NGUYỄN CHÍ THIỆN (Oral History)

Cùng Bạn Đọc,

     Lang thang trên net sáng nay, Dã-Thảo xem được một video, rất đáng xem, mà  từ hồi nào đến giờ DT chưa từng được xem, có lẽ vì không đi ngang qua đây. Video phỏng vấn nhà thơ đã khuất, năm 2012. Đây là một cuộc phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, một người đã sống và bị tù đày suốt bao nhiêu năm dài dưới bàn tay sắc máu của cộng sản. Một xã hội cộng sản được phô bày rõ ràng qua sự chứng kiến tận mắt một trong những cuộc đấu tố địa chủ. Nhận xét thật cho tất cả chúng ta, những người ở trong và ngoài nước Việt Nam thấy rõ sự đối xử tàn nhẫn của cộng sản đối với dân còn tệ hơn đối xử với súc vật. Và những nhà Trí Thức sống dưới thời cộng sản đã trở thành một loại mạt hạng. Bây giờ chắc không khác hơn xưa là bao nhiêu. Dã-Thảo đưa xuống hai video, video phỏng vấn dài 1:32’26” và video thứ hai chỉ có 7’19”. Mời Các Bạn theo dõi, hy vọng Bạn sẽ thấy không bị mất thì giờ quý báu của mình.

Thân mến,

DTQT.20/12/2015.

 

 

TƯỚNG NGUYỄN NGỌC LOAN & HUẾ.

Cùng Bạn đọc,

     Dã-Thảo nhận được file này từ một Chị Bạn bên Mỹ email sang hôm 10/12/2018. Hôm nay DT mới có thể copy lại để share với các Bạn về Dũng Tướng Nguyễn Ngọc Loan miền Nam Việt Nam của chúng ta. Ông sinh ngày 11/12/1930 tại Huế. Thân Phụ là Cụ Nguyễn Ngọc Lợi, kỷ sư Công chánh, trưởng khu Hỏa Xa ở Huế. Cựu Tướng lĩnh gốc không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Thiếu Tướng. Sau 30/04/1975 Ông và gia đình di tản sang Mỹ. Ông mất vì bịnh ung thư ngày 14/07/1998 thọ 68 tuổi, tại Burke Virginia, Hoa Kỳ. Những chi tiết trên DT lấy từ tài liệu của Wikipedia. Mời Bạn đọc bài: “Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế.

Thân mến,

DTQT.19/12/2018.

Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Huế 

Nguồn fb Chiến Sĩ Cộng Hòa 

Tuong  Nguyen Ngoc Loan.jpg

Chuẩn tướng Loan ở Huế sau biến cố Mậu Thân năm 68.

     Cộng quân chiếm Huế 22 ngày. Huế thật sự ngưng tiếng súng vào sáng ngày 26 tháng giêng âm lịch của năm Mậu Thân. Huế trong cảnh đổ nát, điêu tàn đầy xác người đã sình thối. Huế nhiều mồ chôn tập thể trong thành phố.

    – Huế đói.

   – Huế lạnh.

   – Huế cơ cực.

   – Huế có quá nhiều người Huế, tỵ nạn ngay trong thành phố Huế.

   – Huế với những trại tỵ nạn, trong đó, đầy những trẻ thơ, góa phụ, ông bà già đang đói, đang run rẩy vì trời Huế quá lạnh.

   – Huế với những tiếng khóc tức tưởi.

   – Huế với những tiếng nấc và giòng nước mắt nghẹn ngào của thiếu phụ, của cha, của mẹ, của anh, của em, của bạn bè gần xa.

   – Huế với những tiếng thét kinh hoàng, thất thanh, vút tận trời xanh mỗi khi tìm ra thân xác thân nhân mình đã sình thối.

     Cố đô Huế, sau 26 ngày bị VC chiếm đóng là thế đó. Đã có 5.327 thường dân vô tội bị sát hại tàn bạo nhất thế kỷ, cùng với 1.200 thường dân bị chúng bắt dẫn đi mất tích.

     Huế đang trong tuyệt vọng thì Chuẩn Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, đến Huế cùng với những chiếc phi cơ C.130 của Không Quân, chất đầy những phẩm vật tiếp cứu khẩn cấp cho đồng bào Huế.
Cầu không vận của Không Quân đã được thiết lập giữa Sài Gòn – Huế, hàng tấn vật liệu xây cất như tôn, xi măng đã được chở ra Huế. Với hơn 100 nhân viên Cảnh sát, 200 đồng bào tình nguyện do Ông làm “cai thầu”.

     Chỉ trong 16 ngày, đã hoàn tất khoảng 500 căn nhà, mái lợp tôn, vách bằng đủ mọi thứ có được, hầu hết là ván ép. Như vậy có chỗ cho 500 gia đình trú ngụ tạm thời, không phân biết họ là ai.

      Trong suốt 16 ngày xây cất, hầu hết thì giờ Thiếu tướng Loan đều có mặt, ông cũng xắn tay áo, tay cầm búa cầm đinh, miệng đốc thúc y như là một “cai thầu” thứ thiệt.

     Mười sáu ngày sau, ngày khánh thành khu Trại Tình Thương cho đồng bào tỵ nạn Huế. Thiếu Tướng Loan đứng khoanh tay ngay cửa chính, mọi người đi ngang trước mặt ông đều cất tiếng:

   – Cám ơn Thiếu Tướng.

   – Cám ơn Ông Tướng.

   – Cám ơn “Ôn”. (Tiếng Huế Ôn là ông).

     Ông vẫn đứng im lặng, ngắm nhìn họ bằng ánh mắt trìu mến, không nói năng.

   – Huế tan nát không còn nhà mà về, Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan hối hả xây dựng ngay trại tỵ nạn Tình Thương cho dân Huế nương náu.


** Trong các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa và có lẽ ngay cả trong lịch sử, hình như chỉ có mỗi Tướng Loan, chính tay Ông xây chỗ ở cho dân chúng và xả thân chiến đấu như những khinh binh.

   – Ông đã tìm về với họ, về với Huế, về với cố đô đầy ắp những kỷ niệm thời niên thiếu của Ông.

      Với một tấm lòng và một trái tim mở rộng và che chở họ.

     Việt cộng lại tấn công vào Sài Gòn trong đợt II, Ông bị địch bắn gãy chân.

   – Những người dân khốn cùng mà ông đã cứu giúp, cả mấy trăm người trong trại tỵ nạn đã bật khóc thành tiếng. Những dòng nước mắt ràn rụa của góa phụ, của ông già, của bà lão đã tuôn trào ra tiếc thương ông.

Lẫn trong những tiếng khóc nghẹn ngào, có tiếng la lớn của một cụ già:

Ông trời ơi! răng người nhân đức như ông mà lại gặp nạn.

     Những giọt nước mắt và tiếng thét lớn của cụ già là những lời cám ơn chân thành nhất của họ, là tình yêu của người dân Huế đối với ông, mà họ đã ấp ủ trong lòng từ lâu lắm rồi, đối với ân nhân của họ.

** Thiếu Tướng Loan, hỏi Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên – Huế (Ông Nguyễn Phúc Liên Thành):

   – Bao nhiêu anh em tử trận?

   – 150 người, Thiếu Tướng.

   – Anh nói với Trưởng phòng hành chánh, lập thủ tục khẩn cấp, tuyển dụng “vợ” của 150 anh em tử trận vào nữ Cảnh Sát, ngành Đặc Biệt để họ có lương tiền nuôi nấng con cái của họ.

     Chỉ có 04, 05 ngày hồ sơ tuyển mộ, hồ sơ xin trợ cấp tử tuất, đã làm xong.

     Thật tình, đây là một cuộc tuyển mộ độc nhất vô nhị, chưa thấy trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vì hầu hết các bà quả phụ đều chỉ biết đọc mà chẳng biết viết một chữ nào cả.

     Đó là trái luật, bất hợp pháp nhưng lại hợp với lòng nhân đạo, thương người, và nhất là cá tính yêu mến và lo lắng cho thuộc cấp, cho dân chúng của Ông.

     Độc nhất chỉ có Thiếu Tướng Loan là người tuyển mộ nữ nhân viên cảnh sát kiểu như thế này. Ngày mà những “nữ cảnh sát viên” nhận việc, Thiếu Tướng Loan đích thân đến gặp họ trong một hội trường lớn của BCH/CSQG Thừa Thiên – Huế. Hội trường đông kín với khăn áo sô của 150 quả phụ, với trẻ thơ theo mẹ, nhỏ nhất là 02 tháng tuổi, lớn nhất là 05, 10 tuổi.

     Quang cảnh đượm màu tang chế. Tất cả im lặng và chờ đợi Thiếu Tướng Loan lên tiếng.

     Ông chia buồn cùng họ, giọng nói nhỏ nhẹ, nghẹn ngào.

      Trong hội trường chợt có những tiếng khóc thút thít. Bất chợt Ông quay mặt đi, nhiều người thấy có chút ngấn lệ trong mắt Ông.

     Cuối cùng Ông cất tiếng nói to hơn:

   – Ngày hôm nay tôi tuyển “quý bà” vào lực lượng cảnh sát, để “quý bà”, “quý cô” có đồng lương nuôi nấng các cháu. Kể từ ngày hôm nay, “quý cô”, quý bà” là “(nữ Cảnh sát viên) của Ty Thừa Thiên – Huế”.

     Nhiều tiếng cám ơn “Ôn” trong đám đông cùng với tiếng khóc, có lẽ họ đã quá xúc động trước tấm lòng nhân hậu của Ông.

     Ông chợt đến gần một quả phụ đang bồng con và hỏi cô ta:

     Bây giờ bà là “Nữ Cảnh Sát” rồi đó, bà muốn làm gì? Thưa Ôn, cho em làm chi cũng được, em đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.

     Ông cười và nói lớn để mọi người cùng nghe:

   – Cảnh sát không có việc đi chợ nấu ăn, thôi các bà về, hằng tháng đến Ty Cảnh Sát Quốc Gia Thừa Thiên – Huế lãnh lương. Mọi người ra về, Ông nói riêng với Trưởng Ty Cảnh Sát:

   -Mi cố gắng lo cho họ đàng hoàng, sức tao chỉ có thể giúp họ ngang đó.

     Ông đã đem sinh mạng và danh dự của đời Ông, hy sinh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ sinh mạng cho đồng bào, để rồi Ông phải gánh chịu những đau đớn về thể xác và những oan khiên, nghiệt ngã về tinh thần. Đời sao quá bất công và phũ phàng.

     Xin Ông hãy an nghỉ ngàn thu!!!

     Cõi đời phiền muộn này, Ông đã dứt áo ra đi.

      Nhưng Ông không thể đem theo là lòng thương tiếc, sự kính trọng của rất nhiều chiến hữu và đồng bào đối với ông.

     Lịch sử kính trọng Ông, đó là điều vĩnh cửu và bất tận.

 Nguồn fb Chiến Sĩ Cộng Hòa

CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 8)

Cùng Bạn Đọc,

     Đời người, ai cũng có lúc vui lúc buồn. Và đây là cái buồn lớn nhất, cũng là cái vui lớn nhất của tôi kể từ lúc tôi đặt chân lên đất nước này. Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”. Thành thật chúc Bạn một ngày vui,

Thân mến,

DTQT. 14/12/2018.

Tai nạn xe hơi của con trai tôi.

     Đêm 21 rạng ngày 22/12/1986, tôi đang ngủ, bỗng nghe điện thoại reo, nhất điện thoại lên nghe, đầu dây bên kia là một nữ nhân viên bịnh viện Westmead báo cho tôi một tin chẳng lành: Con trai lớn của tôi, Nghị, bị tai nạn xe cộ, bị thương nặng, tôi bật khóc lớn vì quá hoảng hốt, hét lên kêu Hòa, em trai kế Nghị, nghe điện thoại. Hòa bình tỉnh nói như ra lệnh:

     – “Mẹ phải “calm” con mới nghe được, đừng khóc”.

Tôi nín khóc ngay, sau đó chỉ nghe Hòa nói: “yes, yes” với người nữ y tá ở bên kia đầu dây chứ không nghe gì hết, một lúc sau mới nghe em nói: “we’ll be there, thank you”, rồi gác  máy.

     Hòa nói một cách lo lắng:

     – “Anh không chết nhưng bị thương nặng, bất tỉnh, phải khó khăn lắm người ta mới đem anh ra khỏi xe được, bị gãy tay trái và ngang mắt cá chân phải, bị dập xương nặng, đang chờ Bác Sĩ giải phẫu ghép xương lại, chắc lâu mới lành được! Bây giờ con gọi “taxi” rồi mình vào bệnh viện Westmead với anh”.

     Lúc bấy giờ là hai giờ sáng ngày 22/12/1986. Hòa gọi “taxi” đưa tôi vào bịnh viện Westmead. Chúng tôi đến nơi thấy Nghị nằm trên xe chuyển bịnh đang đợi đưa vào phòng mổ, chúng tôi không nói chuyện vì Nghị vừa ra khỏi phòng cấp cứu còn đang mệt và sắp phải mổ nơi cổ chân bị gãy dập. Chúng tôi ra về sau khi nhân viên đẩy Nghị vào phòng mổ và, trở lại bịnh viện sáng hôm sau. Nghị đang nằm ở phòng hồi sức nên chúng tôi chỉ được thăm một chốc thôi. Sau khi đưa Nghị vào phòng mổ tôi và Hòa phải quay về.

     Tôi không quan tâm đến chiếc xe bị hư hại không thể sửa được phải kéo vào chỗ xe bị phế thải. Thế nhưng Hòa rủ tôi cùng đi đến chỗ để xe, xem như thế nào. Thấy chiếc xe có vẻ như còn nguyên, nhưng đầu máy bị đụng mạnh nên chân người lái xe bị kẹt, phải mất khá lâu cấp cứu mới đem Nghị ra được. Nhìn đầu xe như thế tôi bật khóc vì nghĩ đến sự đau đớn của con, làm tôi thắt cả lòng. Còn chiếc xe không thể sửa chữa được thì tôi phải chịu khó dùng phương tiện di chuyển công cộng vài tuần lễ trong lúc chờ đợi hãng bảo hiểm làm thủ tục bồi thường xong, tôi sẽ mua xe khác để có phương tiện đi lại.

     Sau hơn một tuần nằm bệnh viện để điều trị, Nghị xin được về nhà, Nghị muốn về nhà trước hơn dự tính của bệnh viện. Lý do vì thân nhân của người phụ nữ lái xe gây ra tai nạn thường lảng vảng ngang chỗ nằm của Nghị, nói năng sao đó khiến Nghị e ngại, họ thuộc nhóm người Trung Đông có vẻ hung dữ và cho là Nghị gây nên tai nạn. Cháu còn trẻ mới vừa mười tám tuổi, lúc xảy ra tai nạn Nghị bất tỉnh nên không nhớ gì nhiều. Vài hôm sau một nhân viên Cảnh Sát đến nhà phỏng vấn cháu và muốn nghe cháu kể lại sự việc xẩy ra như thế nào? Nghị hồn nhiên thành thật trả lời:

    – “Tôi đang lái xe và tông vào một chiếc xe trước mặt, rồi tôi bỏ chạy luôn, tôi có ngoái đầu lại và có thấy tai nạn nhưng tôi vẫn bỏ đi luôn, sau đó thì tôi không nhớ gì nữa”.

     Viên Cảnh Sát cười và nói:

     – “Anh bất tỉnh nằm trong xe, người cấp cứu phải lâu lắm mới đem anh ra được, rồi đưa vào bệnh viện, anh không bỏ chạy đâu cả. Người đàn bà lái xe tông vào anh, không có bằng lái xe và đang say rượu, chạy sang bên ngược chiều xe, nên bà đã tông vào anh, rất may anh còn sống. Anh không có lỗi gì cả, tin anh biết”.

     Sau khi viên Cảnh Sát đi rồi, Nghị nói với nét mặt vui hơn mọi ngày:

     – “Vậy mà mấy hôm nay con cứ tưởng là lỗi của con, vì con nhớ là con có quay đầu lại con có thấy một người đàn bà bị thương, rồi con chạy luôn, trong bụng lúc đó con nghĩ: “kệ mày” rồi con không nhớ gì nữa. Con xin về nhà sớm cũng vì sợ người Trung Đông hung dữ, họ có thể cho là lỗi của con rồi hành hung con thì sao!”.

     Nghe Nghị kể vậy tôi lại càng thấy thương con làm sao vì, biết con mình đã chết rồi trong lúc đó, linh hồn con rời thể xác nên con mới quay lại nhìn, thấy tai nạn và người bị thương, may nhờ được xe cấp cứu đưa vào bịnh viện kịp thời nên tôi mới còn cơ hội gặp lại con. Nếu Nghị đi không trở lại, không biết lúc bấy giờ tôi sẽ ra sao? Và không biết tôi có còn đứng vững cho đến ngày hôm nay không!

     -“Nghị ơi! Viết đến đây mà Mẹ không cầm được nước mắt đó con, nghĩ lại ngày con bị tai nạn Mẹ thật quá lo lắng buồn rầu ăn không được ngủ không yên. Nhưng ngẫm đi nghĩ lại Mẹ cũng mừng vui vì con đã không bỏ Mẹ đi luôn không về. Mẹ thương con nhất trong đời Mẹ, lẽ dĩ nhiên Mẹ rất công bằng Mẹ thương các con bằng nhau, nhưng trong trường hợp này Mẹ phải nói là Mẹ thương con nhiều hơn và, Mẹ một lần nữa cảm ơn con vì Con đã không bỏ Mẹ đi luôn không về”.

**********

     Mãi đến năm 1990 tôi mới về thăm gia đình, sau mười ba năm xa quê hương. Mẹ chồng tôi đã qua đời ở tuổi tám mươi lăm và tôi về thăm vừa đúng dịp làm tuần năm mươi ngày của Bà Nội các cháu tại chùa Vĩnh Nghiêm. Chồng tôi đưa người đàn bà và ba đứa con cùng cha khác mẹ với các con tôi từ Vũng Tàu lên Sài-gòn làm tuần cho Mẹ, tôi gặp gia đình riêng của anh, chào hỏi tử tế chứ không lạnh nhạt. Tôi để tang cho Mẹ chồng đúng theo nghi lễ và, đứng bên cạnh Bố các cháu ở hàng trên. Ông Cụ, lúc bấy giờ đã chín mươi tuổi, vẫn có thể đứng chủ lễ năm mươi ngày cho Bà Cụ. Mắt Cụ vẫn sáng, đọc sách không mang kính mắt, lạ quá Ba à.

     Vì phương tiện di chuyển lúc bấy giờ không được an toàn nên tôi chưa dám về ngoài trung, Hội An, để thăm bà con. Tôi đánh điện tín mời Anh Chị Hụê Mai, đi Sài gòn một chuyến cho vui. Tôi ở Sài Gòn một tuần, chờ Anh Chị Mai từ Huế vào để tôi được thăm Anh Chị. Rồi chúng tôi cùng về Vũng Tàu, nơi mà vợ chồng tôi, gia đình tôi, có thật nhiều kỷ niệm, không biết kể làm sao cho hết đây! Vũng Tàu, với tôi, lúc nào cũng đẹp. Bãi trước, Bãi sau, Bến đình, Bến đá, Thích Ca Phật đài. Chúng tôi về Vũng Tàu ghé lại một khách sạn gần Bệnh viện Lê Lợi, nơi tôi làm việc ngày trước, sau đó tôi đi cùng với Kiến đến thăm gia đình của chồng tôi, vợ anh và ba đứa con, một gái hai trai. Các cháu đã lớn, cháu gái lớn nhất được mười hai tuổi, cháu trai kế mười một tuổi và cháu thứ ba mười tuổi. Nhờ có Em trai Út của tôi, em Kiến, đi cùng tôi trong chuyến đi này vì thế cho nên tôi cũng đỡ thấy ngỡ ngàng. Viết đến đây tôi thấy nhớ em tôi quá, vì Em tôi mới qua đời cách đây không lâu, tôi nhớ như Kiến vẫn còn ở đâu đó và, có một điều lạ là từ ngày Kiến mất cho đến bây giờ, gần hai năm rồi, tôi không bao giờ nằm mơ thấy Kiến về thăm. Không giống như lần tôi mất Mẹ, tôi nằm mơ thấy Me tôi về thăm tôi, gần như là hằng đêm, cho đến ngày tôi lập gia đình và liên tiếp ba năm như vậy cho đến khi có bé Phước Duyên thì Me tôi không về trong giấc mơ thăm tôi nữa…

     Tôi ở lại Việt Nam bốn tuần. Vì có Anh Chị Huệ Mai từ Huế vào nên chúng tôi dời đến tạm trú trong một khách sạn có phòng rộng hơn, khách sạn nằm ở Bãi Trước, bãi biển Vũng Tàu. Chồng tôi thường đưa ba đứa con của anh đến khách sạn thăm tôi, thấy chúng ngây thơ nô đùa chạy lên chạy xuống bằng thang máy trong khách sạn một cách thích thú tôi cũng vui lây và cũng có cảm tình. Chúng tôi dành thời gian đưa chúng đi du ngoạn các thắng cảnh Vũng Tàu và có chụp một số hình để kỷ niệm trong chuyến về thăm Việt Nam này. Tôi lồng vào đây vài hình ảnh mà Đan Thư, em cùng cha khác mẹ với các con tôi, mới chuyển qua email cho tôi vài tháng trước đây.

16426518_681599202022602_1667020902_n
16506909_681599198689269_430519239_n.jpg

     Tôi vẫn còn nuôi hy vọng Bố các con tôi sẽ đi đoàn tụ với gia đình nên tôi vẫn còn giữ hôn thú với chồng tôi, nhưng tôi không ngờ sau chuyến về thăm đó là lần cuối tôi còn gặp mặt anh theo nghĩa vợ chồng.

     Năm 1991, sau khi được tin từ thư của một người thân trong gia đình, viết vào ngày 17/06/1991, báo tin như sau: “Vấn đề xuất cảnh của Anh Kỳ là “không thể được”, mà Anh Kỳ và Ba đã dấu không cho Chị biết. Lý do: Ly hôn thì B. Không chịu. Anh Kỳ đi du lịch để Duyên Nghị Hòa và Anh Kỳ gặp nhau = Cha con gặp nhau, B. cũng không đồng ý vì sợ Anh Kỳ ở Úc luôn. Lúc chị gởi tiền về cho Anh Kỳ để lo giấy tờ thì Anh Kỳ lại dùng tiền đó cọng với tiền hợp tác của Anh T. Chị L. để lập một Kiosque bán đồ lưu niệm…sau khoảng 7,8 tháng buôn bán thua lỗ, Anh Kỳ rút lui, giao hoàn toàn cho vợ chồng người cháu quản lý Kiosque. anh Chị T.L. sẽ trả dần phần hùn của Anh Kỳ. Lại thêm một điều nữa có lẽ nói ra thì chị rất buồn nhưng bắt buộc em phải nói đó là: B. đến tháng sau thì sanh thêm đứa nữa. Sự việc này em cũng mới biết cách đây mấy hôm thôi. Vấn đề xuất cảnh của Anh Kỳ là “không thể được”. Trước giờ em luôn luôn đứng về phía Chị vì thế Anh Kỳ và B. không thích em, xin Chị giữ kín những điều em đã nói cho Chị biết. Chị đừng vội vàng viết thư về Vũng Tàu”. Tiếp theo đó là thơ của chồng tôi, bảo phải gởi nhiều tiền hơn nữa thì Anh mới có thể chạy giấy xuất cảnh được, trong thơ Anh còn viết thêm: “Có tiền mua Tiên mới được”. Biết lý do vì sao Anh không đi quá rõ, nên đến năm 1992, sau hơn mười lăm năm xa quê hương và chờ đợi, tôi làm đơn xin ly dị với chồng tôi, không đắn đo suy nghĩ gì nữa cả. Tôi nhất định nhìn thẳng về phía trước không quay mặt lại! Các con tôi cũng đồng ý về việc này, Nghị là người tán thành nhất, Nghị nói một cách tự nhiên: “Đáng lẽ Mẹ phải ly dị Bố từ lâu rồi chứ không phải đợi đến bây giờ, Mẹ “ngu” lắm”. Trời, con trai nói Mẹ “Ngu”, Nghị biết mình nói quá lời nên sau đó không nói gì thêm, tôi hiểu con tôi muốn nói gì nhưng, tôi chỉ cười chứ không thấy giận Nghị tí nào, tôi tha thứ hết cho con tôi. Các con tôi, có đứa nào chưa làm tôi buồn đâu? Để tâm giận hờn hoài chỉ mệt thôi, sống làm sao được.

     Có người yêu khác chủng tộc, đó cũng là lý do khiến tôi dứt khoát làm đơn xin ly dị chồng. Tôi tự mình đem đơn ra văn phòng tòa án nộp, không nhờ luật sư, vậy mà nhân viên tòa án vẫn chấp thuận nhận đơn của tôi. Trong trường hợp của tôi thì quá dễ dàng, hai cái giấy khai sinh của hai con anh (năm 1992 không phải hai mà là bốn rồi) và cái hôn thú của anh với B. là quá đủ chứng cớ nên tôi được miễn nhờ người làm chứng. Lúc đó tôi mới xin thôi việc với AMP nên tòa án cho miễn đóng lệ phí, xem như tôi đang thất nghiệp nên không tốn kém gì cả. Không bao lâu sau đó tôi được tòa gọi đến lấy một tập hồ sơ bắt tôi phải gởi về Việt Nam cho chồng tôi ký vào đơn mới được. Tôi gởi bản chính về Sài gòn, nhờ Em Kiến đem xuống Vũng Tàu và, dặn Kiến là phải có chữ ký của hai người làm chứng nữa. Em Kiến hoàn tất giấy tờ, với Kiến và Chị Liên ( Chị ruột của chồng tôi) ký, làm hai người chứng, xong Kiến gởi trở lại cho tôi. Tôi trình tòa và được nhận ngay. Đến ngày xử tôi được phép vắng mặt không ra hầu tòa. Sau đó không lâu tôi nhận được giấy chứng nhận đã ly dị chồng do văn phòng gởi đến ngay địa chỉ của tôi. Vậy là chúng tôi thật sự chấm dứt không còn liên hệ gì với nhau nữa. 

     Bây giờ tôi kể chuyện tại sao tôi gặp Cái “Ông” Bạn khác chủng tộc khó tính của tôi nghe cho vui một chút. Chuyện như thế này: Tôi có một Chị bạn đồng nghiệp, Nữ Hộ Sinh, lúc còn ở VN, chồng chết vì đi vượt biên, lâu rồi, bấy giờ Chị được các con vượt biên đến Úc khá lâu, đã có quốc tịch, bảo lãnh cho Chị được đoàn tụ với các con. Chúng tôi thường gặp nhau trò chuyện bao đồng, Chị vì không có việc làm nên than buồn và cô đơn, Chị nhờ tôi giới thiệu cho Chị một người bạn. Chị qua hơn một năm không đi làm nên Anh ngữ cũng còn kém. Tôi nói: 

   – “Nếu chị quen với người mình, tối ngày cứ nói tiếng Việt với nhau thì chị có ở đây mười năm mà không đi làm chị vẫn không nói được tiếng Anh hoặc có nói cũng nói không đúng mặc dầu có kèm theo cả động từ “To Quơ” nữa, cũng không ai hiểu”. Tôi kể cho Chị nghe hồi tôi mới đến Úc, đi làm trong xưởng cũng phải nói tiếng Anh, ấy vậy mà khi nói chuyện với con trai tôi, Hòa, bằng tiếng Anh qua điện thoại. Nó nói: – “Mẹ cứ nói tiếng Việt đi, con hiểu mà”. Trong lúc đó nó vẫn nói tiếng Anh với tôi, tôi vẫn hiểu. Tôi hỏi: – “Tại sao?” Nó nói: – “Mẹ nói tiếng Anh “kỳ quá” con hiểu không được”. Sau này tôi mới biết là mình nói không đúng giọng và nói sai văn phạm, tức là: “broken English”. Tôi nói với Chị Bạn là, tôi sẽ đưa Chị đến một văn phòng giới thiệu hôn nhân để tìm cho Chị một người Úc để Chị học tiếng Anh cho luôn thể. Chị cười nói: -“Rồi làm sao mình với “Ổng” nói chuyện với nhau?”. Tôi nói nửa đùa nửa thật: -“Em ngồi ở giữa làm thông dịch”. Vậy là hai chúng tôi ôm nhau cười muốn vỡ bụng. Chị suy nghĩ một lúc, cuối cùng Chị đồng ý. Chị cũng có học tiếng Anh ở VN hồi còn đi học, tuy nói và nghe chưa được chứ viết thì cũng không đến nỗi tệ, cứ thử đi! Thế là một hôm, hai Chị Em hẹn nhau đi đến văn phòng giới thiệu…Chị được văn phòng giới thiệu với một người Úc rặt, nghĩa là không có lai với ai hết. Chị muốn hẹn lần đầu tiên tại nhà tôi chứ không chịu hẹn ở đâu cả. Nghĩ Chị cần sự yên tâm vì có tôi bên cạnh nên tôi đồng ý không ngần ngại gì cả. Tôi thật sự giật mình khi thấy ông bước vào nhà vì cái dáng quá cao to của ông, phải nói là cao to gấp hai lần Chị Bạn. Hôm đó tôi làm thông dịch cũng được lắm, không cần phải dùng đến động từ “To Quơ”. Hôm sau tôi đi với Chị trở lại văn phòng giới thiệu, cho họ biết là Chị đã bằng lòng. Bà chủ thấy tôi ngồi đó một mình nên đến làm bạn, hỏi tôi đủ thứ. Tôi nói tôi bán bảo hiểm, tôi trao cho Bà tấm thiệp của tôi và nói nếu cần bảo hiểm gì gọi cho tôi với, bất cứ lúc nào cũng được. Tôi không ngờ tấm thiệp báo hại tôi, bà ta cứ theo số phone gọi tôi nói chuyện hoài gần như là mỗi tối. Liên tiếp như vậy đúng một tuần khuyên tôi đừng ở vậy, buồn lắm. Văn phòng có một thân chủ rất dễ thương, hơn một năm rồi văn phòng giới thiệu rất nhiều người nhưng lần nào cũng bị “hắn” từ chối vì lý do này hay lý do khác, Văn phòng muốn đầu hàng luôn. Rồi từ hôm gặp “you” Văn phòng muốn giới thiệu “you” với người này nhưng “you” lại không ghi tên tìm bạn nên “I” phải làm bạn với “you” để tìm hiểu trước. Bây giờ “I” khuyên “you” nên có bạn đi, “I” muốn giới thiệu “you” với “hắn”. Tôi bật cười ha hả từ chối liền, bà cũng chưa chịu thua nói hoài dai nhách. Qua đêm sau bà ta lại điện thoại nói nữa, nói nữa…Cuối cùng tôi xiêu lòng nên “said yes”, bà ta thích chí nói to “Good girl” ở bên kia đầu dây. Vậy là tôi đã tự mình đem cái tròng đeo vào cổ rồi còn gì nữa.

     Tính đến nay, 2018, tình thân giữa chúng tôi kéo dài hai mươi sáu năm rồi, vui có, buồn cũng có nhưng chúng tôi không tính chuyện xa nhau vì cả hai đều cần có nhau vì thế chúng tôi cố hàn gắn những bất đồng về mọi lãnh vực. Xin kể bạn nghe vài chuyện xảy ra gần như hằng ngày giữa hai chúng tôi. Anh là người tây phương, lại là người Đức vì thế giờ giấc đối với Anh lúc nào cũng phải răm rắp đúng, không sai một phút. Lúc mới quen nhau chúng tôi chỉ gặp nhau vài lần trong tuần. Anh thường hay đến nhà tôi dùng cơm vào tối thứ năm lúc 5:00 Pm, không sớm hơn hoặc trể hơn, dẫu một phút cũng không. Vì thế cho nên lúc tôi có hẹn đến thăm Anh mà tôi đến trễ là Anh giận tôi ngay, tôi trễ 10 – 15 phút là chuyện thường. Tôi đi bán bảo hiểm cho công ty AMP, nên giờ giấc không đến nỗi bó buộc cho lắm, tuy vậy đối với công việc thì tôi luôn luôn cố gắng đúng giờ. Về sau này tôi xin nghỉ làm cho AMP vì nhiều lý do, về an ninh bản thân, về nhà quá khuya lái xe một mình, ban đêm đến nhà thân chủ và đến năm thứ ba sự thu nhập của tôi không đủ tiêu chuẩn của công ty bảo hiểm do đó tôi phải xin thôi việc. Danh sách thân chủ tôi nhường lại cho người bạn đã “recruit” tôi với giá của công ty chỉ định. Chúng tôi vui vẻ đồng ý.

     Tôi không bị thất nghiệp vì lúc đó tôi đã là một “Beauty consultant” dưới “Unit” của Bà Porta rồi. Tôi trở thành một người đại diện cho công ty Mỹ Phẩm Mary Kay không có gì khó khăn lắm. Công việc này thích hợp với tôi và an toàn hơn, tôi hướng dẫn về săn sóc da và trang điểm cho các chị em phụ nữ Việt Nam và các sắc tộc khác. Tôi mở những lớp hướng dẫn dưỡng da và trang điểm cho phụ nữ trong cộng đồng Việt Nam. Các nhân viên sắc tộc khác thấy vậy nên mời tôi đến hướng dẫn cho các sắc tộc của họ, vì thế cho nên tôi luôn bận rộn với hai hoặc ba lớp mỗi tuần. Tôi bận rộn với việc bán mỹ phẩm, hướng dẫn các lớp săn sóc da, huấn luyện thêm các bạn gái để đưa vào cùng nhóm. Tôi “recruit” gần ba mươi người bạn gái, vì thế tôi trở thành “Unit Director”. Với công việc bận rộn như thế, người bạn khác chủng tộc của tôi, với giờ giấc nghiêm túc, Anh trở nên một người thật quá thích hợp đã giúp cho tôi rất nhiều trong việc điều khiển “tôi” cho đúng giờ, không bao giờ tôi trễ hẹn hoặc đến lớp trễ.

      “Chuyện Đời Tôi” đến đây vẫn chưa hết, nhưng DT muốn tạm dừng mong Các Bạn vui lòng chấp thuận. Cảm ơn Các Bạn đã thương mến Dã-Thảo vào đọc mỗi ngày, DT mời Các Bạn vẫn đến thăm trang nhà như từ trước đến nay dầu “Chuyện Đời Tôi” đi nghỉ phép .

Thân mến,

DTQT. 16/12/2018.

QUỐC CA VIỆT NAM.

Cùng Bạn Đọc,

     Dã-Thảo đọc “Giai Phẩm Xuân Đinh Dậu” 2017, của Sư Phạm Áo Nâu Đà Lạt, thấy và nghe bài ca Việt Nam Việt Nam quá hay nên DT copy, đưa lên trang nhà, mời Bạn cùng nghe, xúc động lạ lùng! Và tiếp theo là “Thư Cho Bé Sơ Sinh”, nhạc Võ Tá Hân, thơ BS Đỗ Hồng Ngọc. Mời Bạn click vào mũi tên để nghe.

Thân mến,

DTQT. 05/12/2018

**********

Tiếp theo đây là Cảm tác của Ngô Vân Quy nhân đọc

TRƯỜNG CA THÚ BẢY CỦA THI SĨ NGÔ MINH HẰNG

GỞI NGƯỜI BÊN KIA GIỚI TUYẾN, XIN ĐƯỢC VIẾT:  

BẢN TRƯỜNG THI KHÁC
GỞIKẺ THẮNG CUỘC”
CẢM NGHĨ CỦA “NGƯỜI THUA CUỘC”

Đọc thơ người chiều nay tôi bật khóc

Bởi từng câu, ngôn ngữ đọng nghiêng sầu

Khóc quê hương lịm chết giữa trời sâu

Ngày đổi chủ sang trang giòng sử Việt.

 

“Đôi dép râu, nón tai bèo dõng liệt

Một vắt cơm con cá chép “Gia Tài”

Anh bước vào khi phố chợ tàn phai

Từ rừng núi “đầu thai” tên Bộ Đội

 

Là con cháu Hồ, Chinh, Đồng, Giáp, Duẫn

Theo quân tàu làm giặc cướp miền Nam

Cướp quê hương gấm vóc giải lụa vàng

Nơi một thuở xóm làng là ngọc quí

 

Từ “năm bốn” tôi làm thân lưu lạc

Và “Bảy lăm” bỏ nước để mà đi

Ngoảnh nhìn quê sầu bi đang giẫy chết

Nghe tức tưởi máu hòa lên tim óc.

 

Trại “Cải tạo” người tử tù trai Việt

Những anh hùng oanh liệt bỗng sa cơ

Chiều tháng tư gãy súng có đâu ngờ

Cùng dân tộc đang trên bờ vong diệt

 

Tôi và anh có cùng nhau ngôn ngữ

Tiếng tôi là từ ngữ mẹ Việt nam

Còn của anh pha lẫn những quân hàm

Của Tàu Cộng ngàn năm ta chống giặc

 

Tôi và anh ngoài cách ngăn giới tuyến

Còn khác nhau trong ý nghĩ da vàng

Ở tuổi thơ tôi học sử trời Nam

Làm dũng tướng phải thương nòi giống Việt

 

Tôi được dạy mến yêu người đồng loại

Và giữ gìn đất tổ mảnh vườn thiêng

Những ruộng vườn bờ cõi của hai miền

Nam, Trung Việt là máu hồng tô thắm lại

 

Ngày đi lính tôi ra ngoài biên ải.

Giữ quê mình không quản ngại âu lo

Đối diện anh, người mang nặng Hỏa lò

Giết Mỹ Ngụy cho thỏa lòng ganh ghét

 

Anh Bộ Đội, chị mang thân hộ lý

Những Công an tên du kích gài mìn

Một thuở nào nay ăn trước ngồi trên

Gieo thống khổ lan tràn trên sông núi

 

sách thánh hiền chưa một lần học tới

Nói làm chi chữ Việt của giống nòi

Tiếng nói “Lai Căng” chữ Việt lầm sai

Đau hổ thẹn cho ngàn năm văn hiến

 

Không học chữ thì làm sao hiểu biết

Mà nực cười lãnh đạo cả toàn dân

Bởi lũ Ngu coi rẻ cả thánh thần

Cả tôn giáo vô thần mà đảng gọi

 

Một tất đất lấy máu hồng mà giữ

Đó là lời giáo huấn của tiền nhân

Của bao đời chống lại giặc ngoại xâm

Từ phương Bắc xua quân về chiếm giữ.

 

Gương Hưng Đạo, gương anh linh Hào Kiệt.

Đã thấm nhuần vào máu Việt hùng anh

Của bao đời Lê, Lý, Nguyễn Trần

Cho bờ cõi mở dài thêm giới tuyến

 

Vậy từ đâu sanh ra loài qủi dữ

Đội lốt người theo giặc cướp quê hương

bán con em, bán từng mảnh ruộng vườn

Bán sông núi biển vào sông Cửu mẹ

 

Tiếng thét của em, anh pha giòng lệ

Máu người dân nhỏ xuống giữa cường toan

Phố phường xưa thôn xóm thuở địa đàng

Còn đâu nữa trăng vàng trên quê nội

 

Mái trường thương tà áo dài tha thướt

Đã xa rồi xanh mướt buổi hồng hoa

Một miền nam trù phú với lụa là

Của thanh tú một thời nhung gấm nhỉ.

 

Như Hổ nhớ rừng còn đâu thân tráng sĩ

Những tung hoành ngang dọc cả trời nam

Yêu quê hương tôi lội suối băng ngàn

Mong chận giữ giặc tràn về thôn xóm

 

Thôi xa rồi ngồi đây nghe nắng đón

Chút gió về mà tủi nhớ tháng ngày xưa

Tên Chinh Phu thất trận buổi giao mùa

Trên Quốc lộ giày vứt bỏ lại

 

Thắp nén nhang nghe lòng đau quằn quại

Lạy mười phương cho dân đứng vùng lên

Cứ mỗi người mang được một đạn viên

Như “Ký con” thuở nọ giữa hai miền

Quốc Dân Đảng để làm nên Huyền thoại

  

Thứ ba, ba mươi mốt tháng bảy 2018

Bình Long Ngô Vân Quy

CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 7)

Cùng Bạn Đọc,

     Bây giờ Bạn thấy còn muốn đọc tiếp nữa không, đây là bài tiếp theo thứ 7, Dã-Thảo vẫn còn viết nữa chưa dừng được. Bên cạnh đó DT còn đọc tin tức thời sự,  email và trả lời thư cho Bạn nữa, vì thế cho nên nếu có post lên chậm xin Các Bạn cảm thông, chờ nhé. Thân mến, DTQT. 07/12/2018.

Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”

     Tôi đến Úc với hai bàn tay trắng, học mười tuần Anh văn xong là phải lo đi tìm việc vì tôi còn bao nhiêu việc phải cần đến tiền. Nếu tôi chỉ sống với số tiền trợ cấp thì sẽ không đủ để lo cho các con, cũng không thể nào lo cho Bố của các con và chị em còn bị kẹt lại. Tôi và các con đi chợ ngày thứ bảy, để tiếc kiệm tiền chúng tôi đi chợ Flemington, chỉ mở cửa ngày thứ bảy và ngày chủ nhật, ngôi chợ đã giúp cho chúng tôi rất nhiều vì giá cả thật rẻ so với các cửa hàng bày bán ở các khu phố bên ngoài. Bốn mẹ con mang về không thiếu một món cần thiết nào cho các bữa ăn của chúng tôi. Trái cây, chúng tôi mua từng thùng chứ không phải từng ký, một thùng nho, một thùng cam, một thùng xà lách sáu bắp, ăn cả tuần không hết. Trái cây bán, chất cao đầy chợ không thiếu thứ nào cả, tha hồ lựa chọn. Thịt cá cũng rẻ và tươi hơn ở tiệm bán lẻ ở ngoài nhiều lắm. Rau cải từ các nông trại chở thẳng đến chợ, do chính chủ trồng đem ra bán nên trông còn tươi rói, thấy mà ham. Chỉ đứng nhìn cảnh chợ sinh hoạt, người bán rao hàng mời khách, người mua đủ các sắc tộc, đủ màu da, lên xuống rộn ràng, ai cũng vui vẻ vì thấy mình mua được những thức ăn vừa ý mà vẫn thích hợp với túi tiền của một công nhân. Tôi cũng thấy mình hòa theo và quên đi nỗi nhọc nhằn suốt tuần làm việc lao động bằng tay chân trong hãng xưởng. Vì thế cho nên đi chợ Flemington gần như là thú vui cuối tuần của chúng tôi vậy. Tôi thấy thật thoải mái thích thú nhìn chợ đông đúc đầy ắp kẻ bán người mua vô cùng nhộn nhịp. Con tôi lớn như thổi giày dép phải thay hoài vì chân chúng nó mỗi ngày mỗi lớn ra, có lẽ tôi phải cảm ơn cái Chợ Flemington này thật nhiều mới được.  

     Vì xưởng nhiều việc nên tôi thường nhận làm giờ phụ trội để kiếm thêm tiền rồi dành dụm để mua hàng gởi về Việt Nam cho Ông Bà Nội của các con. Địa chỉ để liên lạc về Việt Nam là nhà của người anh chồng, đó là địa chỉ mà tôi biết ở Sài gòn là có thể liên lạc được với chồng tôi mà thôi, Cha Mẹ chồng tôi cư ngụ tại đó. Tôi liên lạc được với chị tôi ở Huế và em trai tôi ở Sài gòn nên tôi càng siêng năng làm việc nhiều hơn. Chồng Chị Mai tôi đi tù cải tạo, Chị bị cho thôi việc nên không còn làm việc cho nhà Bảo Sanh Bệnh Viện Huế nữa,Chị phải kiếm tiền nuôi con bằng cách chạy theo các chuyến xe lửa buôn bán lậu. Thời buổi thật não nùng, buôn gì cũng lậu hết: gạo lậu, thịt lậu, nước mắm lậu, khiến tôi nhớ lại hồi chưa vượt biên tôi và con gái lớn đi buôn lậu mỡ heo và gạo từ Sài gòn về Vũng tàu mà ngán ngẫm cho cuộc đời. Chỉ có mười ký gạo, mười ký mỡ mà dấu trước dấu sau không thôi công an thấy được là bị tịch thu ngay, mất luôn cả vốn lẫn lời.

     Em trai tôi cùng vợ con kéo nhau đi vượt biên, không thành công mà còn bị ở tù, tiền bạc mất hết. Vợ em sanh con trong tù, thấy thê thảm quá nên được tha về. Sanh con mà không có gì ăn, chỉ ăn cháo cầm hơi, nên em đưa vợ con vào quê vợ, Sài gòn, ở nhờ bên vợ. Em đi bán vé số, thảm thương chưa! Vợ mang con thơ ra ngồi ở khu chợ trước mặt nhà bán buôn lặt vặt kiếm sống qua ngày. Nhận được tin em, có địa chỉ rõ ràng, tôi gởi ngay một thùng quà đúng như ý em muốn. Em nhận được quà mừng một, tôi mừng mười. Nỗi vui kéo dài cả tháng!

     Em tôi ở Sài gòn như ở lậu vì chưa có “hộ khẩu”, nên gởi quà về cho em là phải gởi qua tên của ông Bố vợ, rồi sau lần đó đến lần gởi khác, em tôi lại phải nhờ cô em vợ. Đi lãnh hàng vất vả lắm, em tôi nói vậy, nên em phải “chạy” để có “hộ khẩu” riêng mới có thể đứng tên lãnh hàng được. Rồi em tôi ra một cái list dài để tôi mua hàng gởi về cho em có tiền “chạy” hộ khẩu. Thời điểm đó là năm 1980, sau 5 năm sống với cộng sản con người trở thành cái máy chạy tiền bằng đủ mọi cách. Thời gian đầu chính quyền cộng sản chỉ cho phép gởi quà chứ chưa cho gởi tiền, và hàng hóa rất khan hiếm tại nội địa vì lệnh cấm vận. Hiếm là phải, vì người ngoài Bắc vào mua và người trong Nam chỉ biết bán hết của cải để có cái ăn, Việt Nam gặp cảnh đói nghèo và khủng hoảng về kinh tế trầm trọng bởi chính sách bế quan tỏa cảng của chính phủ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

     Tôi nhận được tin chồng tôi đã được thả về qua thư của chị Liên, chị ruột của chồng tôi, tin cho tôi hay anh đã lập gia đình khác, không bao lâu sau khi được trả lại tự do, với một cựu nữ hướng đạo sinh, cô ta là một trong các sói già mà các con tôi là những sói con ngày nào (Anh là một trong các trưởng hướng đạo tại Vũng Tàu ngày trước). Tuy thế chúng tôi vẫn có thư từ qua lại, giúp đỡ anh là việc tôi phải làm dẫu có thế nào đi nữa. Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của anh ở Việt Nam nên tôi không giận hờn trách móc gì anh hết, tôi chỉ thấy buồn và thất vọng về anh rất nhiều vì giữa chúng tôi đã mất hết niềm tin đối với nhau. Và tôi, phải nhận trả một cái giá rất đắt cho cuộc vượt biên này.

     Rồi đứa con đầu lòng của cô ta ra đời trong hoàn cảnh xã hội thê thảm đó,  Anh dấu không cho tôi biết, thư gởi cho tôi chỉ nói túng thiếu, nhưng cuối cùng tôi cũng rõ, do người em trai, bà con với anh, viết thư qua kể lại kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp…Năm 1979, hoàn cảnh thiếu thốn ở Việt Nam lúc bấy giờ là hoàn cảnh chung của những người mất nước cho nên khi hay tin như thế, cầm lòng không đậu, vậy là tôi kéo bé Hòa, con trai Út của tôi, đánh một vòng shopping mua đủ thứ, cho con của một cựu nữ hướng đạo sinh “với” Bố của các con tôi! Oái ăm chưa? Không thiếu món náo hết! Bé Hòa thấy siêu thị có trưng bày một cái xe thiệt đẹp, cho em bé nằm để mẹ đẩy đi chơi, ngây thơ nói:

          – “Mẹ mua cho em cái xe này đi mẹ”.

          – “Không được đâu con xe bự quá, không ai cho gởi đâu, mà mẹ cũng không có đủ tiền để mua chiếc xe đó”.

     Lúc bấy giờ tôi cảm thấy vui chứ không buồn tí nào. Về đến nhà là lo xếp, gói, bỏ vào thùng “carton”, ghi địa chỉ, kiểm đi kiểm lại sợ viết sai địa chỉ, xong hí hửng đem đi gởi ngay. Rồi suốt mấy tuần cũng chờ đợi, cũng mừng vui khi hay tin mẹ em bé đã nhận được quà. Thiệt tình! Tôi cũng không hiểu nỗi tôi.

**********

          Năm 1980, khi hay tin Bộ Di Trú cho làm đơn bảo lãnh thân nhân, tôi vội vàng lên thẳng Bộ Di Trú làm đơn xin bảo lãnh cho Bố các con tôi qua Úc với chúng tôi, vì tôi biết các con tôi rất cần Bố vô cùng. Tôi nghĩ trong tương lai tôi có thể tìm cách bảo lãnh cho vợ con anh sau này. Anh viết thư cho tôi là anh bằng lòng đi đoàn tụ với chúng tôi, tôi tin anh sẽ qua Úc vì thư nào anh viết, tôi cũng thấy anh rất thành tâm trong việc đoàn tụ gia đình. Nhưng làm sao tôi biết được thực tâm anh nghĩ như thế nào. Trong thời gian tôi chờ đợi giấy chấp thuận của Bộ Di Trú thì vợ anh sanh đứa con thứ hai (1981)

     Nhận được giấy chấp thuận của Bộ Di Trú cho chồng tôi đoàn tụ với chúng tôi, tôi mừng quá, vội copy giữ lại bản phụ, còn bản chánh gởi về Sài Gòn, nhờ em trai tôi đem xuống Vũng Tàu giúp anh làm đơn xin xuất cảnh. Tôi vui mừng chờ đợi, nhưng cuối cùng nhận được một thư, thật dày, của anh! Gồm hai giấy khai sanh của hai con anh và, một hôn thú của anh với người đàn bà, không phải là tôi. Trời ơi! Vậy là không bao giờ anh đi được rồi. Anh bảo tôi đem lên Bộ, xin bảo lãnh hết gia đình anh ở VN. Tôi biết không đúng nên không làm. Em trai tôi cho tôi biết: “Đơn xin xuất cảnh của anh chắc không được xét vì anh điền tên của vợ con vào, trong lúc chỉ có một mình anh được bảo lãnh thôi, tin chị biết để chị khỏi trông”. Như vậy là xong, không mong gì các con tôi được gặp Bố. Khi đứa con thứ ba của anh ra đời, tôi không nhớ là năm nào vì anh dấu không cho tôi biết. Nhưng rồi tôi cũng biết qua thư người em họ, kể cho tôi nghe những thiếu thốn vô cùng của anh… nên khi nhận được thư anh kèm theo lời giải thích này nọ v..v.. tôi thấy chán lắm, tôi giận lắm, đi ra đi vào, bực bội lẩm bẩm một mình như bà điên:

“… Vậy thì còn đi đâu được nữa! Người có học thức, hiểu biết luật lệ chứ đâu phải như người không có kiến thức đâu! Sao không chịu thấy xa hiểu rộng một chút cho người ta nhờ! Thời buổi này mà sinh hoài thì biết làm sao đây? À thôi, tôi hiểu ra rồi, cô ta giữ anh bằng cách đó thì anh đi làm sao được? Cột vậy thì chặt lắm, chắc lắm anh bứt không ra đâu. Phải bản lĩnh một chút, phải nhìn xa một chút, chứ nếu cứ khư khư ích kỷ như thế thì chẳng ra làm sao cả. Mấy đứa con anh cũng bị kẹt hết thôi, không có đường đi rồi. Thôi kệ “họ”, nhất định từ nay không liên lạc nữa, không giúp đỡ nữa, mệt quá rồi”.

     Tôi thấy nóng nảy bực bội nên vào phòng tắm rửa mặt, với tay lấy chiếc khăn nhỏ, thấm nước vào đưa lên mặt, bỗng thấy trong gương một người đàn bà mặt mày đỏ gay dữ tợn đang nhìn tôi, bà xấu lắm, tóc rối bung, mày dựng ngược, không trang điểm nên đôi môi tím ngắt, hai mắt sưng húp, trông không giống người đàn bà mọi ngày, phấn son kiều diễm, dáng dấp dịu dàng. Tôi giật mình vội vàng rửa cho xong cái mặt đỏ gay, xuống bếp mở tủ lạnh kéo chai nước cam tươi, đổ đầy ly, uống hết. Xong lên giường nằm, vắt tay lên trán, suy nghĩ lung tung: “thôi buồn làm chi giận làm gì cho khổ cái thân”. Và hình như tôi thấy như đau nhức trong tim thật nên vội hít vào thật sâu và thở ra thật mạnh. Nhiều lần như thế cho đến lúc tôi lấy lại được bình tĩnh, nỗi đau thể xác khiến tôi quên đi nỗi đau tinh thần, hình như sau đó tôi có ngủ được một lúc. Thức dậy tôi đọc lại hai bức thư lần nữa, rồi lần nữa…Nhìn đồng hồ thấy còn sớm tôi đến nhà bank rút tiền gởi về giúp Bố của các con tôi. Tôi thấy mình trầm tĩnh và dễ chịu hơn nhiều. Tôi nhìn tôi trong kiến, thật tình mà nói người đàn bà dữ tợn biến mất, chỉ thấy tôi nhìn tôi nước mắt rưng rưng và mỉm cười bằng lòng về việc làm của mình.

**********

     Bà nội các cháu, đã lớn tuổi, bị tai nạn đau yếu, nằm một chỗ đi đứng không được, lại bị quên lẫn quả thật tội nghiệp. Ông Cụ đã già nên không thể nào săn sóc cho Bà Cụ được. Gia đình Anh Cả Yên, gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, hai trai hai gái, đã được đi định cư tại Pháp. Chú Út Hy, sau khi đi tù cải tạo về, đã lập gia đình và có được hai đứa con, một gái một trai, Thím Út bận lo cho hai cháu, Chú Út bận lo làm việc để nuôi vợ con vì thế cho nên Chú Thím Út không thể săn sóc Bà Cụ được. Anh Kỳ, Bố các con tôi, lúc bấy giờ đã có ba đứa con, lên Sài gòn đón Mẹ về Vũng Tàu để tiện bề săn sóc cho Mẹ anh. Bà Cụ ở Vũng Tàu, Anh Kỳ săn sóc Mẹ tận tình từ miếng ăn giấc ngủ kể cả vệ sinh cá nhân và, Bình vợ anh cũng phụ chồng săn sóc Mẹ cẩn trọng, tôi thấy không lo về vấn đề này. Tôi chỉ biết giúp đỡ gia đình Bố Kỳ về tài chánh như từ trước. Ông Cụ ở Sài gòn thỉnh thoảng đi Vũng Tàu thăm Bà Cụ và ở lại một hoặc hai tuần với con cháu, nên Ông Cụ cũng vui, theo lời thư của Ông, thỉnh thoảng viết thăm chúng tôi ở bên Úc xa xôi này. Ông tuy đã gần chín mươi nhưng vẫn còn minh mẫn, thư viết chữ nhỏ đẹp như thuở nào và không bị run rẩy, thật đáng mừng. Tôi rất ít viết thư về thăm vì bận rộn quá và, thật sự tình cảm hầu như không còn nữa nên tôi không muốn viết những lời nhớ thương giả dối, nếu chỉ để làm vui lòng người nhận thì thật là không nên.

     Tôi làm trong hãng CBS Record sáu năm. Bỗng một hôm đang giữa lúc làm việc, tự nhiên máu ở đâu nhỏ xuống trước mặt, tôi giật mình khi biết từ mũi tôi chảy xuống thật nhiều. Tôi dừng lại đi vào lady room rửa mặt và ngồi nghĩ. Tôi thấy mệt và hơi nhức đầu. Chừng mười phút sau tôi trở lại làm việc như thường, cũng rất may mắn cho tôi hôm đó là chỉ bị vỡ mạch máu mũi chứ không bị chóng mặt hoặc ngất đi và, là thứ sáu nên ra về đúng 4 giờ ba mươi phút. Tôi về nhà nằm nghĩ và tối đi ngủ thật sớm chứ không thức xem TV với các con như mọi khi.

     Thứ bảy tôi đi thăm Bác sĩ gia đình, được cho hay là huyết áp rất cao, tôi vẫn còn nhớ rõ 190/100, nhưng sao tôi vẫn thấy bình thường. Tôi xin phép được nghỉ ba ngày rồi sau đó lấy hết số ngày nghỉ holidays còn lại của tôi. Sau khi trở lại bình thường, tôi vào xin thôi việc. Giấy chấp nhận thôi việc ghi ngày 31/08/1984 đến nay tôi vẫn còn giữ. Sau đó tôi xin được một “job” phụ bán “furniture” cho một cặp vợ chồng trẻ. Công việc nhẹ nhàng không chạy theo với máy móc nên huyết áp trở lại ổn định, tuy thế tôi phải uống thuốc mỗi ngày nếu không huyết áp sẽ lên cao. Một năm sau chủ shop đóng cửa, vậy là tôi bị thất nghiệp. Tôi có người quen làm cho hảng bảo hiểm nhân thọ AMP nên, được người quen đó “recruit” tôi thành một người đi bán bảo hiểm luôn. Thế là vào ban ngày tôi cứ đến văn phòng tìm một “cubicle” trống, ngồi gọi điện thoại cho bạn cùng người quen và cả người không quen để tìm thân chủ. Tôi cũng chăm làm, tuy có khó khăn hơn nhưng rồi cũng làm được ba năm. Đối công việc này tôi phải ăn mặc sạch sẽ đàng hoàng một chút chứ không thể lôi thôi lết thết như làm ở những chỗ cũ được. Trong lúc đi bán bảo hiểm tôi có một nữ thân chủ là Beauty Consultant cho công ty mỹ phẩm Mary Kay ở Mỹ, có chi nhánh ở Úc. Chắc bà thấy tôi cũng gọn gàng sạch sẽ nên bà tỏ ý muốn “recruit” tôi theo ngành hướng dẫn về săn sóc da và trang điểm cho đàn bà. Bà nói hay quá, tôi nhận lời ngay không ngần ngại tí nào, đàn bà mà, nghe ai nói làm đẹp mà không ham. Làm đơn, ký giấy, đóng tiền, đi học ngay. Vậy là tôi có hai “jobs”, ngày đêm gì cũng làm được hết, giờ làm việc tự do thích hợp với mình hơn. Nói nghe dễ nhưng thật sự không dễ chút nào!!!

      Vì tình hình kinh tế tại Việt Nam quá suy sụp nên chính quyền phải thay đổi chính sách, chính phủ gọi là “đổi mới”, mở cửa giao thương với các nước láng giềng, cho phép những người di tản vượt biên năm xưa được phép về thăm nhà, để có thêm ngoại tệ. Họ gọi chúng tôi là Việt Kiều chứ không còn gọi chúng tôi là Ngụy nữa. Năm 1986 đã có người về Việt Nam để tính chuyện làm ăn với  cộng sản, và người về thăm Việt Nam cũng nhiều. Tôi cũng muốn về nhưng chưa đi được, phải đi làm, vì tài chánh vẫn còn eo hẹp, tuy vậy thấy nhiều người về nên tôi cũng nôn nao vô cùng. Đành hẹn vậy.  

Còn tiếp,

DTQT . 07/12/2018.

30-8-2011-q-w-in-the-garden-002-e1544148620283.jpg

ĐƯỜNG HẦM DẪN ĐẾN MEXICO.

Cùng Bạn Đọc,

     Nhận được file này từ một Chị Bạn ở Mỹ, đọc xong Dã-Thảo copy và Reblog ngay lên trang nhà, chia xẻ cùng các Bạn trong và ngoài nước. Đây là tin quan trọng không những cho công dân Mỹ mà còn ảnh hưởng đến cho tất cả mọi công dân khác. Cầu xin ơn trên phù hộ cho dân chúng toàn cầu thoát khỏi bọn hiểm nguy tàu cộng.

Thân mến,

DTQT. 04/12/2018.

Mỹ phát hiện 1 đường hầm dẫn đến

Mexico, bên trong ẩn giấu bí mật kinh sợ.

     Đơn thuần đây không thể là một tổ chức Mafia Buôn Lậu mà phải do cỡ 1 quốc gia thù Mỹ nhúng tay chủ trương vừa có tiền, vừa hủy hoại nước Mỹ. Đó chính là Tàu Cộng !!!

                       Không phát hiện kịp thời thì dân Mỹ chắc chết vì ma túy và di dân. 

Cảnh sát Mỹ phát hiện 1 đường hầm dẫn đến Mexico, bên trong ẩn giấu bí mật kinh sợ.

duong ham.jpg

     Cảnh sát tuần tra ở San Diego, California vô tình phát hiện ra một đường hầm dẫn đến Mexico. Đường hầm này dài 2600 thước Anh (khoảng 2377 m), là đường hầm dài buôn lậu, dài nhất nước Mỹ bị phát hiện, bên trong cất giấu 1 tấn cocaine và hơn 7 tấn cần sa khiến cảnh sát rất kinh sợ.

duong ham 1

     Hình ảnh cảnh sát phái người canh giữ lối vào đường hầm, đang suy nghĩ biện pháp đi vào bên trong thăm dò.

duong ham 2.jpg

     Đường hầm được phát hiện có đầu phía Nam chui ra một khu công nghiệp giữa lối ra vào cảng Otay Mesa và trạm kiểm soát cao tốc California. Đây là khu vực tập trung nhiều xe tải vận chuyển hàng hóa hợp pháp qua lại giữa Mỹ và Mexico hàng ngày. Đầu còn lại nằm trong một căn nhà tại Tijuana.

duong ham 3.jpg

     Theo thông tin do cơ quan chức năng Mỹ đưa ra, đã có sáu nghi phạm bị bắt giữ trong vụ vây ráp nhằm triệt phá đường hầm buôn lậu ma túy nói trên.

Hình ảnh lối vào và bên trong đường hầm:

duong ham 4.jpgduong ham 5.jpgduong ham 6.jpghuong ham 7.jpgduong ham 8.jpgduong ham 9.jpg

     Những kẻ buôn lậu đã dùng nhiều cách để ngụy trang hai lối ra vào nhằm qua mặt các cơ quan chức năng – bao gồm cả việc sử dụng xe chở rác để vận chuyển ma túy từ đầu ra đường hầm phía Mỹ tới điểm tập kết trước khi chuyển sang xe tải thùng kín để di chuyển sâu hơi vào nội địa.

 

CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 6)

Cùng Bạn Đọc,

Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”    

     Anh cựu thủy quân lục chiến đi đâu mất tiêu không thấy bóng. Bỗng một buổi sáng anh xuất hiện như thất thần trước nhà tôi, anh nói anh vừa bị gạt đi vượt biên, mất tiền mà không đi được. Tôi nói nửa đùa nửa thật:

          – “Tại em bỏ chị và các cháu trốn đi một mình nên bị gạt đó”.

          – “Chị nói có lý, chắc trời phạt tôi, bây giờ chị leo lên xe tôi chở chị đến đó đòi tiền lại mới được”. Anh chở tôi đến Bến Đá, tôi đứng ngoài giữ xe, anh đi vào căn nhà gần đó, một lúc sau anh trở ra mặt buồn hiu, tôi biết là anh mất toi hai cây rồi. Tôi nói:

          – “Thôi bỏ đi, không đòi nữa, lôi thôi họ vu oan cho anh tội này tội nọ là mệt lắm”.

     – “Không phải tôi không muốn kéo chị đi, tôi biết chị không đủ sức chạy cho đủ số mười cây, mà thôi cũng may tôi không kéo đó, chứ kéo thì mất bộn rồi”.

     Từ đó là tôi để anh lui tới với gia đình tôi thường hơn, mỗi lần đi lo công việc là anh cũng đèo tôi sau xe anh. Một hôm anh đến trao tôi một bao tải nhỏ đậm màu, cở bao đựng gạo năm ký, cũ kỹ xấu xí. Anh bảo tôi ngồi sau xe ôm chặt cái bao, thấy nặng nên tôi hỏi:

          – “Cái gì trong này mà nặng quá?”

          – “Ôm chặt kẻo rớt, “cây đó”, đóng bãi, lần này chắc được, tàu lớn”. Rồi thôi, anh không nói gì cứ lo chạy xe. Đến nơi cả hai vào nhà, khách chủ chào hỏi nhau:

          – “Anh chị mua trái cây?”.

Anh cựu quân nhân nói:

          – “Dạ không ghé thăm ông bà chút thôi”, một cách tự nhiên, chuyện trò thân mật với ông chủ nhà không có vẻ gì quan trọng hấp tấp. Một lúc sau chúng tôi bước ra, cái bao để trên bàn được ông chủ lưu ý cầm lấy. Vậy là xong, anh cựu quân nhân chở tôi thẳng đến nhà một người bạn của anh giới thiệu tôi với bạn, người bạn vui mừng thấy công việc trôi chảy. Lúc bấy giờ tôi mới biết ra đáng lý người bạn này phải là người mang số cây đó đi mua bãi nhưng anh bạn run quá, sợ lộ nên tôi là người ôm lấy, không thấy sợ, ngược lại tôi quá vui mừng mong cho việc chóng thành công. Qua hôm sau, anh cựu quân nhân đón người từ Sài gòn đến giới thiệu, nói với tôi là người thân của anh và dặn tôi chuẩn bị tối đi. Quả thật không ngờ, tôi và các con đi xe Lam đến địa điểm giao hàng ngày hôm qua, vì trời đã tối nên vừa đi vừa chạy vào nhà, lẫn ra sau vườn ngồi chờ “taxi”, tàu nhỏ đưa ra được gọi là “taxi”. Trời tối nên chẳng thấy đường tôi hụt chân bước xuống một vũng đất thấp mà không biết té lăn quay muốn gãy chân trái, cũng may có con gái nắm tay nên tôi đứng lên được, có tiếng người nói “taxi” đến rồi đó đi mau lên không thôi bị bỏ lại”, tôi bước đi cà nhắc mà nghe vậy cũng hết cảm thấy đau, đi như chạy. “Taxi” đến chúng tôi lội ngay xuống nước chẳng sợ nguy hiểm là gì, chuyền từng đứa con leo lên tàu nhỏ mà lòng quả thật lo sợ vô cùng vì không biết mình sẽ đi về đâu. Cuối cùng chúng tôi đến gần tàu lớn. Nhìn con tàu sáng trưng chúng tôi cũng hết hồn vì không biết có đúng không. Một trong các chị trên tàu lên tiếng: “đúng rồi đó, ông xã tôi đang đưa tay vẫy lá cờ trắng kia kìa cứ đến đi, tôi có lên đó một lần”, vậy là yên tâm rồi. Chúng tôi lần lược trèo lên được tàu lớn và xuống hết dưới khoang tàu, anh cựu quân nhân ôm lấy anh bạn mà tôi mới gặp ngày hôm trước mừng rỡ nói: “thành công rồi anh Ba”, anh này không đi cùng chuyến “taxi” với nhóm của chúng tôi. Vì tàu lớn đầy đủ tiện nghi nên khi ghé bến Mã Lai rồi Indonesia đều bị từ chối không cho tị nạn, tuy nhiên chúng tôi vẫn được ân cần tiếp đón và giúp đỡ, tôi không nhớ rõ đã lưu lại cảng Surabaya bao nhiêu ngày, sau đó tàu tiếp tục đi thẳng đến hải cảng Darwin Australia vào ngày 29/11/1977, tàu neo ở cảng Darwin chờ thủ tục tị nạn. Chúng tôi được Thủ Tướng chính phủ Úc, Malcom Frazer, chấp nhận cho tị nạn chính trị. Tôi vô cùng biết ơn Cựu Thủ Tướng quá cố Frazer đã mở lòng nhân đạo nhận chúng tôi, Thuyền Trưởng và các Thủy Thủ trên con tàu Sông Bé 12 đã đưa chúng tôi đến bến bờ tự do, và nhất là anh bạn cựu quân nhân chí thân của một thời lao đao lận đận sau ngày mất nước. (Một điều đáng buồn cho chúng tôi là vị Thuyền Trưởng Sông Bé 12 đã qua đời vào ngày 03/09/2004 hưởng thọ sáu mươi tuổi. Tôi xin thành tâm đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến vị ân nhân đáng kính của gia đình chúng tôi. Cùng thương mến gởi đến lời thăm hỏi ân cần và kính chúc gia đình Bà Quả Phụ Trần Phước Hậu vạn sự an lành).  

     Chúng tôi xin nhập cảnh. Ở trên tàu chờ đợi. Không biết phải chờ đợi bao lâu? Nếu tôi nhớ không sai đó là hai ngày chờ đợi và hy vọng. Rồi chính quyền cho phép chúng tôi được ở lại trên mảnh đất tươi đẹp Australia. Không thể tả nổi cái cảm giác của tôi lúc đó, chỉ biết là mình sung sướng, vô cùng sung sướng. Tôi đi xiêu vẹo trên đất liền lần đầu tiên sau gần một tháng vượt biển. Đặt đầu trên gối nằm đêm đó trong căn nhà tỵ nạn tôi đã có thể ngửi được cái mùi của hòa bình và tự do đang tỏa ra quanh tôi, chiếm hết đầu óc, khiến mình không ngủ được. Các con ngủ thật say, tôi biết rằng từ nay chúng sẽ không còn cầm chổi theo để quét đường khi đi học nữa. Chúng sẽ không còn hát những bài hát như đâm vào tim con người. Tôi không còn lo lắng có người đến gõ cửa vào ban đêm vặn hỏi điều này điều nọ mà không có lý do nào cả. Cảm ơn Trời Phật chúng tôi đã an toàn trên mảnh đất bình yên. Đây là mảnh đất người ta đến từ các nơi khác nhau, hòa đồng với các văn hóa khác, làm việc bên nhau cùng một nơi, nói với nhau cùng một thứ tiếng – English – tôi mang ơn sự hòa hợp này. Tôi tự nhủ sẽ đẩy xa bất cứ cản trở nào, đối mặt với bất cứ bất hạnh nào, làm việc khó nhọc ư? Tôi nhất định không có bất cứ một sự phàn nàn nào cả. Tôi mới có ba mươi ba tuổi, cái tuổi cao điểm của đời một người đàn bà, bị bắt buộc phải đấu đá, vì thế cho nên tôi sẽ đấu như một con “bull” cho sự tồn tại của gia đình tôi.

Trên Mảnh Đất An Lành

     Sau một ngày ở Darwin để làm thủ tục nhập cảnh, chúng tôi được đưa đến Sydney bằng phương tiện hàng không, do chính phủ tài trợ. Nhân viên và thông dịch viên đón chúng tôi tại phi trường Sydney, rồi xe Bus đưa về tạm cư ở Villawood Westbrige Hostel. Nơi chúng tôi trú ngụ phòng ốc khang trang đầy đủ tiện nghi điện nước, tôi vẫn còn nhớ chị làm phòng dẫn tôi vào phòng tắm chỉ dẫn cho tôi vòi nước nóng và vòi nước lạnh ( H và C) để chúng tôi khỏi bị bỡ ngỡ khi dùng nước, nhất là nước nóng để các cháu khỏi bị phỏng. Chị nói tiếng Anh thật chậm và rõ ràng để tôi hiểu chị muốn nói gì. Tôi cảm ơn, chị từ giả và còn chúc tôi có một ngày tốt lành. Tôi thành tâm cầu xin cho tôi cùng các con sẽ có được nhiều ngày tốt lành như những ngày vừa qua.

     Vì tương lai của các con, tôi bỏ nước ra đi, hy sinh tất cả là điều không thể nào tránh được. Trong cái đen tối không cùng của biển cả tôi nghe lòng rạn nứt vì đã bỏ lại chồng tôi trong ngục tù cộng sản. Tôi cầu mong anh tha thứ cho tôi, tôi nguyện có trời trên cao, dưới có biển cả mênh mông chứng giám cho lòng tôi, không bao giờ phản bội anh. Chỉ có một mình tôi mới biết được tôi, mới hiểu được tôi thôi, như vậy cũng đủ cho tôi sống để lo cho các con tôi đến lúc trưởng thành, nên người hữu dụng. Nếu ngày đó tôi không liều mạng thì có lẽ bốn mẹ con tôi không còn sống trên đời này. Có ai hiểu cho tôi trong hoàn cảnh đáng suy ngẫm đó hay không?

     Tôi và anh cựu quân nhân sau vài tháng ở chung trong trại tạm cư thì có mối bất hòa nên khi chúng tôi dọn ra ngoài là xa nhau. Cách mấy năm sau, anh cựu quân nhân thủy quân lục chiến đưa đến căn flat tôi ở, một cô bạn gái và, anh nói giọng vui đùa nhờ tôi coi mắt giùm. Tôi vui mừng đón tiếp cả hai rất nồng hậu, cô gái thật dễ thương. Không lâu sau đó tôi nghe tin anh và cô gái đã thành hôn. Tôi vui mừng vô cùng, mặc dầu tôi không được mời đi dự đám cưới. Tôi thật sự vẫn quý anh và nhớ ơn anh rất nhiều. Tôi chân thành cầu chúc vợ chồng anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc lâu dài.

     Căn flat tôi thuê chỉ có một phòng ngủ rộng, vừa kê đủ một cái giường chồng cho hai đứa con trai và một cái giường chiếc cho con gái, phòng ăn sát với nhà bếp được kê thêm một chiếc giường đơn đã cũ, của bà chủ khu chung cư đưa qua, tôi treo một tấm màng chia đôi phòng ăn và phòng khách, vậy là tôi có căn phòng ngủ! Sát nhà bếp, thế là ấp cúng rồi không còn phàn nàn gì nữa. Chúng tôi dùng cơm ngay trong nhà bếp, vì bếp vẫn còn rộng có thể kê thêm một bàn nhỏ. Cuộc  sống của tôi hết sức giản dị, khiêm nhường, nếu không muốn nói là dưới trung bình, là nghèo, rất nghèo. Áo quần “second hand” dành cho tôi, nhưng tôi sắm áo quần mới cho các con, suốt ngày đi làm trong hảng xưởng thì chẳng cần gì quần áo mới, tôi cũng chẳng đi ra ngoài nhiều. Tôi dành những giờ rảnh rỗi để sinh hoạt với các con, nghỉ ngơi và viết lách, vì tôi nhận giữ “Trang Bạn Gái” cho hai tờ báo “Thế Hệ Mới” và “Chuông Sài Gòn”, ở thập niên 80.

     Muốn viết thì phải đọc. Báo Việt Nam chỉ có hai tờ tôi vừa nêu trên. Chuyện ngắn chuyện dài, quảng cáo, “chi cũng ngốn”, lật qua lật lại là hết trơn. Xoay qua đọc báo tiếng Anh vậy. À cái này mới rắc rối đây, ngoài số vốn Anh ngữ ở trường và sau mười tuần học Anh ngữ lúc mới đến Úc để ra kiếm việc làm và tiếp xúc với người di dân và người bản xứ. Đọc sách báo tiếng Anh quả thật tốn rất nhiều thì giờ, vì đọc qua một lần chưa hiểu phải đọc lại, đã vậy lúc nào cũng phải có Ông Thầy “Câm” ở bên cạnh, mỗi khi gặp chữ khó, cứ hỏi Ông là ra ngay. Mà chữ khó thì gặp hoài từ đầu trang đến cuối trang, trang nào cũng có. Vậy đó, tôi cứ hỏi Thầy tôi hoài, và không bao giờ tôi bị thầy giận hờn trách móc gì tôi cả. Tôi “thỉnh” “Ông Thầy Câm” này lúc còn mới nguyên si, từ tiệm sách “Dymock” ở tận City đầu năm 1980 đó nghe, chứ không phải “second hand” đâu nhé. Tên thầy là “The Oxford Paperback Dictionary”, vậy mà bây giờ trông Thầy thật tội nghiệp, mặt mày bạc phết, bìa rách xác xơ. Nhìn Thầy là biết tôi chịu khó học Anh Ngữ lắm. Mà cũng nhờ vậy nên tôi dần dà mới nói và viết được đôi chữ tiếng Anh cho nên câu lúc sau này. Nhưng chưa đủ, vì thế cho nên tôi phải đến trường học thêm vài khóa nữa. Vẫn chưa tới đâu nên cứ đọc hoài, học hoài, vẫn cứ thiếu, nên tôi hình như lúc nào cũng bận rộn. Tôi cũng xin kể thêm, khi tôi lên Bộ Y Tế xin được làm việc theo đúng nghề của mình, thì được Bộ trả lời: Nếu tôi muốn đi làm theo nghề của mình thì tôi phải đi học trở lại thêm ba năm nữa về ngành Hộ Sinh và Bộ cũng bằng lòng cho tôi đi học thêm Anh Ngữ về nghề của mình ít nhất là sáu tháng đến một năm. Với số vốn Anh Ngữ quá ít tôi nghĩ phải mất rất nhiều thời gian bốn năm mới đi làm được, trong lúc hiện tại tôi phải lo cho ba đứa con ăn học và còn phải lo cho gia đình còn bị kẹt lại ở Việt Nam, thôi tôi đành phải bỏ ý định đi học lại để đi tìm việc làm không đúng với khả năng của mình.   

     Gia đình Ông Bà chủ căn chung cư, người Ý, có hai người con, một trai một gái, đã lớn chưa lập gia đình nên vẫn còn ở chung với cha mẹ, cũng ở cùng trong khu chung cư với chúng tôi, Ông Bà tử tế và lịch sự vô cùng. Tôi trả tiền mướn flat thẳng với Bà chủ, mỗi hai tuần, chứ không qua văn phòng trung gian nên cũng rất tiện cho tôi không phải mất thì giờ đi đâu cả, chỉ cần gõ cửa flat đối diện, chờ một chút, Bà chủ tươi cười đi ra với cái “receipt” thế là xong, khỏi mất một buổi sáng hay một buổi chiều nào cả.

     Tôi đi làm hơi xa, phải bắt xe lửa rồi xe bus mới đến hãng làm việc. Vì thế cho nên mỗi sáng tôi dậy thật sớm, ăn vội cặp bánh mì “sandwich” uống vội ly cà phê, rời nhà, đi bộ ra trạm xe lửa bắt chuyến xe sáu giờ. Rời xe lửa băng qua đường cái, bắt chuyến xe bus bảy giờ mười phút, đến trạm dừng, đi bộ một đoạn ngắn đến hãng, bấm thẻ là vừa đúng bảy giờ ba mươi phút không sai chạy đi đâu cả. Làm việc liên tục từ 7:30’ đến 10:00 trưa, nghỉ 10 phút giải lao ăn bánh uống trà hay làm gì tùy ý mỗi người. 10:10’ trở lại làm việc đến 12:00, nghỉ ăn trưa nửa tiếng đồng hồ. Tôi thường “order” thức ăn qua “canteen” của hãng nên không phải lo lắng về việc bới xách cho bữa ăn trưa của mình, nên cũng giảm bớt lôi thôi phần nào. 12:30’ làm việc đến 3:00 chiều, nghỉ 10 phút giải lao, trở lại làm việc đến 4:30 chiều là tan sở. Trở ra đón xe bus, bắt xe lửa rồi đi bộ về nhà cũng phải gần sáu giờ chiều. Hôm nào ở lại làm thêm giờ, tức là thêm ba tiếng đồng hồ, từ 4:30’ đến 7:30’ buổi chiều, tôi về đến nhà đã gần 9:00 giờ tối rồi. Tắm rửa ăn uống xong đã đến giờ đi nghỉ, chẳng có thì giờ nào chăm sóc cho ba đứa con của tôi, chúng tự săn sóc lấy nhau thấy mà thương. Tuy thế tôi vẫn cố gắng hết sức mình để những ngày không làm thêm, về đến nhà sớm, tôi cũng dành chút thì giờ chăm sóc các con và sinh hoạt với chúng vào ban đêm trước khi chúng vào phòng ngủ.

     “Con Trai Lớn của tôi ơi, mẹ nhớ ơn con vô cùng! Mới hơn chín tuổi đã biết nói lời trưởng thượng”:

   – “Chết thì con không sợ nhưng nếu mẹ bỏ thuốc giết chuột vào, mẹ đừng nói cho con biết vì nếu con biết có thuốc chuột thì con không ăn, con không muốn chết!”.

     “Con giữ đúng luật làm người, không tự hại mình, thì mẹ không có quyền hại các con. Thương con nhiều lắm con biết không?”

     “Con Gái Đầu của tôi ơi, mười một tuổi đến Úc, mà như đã trưởng thành biết lo lắng cho các em cái ăn cái uống để mẹ có thể suốt ngày làm việc trong hãng xưởng kiếm tiền lo cho các con và lo cho người còn bị kẹt lại bên nhà. Thương con quá!”

     “Con Trai Út của tôi ơi, mẹ xin lỗi đã để con đi bộ một mình đến trường dù trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh, con mới hơn tám tuổi, tội nghiệp con tôi đã tự mình lo lấy lúc hãy còn bé thơ, cũng may trường học gần nhà nên con đi mà không sợ gì cả. Bây giờ nghĩ lại mẹ thấy thương các con làm sao! Mẹ quả thật thiếu bổn phận với các con nhiều lắm! Mẹ chỉ biết lo đi làm, nhiều hơn là lo cho các con. Các con ơi, thông cảm và tha thứ cho mẹ nhé”.

Còn tiếp.

DTQT. 01/12/2018.

th.jpg CBS record

     Tôi làm trong hảng CBS Record, đứng máy, đợi máy làm ra, bỏ vào thùng những dĩa hát này, dán thùng lại dán nhãn lên thùng, bỏ xuống “pallet” để một công nhân khác lái fork-lift đến kéo pallet đi.