai đều được nuôi ăn học đàng hoàng (tốt nghiệp đại học 4 năm), có công ăn việc làm tốt ở Sài Gòn. Họ đều đã lập gia đình cách đây vài năm và đã có con.
Dì cháu lâu ngày gặp nhau mừng mừng tủi tủi, trong câu chuyện hàn huyên vợ tôi ôm đứa con trai của người cháu trai và hỏi nó rằng:
– Con tên chi?
Đứa bé trả lời:
– Dạ, con tên Miêu Văn Dũng ạ.
Vợ tôi tưởng mình nghe lộn nên hỏi lại:
– Ủa, con họ chi?
Đứa bé trả lời:
– Dạ, con họ Miêu ạ.
Vợ tôi ngạc nhiên, ngước mặt lên hỏi cha của nó:
– Sao lạ vậy, con họ Nguyễn mà tại sao con của con họ Miêu? Người Việt mình làm gì có họ Miêu hả con?
Biết vợ tôi ngạc nhiên, cậu cháu vội giải thích một tràng như sau:
-Dì à, đó là con cho nó lấy họ mẹ, vợ của con gốc người Hoa họ Miêu. Con không được may mắn bằng em của con, nó lấy thằng em của vợ con nên con nó sinh ra không cần phải lấy họ mẹ vẫn có được họ Tàu.
Vợ tôi bực mình hỏi lại:
– Sao lạ vậy, mình là người Việt Nam tại sao phải lấy họ Tàu?
Cậu cháu trả lời:
– Dì ở nước ngoài lâu quá nên không biết đó thôi, chứ ở đây (Việt Nam) thanh niên nam nữ khi lớn lên lập gia đình đều muốn con của mình mang họ Tàu để sau này có tương lai hơn! Dì không thấy sao? bây giờ ở nước mình đi đến đâu cũng thấy Tàu, công ty, hãng xưởng đa số là của người Tàu. Mang họ Tàu đi xin việc, làm giấy tờ gì cũng dễ dàng và được nể, vì tụi con cũng vì tương lai của mấy cháu đấy thôi.
Nghe người cháu phân bua như vậy vợ tôi gằn giọng:
– Thì ra là vậy, như vậy thì hết đời tụi bây, giữa tao và con của tụi bây coi như không bà con, dòng họ gì nữa rồi phải không?
Biết vợ tôi tức giận, cậu cháu vội giả lả:
– Dì nói vậy thôi, chứ họ gì thì họ, bà con vẫn cứ bà con mà dì. Dì thấy không, cô Đại sứ Du lịch Việt Nam Trần Thị Thanh Nhàn cũng lấy tên Tàu là Lý Nhã Kỳ mà được trọng vọng, nên danh nên phận và giàu có đó, có sao đâu.
Vợ tôi buột miệng nói:
– Vậy sao.
Nhận thấy không khí có vẻ nặng nề và ngượng nghịu, vợ tôi vội vàng kiếm cớ bận rộn công việc để từ giã hai đứa cháu. Trên đường về bâng khuâng tự hỏi: – Không biết mình có còn là bà con với chúng nó hay không?
NT.