CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo)

Cùng Bạn Đọc,

     Sáng nay nhận được bài thơ “Kỷ Niệm” của Phạm Duy do Tống Mai sao lại gởi tặng Dã-Thảo, nên vội tìm trên net và, muốn nói với Tống Mai đây là lần đầu tiên DT nghe bài ca này. Thảo mời Các Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”. Dã-Thảo cảm ơn Tống Mai cùng các Bạn đã ghé thăm thường xuyên Vườn Hoa DT.

Thân mến,

DTQT.18/11/2018.

     Không lâu sau đó ruộng được bán đi, nhà không còn làm ruộng. Bầy bò được bán luôn vì chính phủ không cho phép nuôi bò trong thành phố nữa. Bán ruộng bán bò, Me lấy tiền đó mua nhà cho gia đình Anh Ba, và không bao lâu sau đó gia đình anh Bốn cũng muốn ra riêng nên Me sắm cho gia đình anh Bốn một căn nhà lớn, hai tầng, kế nhà Anh Ba. Hai căn nhà này nằm cạnh nhau mà lại ngay bên cạnh Chùa Cầu, có hai con khỉ và hai con chó ngồi canh bốn bề, người ta lại đặt trước mặt mỗi con một bình nhang nên mỗi lần đi ngang tôi sợ lắm đi thật nhanh không dám nhìn, miệng niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát!”.

     Gia đình các anh ra riêng hết, bấy giờ chỉ còn lại Ba Me, ba chị em chúng tôi cùng các gia nhân thôi. Rồi chúng tôi lớn lên, chị Mai ra Huế vào học Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia năm 1958, nhà rộng hai căn lại ít người nên lúc bấy giờ Me cho các nữ học sinh ở trọ. Các chị ở trên quê xuống học trường Diên Hồng, các chị ở Tam Kỳ ra học Trần Quý Cáp, cùng trường với tôi nên thật là vui. Có hai chị nữ y tá ở Tam Kỳ ra, làm việc tại bệnh viện Hội An cũng trọ ở nhà tôi. Đông thật đông và vui cũng thật vui. Tôi vẫn còn nhớ rõ tên các chị như in trong trí tôi, đó là Chị Hương học Trần Quý Cáp, Chị Bích, Chị Cúc làm ở bệnh viện Hội An, hai chị em Chị Huệ người chị học ở trường Diên Hồng, cô em tên Thảo học ở Trần Quý Cáp. Tôi nhớ chị Hương thường chạy lên sân vận động bắt bướm đem về ép vào sách còn tôi thì thích hái hoa phượng và các loài hoa dại và tìm kén bướm để nuôi, khi bướm xé kén chui ra đợi cánh bướm khô tôi thích thú đem ra vườn thả bay đi, thấy trò chơi của tôi cũng vui nên chị Hương không bắt bướm ép vào sách nữa. Năm 1961 tôi theo gót chị Mai đi thi tuyển và được chọn vào trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Huế nên được phép rời nhà đi học xa, phải ở nội trú ba năm, thỉnh thoảng mới về thăm nhà. Tôi từ giã Hội An từ dạo ấy.

     Tôi bị thiếu hai tháng mới đúng mười tám tuổi, là tuổi thấp nhất để được vào học ngành này, nên phải làm đơn xin miễn tuổi. Từ nhỏ đến lúc rời nhà ra Huế tôi chưa bao giờ biết nấu nồi cơm, ấy vậy mà bây giờ mới tám giờ sáng tôi phải có mặt ở bệnh viện để đi “thực tập”! Eo ơi, đi làm giường trải ra sửa nệm, lau bụi bàn ghế giường tủ v…v…Chiều về trường học “lý thuyết ” với các thầy. Thầy Đặng Hóa Long là Bác sĩ Trưởng Khoa của trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Huế, dạy môn Sản khoa, Bác sĩ Khuyến dạy về bịnh lý tổng quát và khoa dục nhi, Bác sĩ Vận dạy về bịnh đàn bà, Dược sĩ Phòng hướng dẫn về thuốc và cách dùng các dược phẩm, còn có một Nữ Giáo Sư dạy Anh văn mà tôi không nhớ rõ tên, nhưng tôi sẽ tìm ra chứ chưa đầu hàng. Nối liền với lớp học là Văn Phòng Điều Hành của trường. Nằm giữa lớp học và ngôi nhà nội trú của sinh viên là một phòng khách nhỏ dành riêng cho sinh viên tiếp đón thân nhân và bạn hữu đến thăm.

     Nội trú là một biệt thự hai tầng, mỗi tầng có ba phòng ngủ, phòng tắm và phòng vệ sinh, đầy đủ tiện nghi điện nước. Có phòng ăn cách chỉ một hành lang ngắn nối liền là nhà bếp, do vợ chồng bác Pháo, thầu nấu cơm cho sinh viên điều hành. Chúng tôi được hai bà “Soeur” săn sóc về an sinh và, hai chị lao công lo phần dọn dẹp sạch sẽ phòng. Áo quần thay ra tôi có thể nhờ chị lao công giặt giũ, kèm theo một số thù lao vừa đúng công tâm để chị vui lòng giúp đỡ tôi trong lúc tôi bận rộn với công việc học hành hoàn toàn khác lạ này.

     Hai cô bạn gái, Minh Loan và Kim Loan, thường hay đến nội trú thăm tôi vì cả hai đều ra Huế học. Lúc còn ở Hội An tuy không học cùng lớp nhưng tôi thân với cả hai vì lẽ giản dị Minh Loan và tôi ở trong ban vũ của trường, trong vũ điệu “Mơ Khúc Tương Phùng”, Minh Loan mặc đồ giả trai, tôi làm con gái thành một cặp nên Minh Loan hay ghé nhà ngồi trước tầng cấp hát nghêu ngao trước khi kéo nhau đến trường tập vũ do anh Dừng hướng dẫn. Còn Kim Loan là cô bạn ở cùng đường Phan Bội Châu, tôi thường hay đến nhà Kim Loan vào những lúc rãnh rỗi để nói chuyện và trao đổi sách vở văn thơ của các nhà thơ nhà văn mà chúng tôi đang theo học lúc bấy giờ. Tôi còn tìm chép những bài thơ nổi tiếng của TTKH, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Nguyên Sa, vào những tờ “pelure” xanh tím hồng ngà, nén nót từng chữ cho thật đẹp, trong thời thiếu nữ của tôi, xách tập thơ chạy như bướm lượn khoe hết Loan này đến Loan kia rồi Lài rồi Diệu rồi Cháu rồi Minh, không biết mệt! Vậy đó, lúc tôi vào nội trú ở Huế tôi chỉ còn hai cô bạn Minh Loan và Kim Loan thỉnh thoảng đến nội trú thăm tôi, thương ghê! Tôi với Minh Loan hai đứa nằm chèo queo trên chiếc giường sắt tầng dưới không biết nói chuyện chi mà nói mãi tới chiều Minh Loan mới rời phòng đạp xe ra về.

     Giáng sinh năm đó Kim Loan đến thăm mang theo hai gói đậu phụng rang, còn nóng, rủ tôi đi lễ nửa đêm, Soeur Félicité cho đi mà dặn về sớm, đã nói lễ nửa đêm mà bảo về sớm! Tôi kéo Kim Loan chạy ra cổng để hắn khỏi đứng đó đôi co chuyện sớm trễ với bà!

     Theo ngành này trước hết chúng tôi phải thực tập ở các phòng bệnh, những kiến thức đã học về cách săn sóc bịnh nhân căn bản phải được đem ra ứng dụng hết, chỉ vài tháng thôi, đã ngán chưa! Sau đó mới về thực tập ở phòng Hộ Sinh.

     Tôi còn nhớ lúc mới vào đi xem Phòng Sanh, lần đầu tiên nhìn sản phụ sanh em bé nghe sản phụ hét to vì đau đớn, tôi thất kinh hồn vía, lén ra ngoài ngồi một góc ở văn phòng trực của Phòng Sanh, mặt tái xanh vì sợ. BS Chước nhìn tôi rồi bảo: “cô này trẻ quá học chi cái ngành này, cực lắm, về đi học tiếp đi”! Tôi không biết Bác sĩ nói đùa hay nói thật nhưng tôi phải công nhận là thầy nói rất đúng. Chúng tôi chỉ được nhìn các chị khóa trước đỡ sanh chứ chưa ai cho “thực tập” đâu, vậy mà đã khiếp rồi. Chúng tôi chỉ được tắm em bé sơ sinh ở phòng hậu sản mà thôi. Eo ơi lần đầu tiên ẵm em bé tí teo như con búp bế, run quá, cứ lo sợ làm rớt em! Tắm em xong sau đó là theo Thầy đi thăm các bà mẹ mới sanh nằm ở phòng hậu sản, Thầy giảng đến đâu phải ghi tới đó, và phải nhớ để khi Thầy hỏi phải trả lời cho đúng không thôi mắc cở chết! Có Bà Thanh Liêu Giám Học và cũng là Huấn Luyện Viên hướng dẫn chúng tôi trong thời gian thực tập lúc theo thầy đi thăm bịnh nhân trong những tuần lễ đầu.     

     Lên năm thứ hai là được đi “thực tập” thật sự. Là được các chị khóa trước cho phụ các chị, để chị vừa đưa em bé ra vừa cắt nghĩa phải nắm cổ và cầm chân em như thế nào cho em không bị tuộc khỏi tay vì em bé vừa rời khỏi bụng mẹ là trơn nhớt vô cùng. Rồi chị bảo cầm lấy cuốn rốn vuốt cho máu chảy thêm vào cơ thể em, xem mạch máu hết nhảy, mới dùng ngón tay dồn máu qua hai bên kẹp bằng hai cái “kềm ” nhỏ, rồi cắt ở đoạn không có máu, chứ không thôi máu sẽ văng vào mặt đó! Thật kỳ diệu khi mới chạm vào em bé tôi có một cảm giác thích thú vô cùng hồi hộp chứ không còn sợ hãi nữa. Mà lạ chưa kìa sao tôi “Giỏi” quá vậy? Mười bảy tuổi không biết nấu nồi cơm, mà bây giờ tắm em bé mới sanh lại làm được! Ấy mà chưa hết đâu, lo cho mẹ tròn con vuông rồi sau đó là phải dọn dẹp, rửa dụng cụ thật sạch, xếp gọn gàng đâu vào đó. Sản phụ vẫn còn nằm tại phòng sanh để tôi theo dõi sức khỏe, còn chị khóa trước lo làm hồ sơ cho sản phụ. Phải thật yên bình vô sự rồi mới được đưa sản phụ đến phòng hậu sản. Tôi ẵm em vào lòng đi theo xe chuyển sản phụ, lòng thích thú vô cùng. Thật lạ quá! Vui quá là vui, tự nhủ lòng: “Hôm nào về thăm nhà phải kể cho Me nghe cái cảm giác thú vị này mới được”.

                                                                *****

     Tôi đang học giữa năm thứ hai, bỗng một hôm nhận được điện tín nhà báo tin chẳng lành. Me tôi lâm trọng bịnh mà tôi không hề được cho hay, vì các anh và chị tôi không muốn tôi lo lắng, để cho tôi học hành! Mãi đến lúc bịnh Me trở nặng Anh Hai mới đánh điện tín: “Me đau nặng em về gấp”, thì muộn rồi. Tôi bước vào nhà thấy vắng tanh, lạnh ngắt, có một người nào đó bảo tôi là Me đã được đưa ra Bệnh Viện Duy Tân ở Đà Nẵng. Vậy là tôi quay ngược ra Đà Nẵng ngay, không chần chờ. Me bị xuất huyết não do chứng huyết áp cao, tôi về Me đã hôn mê. Dì Năm ngồi bên cạnh Me thấy tôi bước vào Dì nói: “Phải chi con về sớm một chút, Me mới tỉnh lại lúc nãy có hỏi Dì: con Quế về chưa?” Tôi chỉ biết ôm lấy Me rồi khóc, thưa với Dì: “Phải chi có ai cho con biết Me nằm ở đây thì con đã không về thẳng Hội An, làm mất đi cả tiếng đồng hồ, không được gặp Me”. Me tôi nằm yên bất động trên giường, hơi thở nhẹ, tôi cầm tay Me bắt mạch, thấy Me yếu lắm. Cả một đời tận tụy làm lụng nuôi con chồng và con của chính mình, bây giờ nằm xuống ở một bệnh viện xa xôi như thế này chẳng thấy ai ngoài Dì Năm và chị giúp việc đứng quanh bên cạnh giường Me, còn tôi thì vừa ở xa được tin mới gấp rút chạy về. Các Anh Chị ở trong Hội-An bận đi làm, các Chị Dâu bận gia đình đông con. Ba tôi cũng yếu đuối bịnh hoạn nên Dì Năm thay Ba ở lại với Me trong bệnh viện. Bây giờ tôi mới thấy Me thật là cô đơn. Hình như Me cô đơn tự hồi nào đến giờ, nhưng Me cho đó là chuyện tự nhiên, hay vì tôi quá vô tình không biết chia xẻ mà chỉ biết làm phiền Me thôi. Khuya ngày hôm sau Me bỏ chúng tôi ra đi không một lần lai tỉnh. Chỉ có tôi, đứa con gái sống xa nhà được Me cho phép ôm cái thân thể còn ấm áp của Me khi Me trút hơi thở cuối cùng. Con cảm ơn Me phút cuối cùng màu nhiệm lúc con về đến nhà mình ở Hội-An thì trong tâm thức chắc Me đã biết nên mới tỉnh dậy hỏi: “con Quế về chưa?” Đến gần sáng, nhân viên đến đưa Me ra nhà “Xác”. Đến lúc đó không biết tại sao tôi có một cảm giác rất lạ lùng, hình như phải nói là tôi đang sợ cái xác của chính Me tôi, thân hình mà tôi vừa mới ôm và khóc không lâu trước đó, giờ Me lạnh như nước đá và tôi biết đó không còn là Me tôi nữa, Người đã đi rồi và vì không phải là Me nằm đó nên tôi mới sợ vì thấy mình bất lực không biết Me đang ở đâu mà tìm, và tìm bằng cách nào đây? Năm đó Me năm mươi ba tuổi, còn trẻ lắm, tôi mười chín và em Kiến mới mười ba. Sáng hôm đó Anh Hai đưa xe ra Đà-Nẵng đem Me về nhà ở Hội An. Các Anh Các Chị, bà con hàng xóm đến thăm thật đông. Ôi mất Mẹ sao buồn và đau đớn quá! Con ngồi ăn, nuốt cơm như nuốt sạn vậy Me ơi! Lúc liệm Me, Ba muốn xếp hết y phục của Me theo vào quan tài nhưng tôi không bằng lòng, tôi xin Ba cho tôi được giữ lại rồi tính sau. Ngày chôn Me nhìn em Kiến mang bát nhang đi trước quan tài Me mà đau thắt cả lòng. Rồi cũng qua đi những ngày buồn não ruột của gia đình tôi. Tôi soạn hết áo quần của Me, tặng cho bác bạn nghèo của Me…chỉ giữ lại cho mình một tấm chăn mỏng mà Me đã dùng hôm vào bệnh viện, vì mùi thơm của Me vẫn còn nên tôi ôm lấy giữ lại và không muốn giặt sợ bị mất đi mùi thơm lạ lùng đó. Cứ để vậy tối ngủ là tôi ôm chặc lấy cái chăn. Khi sửa soạn trở lại Huế tôi muốn đem theo tấm chăn nhưng Ba không cho, Ba khuyên tôi không nên làm như thế vì có hại cho sức khỏe và tinh thần của tôi, Ba nói sẽ giặt đi và giữ lại chứ không cho ai hết để mỗi khi về thăm nhà tôi sẽ có chăn của me mà đắp. Thấy Ba không bằng lòng nên tôi đành để lại. Nhưng mùi hương kỳ lạ của Me thì thật vẫn cứ còn theo tôi mãi mãi không bao giờ phai.

     Me mất đi là nhà vắng vô cùng, gia nhân nghỉ hết, Ba tôi chỉ giữ lại một người trai trẻ, là anh Cang, để săn sóc cho Ba và em tôi mà thôi.

     Trở lại nội trú tôi buồn quá nên chưa vào lớp ngay hôm đó. Cô Thanh Liêu và các bạn đến thăm. Tôi nằm yên và nước mắt cứ tha hồ chảy, Cô Thanh Liêu ngồi xuống cạnh giường, đặt tay trên lưng tôi để an ủi và tất cả đều yên lặng…Như thế một lúc lâu và thật cảm động. Rồi Cô vừa đứng lên vừa nói trong lúc bàn tay Cô vẫn còn trên lưng tôi: “Thôi em nằm nghỉ, ráng lên nghe em! Tôi “Dạ” nhỏ cảm ơn Cô và các bạn. Chỉ có vậy thôi mà sao bây giờ mỗi lần nhớ lại là cứ nhớ đến bàn tay an ủi của Cô Thanh Liêu ngày nào! Còn lại một mình trong căn phòng nội trú của bốn đứa (Tôi, Kim Thanh, Dung, Thanh Tâm). Tôi nằm yên bất động với  một hình ảnh độc nhất trong trí đó là Me tôi mới mất tuần qua mà nghe đau thắt toàn thân, tôi thấy mình bất lực và thấy mình hình như có tội với Me vì đã không ở gần Me để săn sóc Me trong lúc Me đau yếu. Tôi thấy mình ân hận rất nhiều, đủ thứ, kể cả những lúc tôi còn bé, quá nhõng nhẻo quá chướng tánh làm mất lòng Me. Sao lúc bấy giờ tôi thấy cái gì ở tôi cũng sai quấy cả vậy? Mà tìm Me ở đâu bây giờ để nói lời tạ tội đây? Làm sao bây giờ? Muộn quá rồi, muộn lắm rồi, hết rồi, chấm dứt rồi. Tôi phải dùng hết sức mạnh tinh thần để vượt qua những lúc vô cùng trống rỗng giống như muốn đi tìm Me.

     Phải nói các bạn cùng phòng thật dễ thương “Ba Đứa Hắn, Thanh Dung Tâm” chăm học lắm và lúc nào cũng kể chuyện xảy ra trong các phiên trực cho tôi nghe, chọc phá cho tôi cười vì thế tôi cũng cảm thấy được khuây khỏa nhiều. Tôi cố gắng lo học cho xong khóa vì đó là điều mà Me tôi mong muốn cho tôi có một cái nghề vững chắc để khỏi phải rơi vào tình trạng không có việc làm sau này. Hồi còn Me, mỗi khi tôi về thăm nhà và kể lại với Me đủ thứ chuyện, tôi thường hay nói: “Nghề này cực lắm Me ơi! Nếu có bịnh nặng hoặc bị băng huyết nhiều, con lo, thì tim con đập loạn lên thiệt mạnh như muốn lọt ra ngoài vậy đó! Ba Me nghe vậy cứ tưởng tôi không muốn tiếp tục học nên thường hay khuyên tôi “Nhất nghệ tinh nhất thân vinh” đó con, cố gắng lên con à đừng nản chí. Còn Me tôi nói “đây là nghề mà Me thích nhất ”. Chỉ nhớ lại một câu đó của Me thôi cũng đủ sức thúc đẩy tôi trong việc học rồi. Bên cạnh đó có các bạn, và Cô Thanh Liêu, không nói nhiều nhưng Cô nói đủ với câu: “Ráng lên nghe em” thật dịu dàng và cảm động.

     Trong giấc ngủ tôi thường mơ thấy Me về thăm, hình như mỗi tối thì đúng hơn. Và cứ thế kéo dài cho đến hai năm sau lúc tôi lập gia đình, và một năm sau lúc có bé Phước Duyên thì tôi mới không còn nằm mơ thấy Me về nữa. Mãi đến năm 1992…lúc tôi và các con cháu ở mãi tận phương trời xa, Me lại về thăm tôi trong giấc mơ…Đó là năm tôi gặp người bạn không cùng chủng tộc.

                                                                                                                                         Còn tiếp,

                                                                                                                          DTQT. 18/11/2018.


Wally

Duyên  là  người  chụp hình này  nên không có mặt.

Từ bên trái >Hòa, Wally, Quế, Nghị.