Cùng Bạn Đọc,
Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”
Anh cựu thủy quân lục chiến đi đâu mất tiêu không thấy bóng. Bỗng một buổi sáng anh xuất hiện như thất thần trước nhà tôi, anh nói anh vừa bị gạt đi vượt biên, mất tiền mà không đi được. Tôi nói nửa đùa nửa thật:
– “Tại em bỏ chị và các cháu trốn đi một mình nên bị gạt đó”.
– “Chị nói có lý, chắc trời phạt tôi, bây giờ chị leo lên xe tôi chở chị đến đó đòi tiền lại mới được”. Anh chở tôi đến Bến Đá, tôi đứng ngoài giữ xe, anh đi vào căn nhà gần đó, một lúc sau anh trở ra mặt buồn hiu, tôi biết là anh mất toi hai cây rồi. Tôi nói:
– “Thôi bỏ đi, không đòi nữa, lôi thôi họ vu oan cho anh tội này tội nọ là mệt lắm”.
– “Không phải tôi không muốn kéo chị đi, tôi biết chị không đủ sức chạy cho đủ số mười cây, mà thôi cũng may tôi không kéo đó, chứ kéo thì mất bộn rồi”.
Từ đó là tôi để anh lui tới với gia đình tôi thường hơn, mỗi lần đi lo công việc là anh cũng đèo tôi sau xe anh. Một hôm anh đến trao tôi một bao tải nhỏ đậm màu, cở bao đựng gạo năm ký, cũ kỹ xấu xí. Anh bảo tôi ngồi sau xe ôm chặt cái bao, thấy nặng nên tôi hỏi:
– “Cái gì trong này mà nặng quá?”
– “Ôm chặt kẻo rớt, “cây đó”, đóng bãi, lần này chắc được, tàu lớn”. Rồi thôi, anh không nói gì cứ lo chạy xe. Đến nơi cả hai vào nhà, khách chủ chào hỏi nhau:
– “Anh chị mua trái cây?”.
Anh cựu quân nhân nói:
– “Dạ không ghé thăm ông bà chút thôi”, một cách tự nhiên, chuyện trò thân mật với ông chủ nhà không có vẻ gì quan trọng hấp tấp. Một lúc sau chúng tôi bước ra, cái bao để trên bàn được ông chủ lưu ý cầm lấy. Vậy là xong, anh cựu quân nhân chở tôi thẳng đến nhà một người bạn của anh giới thiệu tôi với bạn, người bạn vui mừng thấy công việc trôi chảy. Lúc bấy giờ tôi mới biết ra đáng lý người bạn này phải là người mang số cây đó đi mua bãi nhưng anh bạn run quá, sợ lộ nên tôi là người ôm lấy, không thấy sợ, ngược lại tôi quá vui mừng mong cho việc chóng thành công. Qua hôm sau, anh cựu quân nhân đón người từ Sài gòn đến giới thiệu, nói với tôi là người thân của anh và dặn tôi chuẩn bị tối đi. Quả thật không ngờ, tôi và các con đi xe Lam đến địa điểm giao hàng ngày hôm qua, vì trời đã tối nên vừa đi vừa chạy vào nhà, lẫn ra sau vườn ngồi chờ “taxi”, tàu nhỏ đưa ra được gọi là “taxi”. Trời tối nên chẳng thấy đường tôi hụt chân bước xuống một vũng đất thấp mà không biết té lăn quay muốn gãy chân trái, cũng may có con gái nắm tay nên tôi đứng lên được, có tiếng người nói “taxi” đến rồi đó đi mau lên không thôi bị bỏ lại”, tôi bước đi cà nhắc mà nghe vậy cũng hết cảm thấy đau, đi như chạy. “Taxi” đến chúng tôi lội ngay xuống nước chẳng sợ nguy hiểm là gì, chuyền từng đứa con leo lên tàu nhỏ mà lòng quả thật lo sợ vô cùng vì không biết mình sẽ đi về đâu. Cuối cùng chúng tôi đến gần tàu lớn. Nhìn con tàu sáng trưng chúng tôi cũng hết hồn vì không biết có đúng không. Một trong các chị trên tàu lên tiếng: “đúng rồi đó, ông xã tôi đang đưa tay vẫy lá cờ trắng kia kìa cứ đến đi, tôi có lên đó một lần”, vậy là yên tâm rồi. Chúng tôi lần lược trèo lên được tàu lớn và xuống hết dưới khoang tàu, anh cựu quân nhân ôm lấy anh bạn mà tôi mới gặp ngày hôm trước mừng rỡ nói: “thành công rồi anh Ba”, anh này không đi cùng chuyến “taxi” với nhóm của chúng tôi. Vì tàu lớn đầy đủ tiện nghi nên khi ghé bến Mã Lai rồi Indonesia đều bị từ chối không cho tị nạn, tuy nhiên chúng tôi vẫn được ân cần tiếp đón và giúp đỡ, tôi không nhớ rõ đã lưu lại cảng Surabaya bao nhiêu ngày, sau đó tàu tiếp tục đi thẳng đến hải cảng Darwin Australia vào ngày 29/11/1977, tàu neo ở cảng Darwin chờ thủ tục tị nạn. Chúng tôi được Thủ Tướng chính phủ Úc, Malcom Frazer, chấp nhận cho tị nạn chính trị. Tôi vô cùng biết ơn Cựu Thủ Tướng quá cố Frazer đã mở lòng nhân đạo nhận chúng tôi, Thuyền Trưởng và các Thủy Thủ trên con tàu Sông Bé 12 đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do, và nhất là anh bạn cựu quân nhân chí thân của một thời lao đao lận đận sau ngày mất nước. (Một điều đáng buồn cho chúng tôi là vị Thuyền Trưởng Sông Bé 12 đã qua đời vào ngày 03/09/2004 hưởng thọ sáu mươi tuổi. Tôi xin thành tâm đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến vị ân nhân đáng kính của gia đình chúng tôi. Cùng thương mến gởi đến lời thăm hỏi ân cần và kính chúc gia đình Bà Quả Phụ Trần Phước Hậu vạn sự an lành).
Chúng tôi xin nhập cảnh. Ở trên tàu chờ đợi. Không biết phải chờ đợi bao lâu? Nếu tôi nhớ không sai đó là hai ngày chờ đợi và hy vọng. Rồi chính quyền cho phép chúng tôi được ở lại trên mảnh đất tươi đẹp Australia. Không thể tả nổi cái cảm giác của tôi lúc đó, chỉ biết là mình sung sướng, vô cùng sung sướng. Tôi đi xiêu vẹo trên đất liền lần đầu tiên sau gần một tháng vượt biển. Đặt đầu trên gối nằm đêm đó trong căn nhà tỵ nạn tôi đã có thể ngửi được cái mùi của hòa bình và tự do đang tỏa ra quanh tôi, chiếm hết đầu óc, khiến mình không ngủ được. Các con ngủ thật say, tôi biết rằng từ nay chúng sẽ không còn cầm chổi theo để quét đường khi đi học nữa. Chúng sẽ không còn hát những bài hát như đâm vào tim con người. Tôi không còn lo lắng có người đến gõ cửa vào ban đêm vặn hỏi điều này điều nọ mà không có lý do nào cả. Cảm ơn Trời Phật chúng tôi đã an toàn trên mảnh đất bình yên. Đây là mảnh đất người ta đến từ các nơi khác nhau, hòa đồng với các văn hóa khác, làm việc bên nhau cùng một nơi, nói với nhau cùng một thứ tiếng – English – tôi mang ơn sự hòa hợp này. Tôi tự nhủ sẽ đẩy xa bất cứ cản trở nào, đối mặt với bất cứ bất hạnh nào, làm việc khó nhọc ư? Tôi nhất định không có bất cứ một sự phàn nàn nào cả. Tôi mới có ba mươi ba tuổi, cái tuổi cao điểm của đời một người đàn bà, bị bắt buộc phải đấu đá, vì thế cho nên tôi sẽ đấu như một con “bull” cho sự tồn tại của gia đình tôi.
Trên Mảnh Đất An Lành
Sau một ngày ở Darwin để làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được đưa đến Sydney bằng phương tiện hàng không, do chính phủ tài trợ. Nhân viên và thông dịch viên đón chúng tôi tại phi trường Sydney, rồi xe Bus đưa về tạm cư ở Villawood Westbrige Hostel. Nơi chúng tôi trú ngụ phòng ốc khang trang đầy đủ tiện nghi điện nước, tôi vẫn còn nhớ chị làm phòng dẫn tôi vào phòng tắm chỉ dẫn cho tôi vòi nước nóng và vòi nước lạnh ( H và C) để chúng tôi khỏi bị bỡ ngỡ khi dùng nước, nhất là nước nóng để các cháu khỏi bị phỏng. Chị nói tiếng Anh thật chậm và rõ ràng để tôi hiểu chị muốn nói gì. Tôi cảm ơn, chị từ giả và còn chúc tôi có một ngày tốt lành. Tôi thành tâm cầu xin cho tôi cùng các con sẽ có được nhiều ngày tốt lành như những ngày vừa qua.
Vì tương lai của các con, tôi bỏ nước ra đi, hy sinh tất cả là điều không thể nào tránh được. Trong cái đen tối không cùng của biển cả tôi nghe lòng rạn nứt vì đã bỏ lại chồng tôi trong ngục tù cộng sản. Tôi cầu mong anh tha thứ cho tôi, tôi nguyện có trời trên cao, dưới có biển cả mênh mông chứng giám cho lòng tôi, không bao giờ phản bội anh. Chỉ có một mình tôi mới biết được tôi, mới hiểu được tôi thôi, như vậy cũng đủ cho tôi sống để lo cho các con tôi đến lúc trưởng thành, nên người hữu dụng. Nếu ngày đó tôi không liều mạng thì có lẽ bốn mẹ con tôi không còn sống trên đời này. Có ai hiểu cho tôi trong hoàn cảnh đáng suy ngẫm đó hay không?
Tôi và anh cựu quân nhân sau vài tháng ở chung trong trại tạm cư thì có mối bất hòa nên khi chúng tôi dọn ra ngoài là xa nhau. Cách mấy năm sau, anh cựu quân nhân thủy quân lục chiến đưa đến căn flat tôi ở, một cô bạn gái và, anh nói giọng vui đùa nhờ tôi coi mắt giùm. Tôi vui mừng đón tiếp cả hai rất nồng hậu, cô gái thật dễ thương. Không lâu sau đó tôi nghe tin anh và cô gái đã thành hôn. Tôi vui mừng vô cùng, mặc dầu tôi không được mời đi dự đám cưới. Tôi thật sự vẫn quý anh và nhớ ơn anh rất nhiều. Tôi chân thành cầu chúc vợ chồng anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu dài.
Căn flat tôi thuê chỉ có một phòng ngủ rộng, vừa kê đủ một cái giường chồng cho hai đứa con trai và một cái giường chiếc cho con gái, phòng ăn sát với nhà bếp được kê thêm một chiếc giường đơn đã cũ, của bà chủ khu chung cư đưa qua, tôi treo một tấm màng chia đôi phòng ăn và phòng khách, vậy là tôi có căn phòng ngủ! Sát nhà bếp, thế là ấp cúng rồi không còn phàn nàn gì nữa. Chúng tôi dùng cơm ngay trong nhà bếp, vì bếp vẫn còn rộng có thể kê thêm một bàn nhỏ. Cuộc sống của tôi hết sức giản dị, khiêm nhường, nếu không muốn nói là dưới trung bình, là nghèo, rất nghèo. Áo quần “second hand” dành cho tôi, nhưng tôi sắm áo quần mới cho các con, suốt ngày đi làm trong hảng xưởng thì chẳng cần gì quần áo mới, tôi cũng chẳng đi ra ngoài nhiều. Tôi dành những giờ rảnh rỗi để sinh hoạt với các con, nghỉ ngơi và viết lách, vì tôi nhận giữ “Trang Bạn Gái” cho hai tờ báo “Thế Hệ Mới” và “Chuông Sài Gòn”, ở thập niên 80.
Muốn viết thì phải đọc. Báo Việt Nam chỉ có hai tờ tôi vừa nêu trên. Chuyện ngắn chuyện dài, quảng cáo, “chi cũng ngốn”, lật qua lật lại là hết trơn. Xoay qua đọc báo tiếng Anh vậy. À cái này mới rắc rối đây, ngoài số vốn Anh ngữ ở trường và sau mười tuần học Anh ngữ lúc mới đến Úc để ra kiếm việc làm và tiếp xúc với người di dân và người bản xứ. Đọc sách báo tiếng Anh quả thật tốn rất nhiều thì giờ, vì đọc qua một lần chưa hiểu phải đọc lại, đã vậy lúc nào cũng phải có Ông Thầy “Câm” ở bên cạnh, mỗi khi gặp chữ khó, cứ hỏi Ông là ra ngay. Mà chữ khó thì gặp hoài từ đầu trang đến cuối trang, trang nào cũng có. Vậy đó, tôi cứ hỏi Thầy tôi hoài, và không bao giờ tôi bị thầy giận hờn trách móc gì tôi cả. Tôi “thỉnh” “Ông Thầy Câm” này lúc còn mới nguyên si, từ tiệm sách “Dymock” ở tận City đầu năm 1980 đó nghe, chứ không phải “second hand” đâu nhé. Tên thầy là “The Oxford Paperback Dictionary”, vậy mà bây giờ trông Thầy thật tội nghiệp, mặt mày bạc phết, bìa rách xác xơ. Nhìn Thầy là biết tôi chịu khó học Anh Ngữ lắm. Mà cũng nhờ vậy nên tôi dần dà mới nói và viết được đôi chữ tiếng Anh cho nên câu lúc sau này. Nhưng chưa đủ, vì thế cho nên tôi phải đến trường học thêm vài khóa nữa. Vẫn chưa tới đâu nên cứ đọc hoài, học hoài, vẫn cứ thiếu, nên tôi hình như lúc nào cũng bận rộn. Tôi cũng xin kể thêm, khi tôi lên Bộ Y Tế xin được làm việc theo đúng nghề của mình, thì được Bộ trả lời: Nếu tôi muốn đi làm theo nghề của mình thì tôi phải đi học trở lại thêm ba năm nữa về ngành Hộ Sinh và Bộ cũng bằng lòng cho tôi đi học thêm Anh Ngữ về nghề của mình ít nhất là sáu tháng đến một năm. Với số vốn Anh Ngữ quá ít tôi nghĩ phải mất rất nhiều thời gian bốn năm mới đi làm được, trong lúc hiện tại tôi phải lo cho ba đứa con ăn học và còn phải lo cho gia đình còn bị kẹt lại ở Việt Nam, thôi tôi đành phải bỏ ý định đi học lại để đi tìm việc làm không đúng với khả năng của mình.
Gia đình Ông Bà chủ căn chung cư, người Ý, có hai người con, một trai một gái, đã lớn chưa lập gia đình nên vẫn còn ở chung với cha mẹ, cũng ở cùng trong khu chung cư với chúng tôi, Ông Bà tử tế và lịch sự vô cùng. Tôi trả tiền mướn flat thẳng với Bà chủ, mỗi hai tuần, chứ không qua văn phòng trung gian nên cũng rất tiện cho tôi không phải mất thì giờ đi đâu cả, chỉ cần gõ cửa flat đối diện, chờ một chút, Bà chủ tươi cười đi ra với cái “receipt” thế là xong, khỏi mất một buổi sáng hay một buổi chiều nào cả.
Tôi đi làm hơi xa, phải bắt xe lửa rồi xe bus mới đến hãng làm việc. Vì thế cho nên mỗi sáng tôi dậy thật sớm, ăn vội cặp bánh mì “sandwich” uống vội ly cà phê, rời nhà, đi bộ ra trạm xe lửa bắt chuyến xe sáu giờ. Rời xe lửa băng qua đường cái, bắt chuyến xe bus bảy giờ mười phút, đến trạm dừng, đi bộ một đoạn ngắn đến hãng, bấm thẻ là vừa đúng bảy giờ ba mươi phút không sai chạy đi đâu cả. Làm việc liên tục từ 7:30’ đến 10:00 trưa, nghỉ 10 phút giải lao ăn bánh uống trà hay làm gì tùy ý mỗi người. 10:10’ trở lại làm việc đến 12:00, nghỉ ăn trưa nửa tiếng đồng hồ. Tôi thường “order” thức ăn qua “canteen” của hãng nên không phải lo lắng về việc bới xách cho bữa ăn trưa của mình, nên cũng giảm bớt lôi thôi phần nào. 12:30’ làm việc đến 3:00 chiều, nghỉ 10 phút giải lao, trở lại làm việc đến 4:30 chiều là tan sở. Trở ra đón xe bus, bắt xe lửa rồi đi bộ về nhà cũng phải gần sáu giờ chiều. Hôm nào ở lại làm thêm giờ, tức là thêm ba tiếng đồng hồ, từ 4:30’ đến 7:30’ buổi chiều, tôi về đến nhà đã gần 9:00 giờ tối rồi. Tắm rửa ăn uống xong đã đến giờ đi nghỉ, chẳng có thì giờ nào chăm sóc cho ba đứa con của tôi, chúng tự săn sóc lấy nhau thấy mà thương. Tuy thế tôi vẫn cố gắng hết sức mình để những ngày không làm thêm, về đến nhà sớm, tôi cũng dành chút thì giờ chăm sóc các con và sinh hoạt với chúng vào ban đêm trước khi chúng vào phòng ngủ.
“Con Trai Lớn của tôi ơi, mẹ nhớ ơn con vô cùng! Mới hơn chín tuổi đã biết nói lời trưởng thượng”:
– “Chết thì con không sợ nhưng nếu mẹ bỏ thuốc giết chuột vào, mẹ đừng nói cho con biết vì nếu con biết có thuốc chuột thì con không ăn, con không muốn chết!”.
“Con giữ đúng luật làm người, không tự hại mình, thì mẹ không có quyền hại các con. Thương con nhiều lắm con biết không?”
“Con Gái Đầu của tôi ơi, mười một tuổi đến Úc, mà như đã trưởng thành biết lo lắng cho các em cái ăn cái uống để mẹ có thể suốt ngày làm việc trong hãng xưởng kiếm tiền lo cho các con và lo cho người còn bị kẹt lại bên nhà. Thương con quá!”
“Con Trai Út của tôi ơi, mẹ xin lỗi đã để con đi bộ một mình đến trường dù trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh, con mới hơn tám tuổi, tội nghiệp con tôi đã tự mình lo lấy lúc hãy còn bé thơ, cũng may trường học gần nhà nên con đi mà không sợ gì cả. Bây giờ nghĩ lại mẹ thấy thương các con làm sao! Mẹ quả thật thiếu bổn phận với các con nhiều lắm! Mẹ chỉ biết lo đi làm, nhiều hơn là lo cho các con. Các con ơi, thông cảm và tha thứ cho mẹ nhé”.
Còn tiếp.
DTQT. 01/12/2018.
Tôi làm trong hảng CBS Record, đứng máy, đợi máy làm ra, bỏ vào thùng những dĩa hát này, dán thùng lại dán nhãn lên thùng, bỏ xuống “pallet” để một công nhân khác lái fork-lift đến kéo pallet đi.