Cùng Bạn Đọc,
Đây là lần gặp giữa chúng tôi với nhau, ý tôi muốn nói giữa chúng tôi (Ông Bạn Già và tôi, cùng Anh chồng đã ly dị của tôi. Xin kể Bạn nghe.
Thân mến,
05/03/2019.
Năm 2004 con gái lớn của tôi bảo lãnh cho Bố qua Úc du lịch ba tháng thăm gia đình, tôi hoàn toàn không biết gì về ý định này của vợ chồng con gái tôi. Cho đến ngày Bố đến Sydney chúng nó mới nói. Trước khi ly dị và chưa gặp người bạn khác chủng tộc sau này, tôi có viết một câu chuyện ngắn “Nhật Ký Của Hà” đăng lên tuần san Chuông Sài Gòn, lâu lắm rồi. Trong đó tôi viết tưởng tượng có Bố các con tôi bên cạnh nên viết cho vui. Không ngờ hai mươi năm sau ông Bố qua thăm con cũng lại xảy ra những việc giống như trong câu chuyện tôi đã kể cách đó hai mươi năm. Và đây là bức thư tôi kể lại cho Ngọc Huyền Tôn, một người bạn gái cùng khóa nội trú Nữ Hộ Sinh, đang ở bên Mỹ.
Thư cho Ngọc-Huyền-Tôn.
Thảo mới đánh máy “Nhật ký của Hà” cho Ngọc Huyền đó, bài viết chỉ do trí tưởng tượng mà thôi, vì sự thật thì ông xã còn ở lại VN chứ không đi vượt biên cùng với gia đình. Ông xã có tài vẽ tranh rất đẹp vì thế cho nên mình tưởng tượng có ông bên cạnh cho đời đỡ buồn đó mà. Ấy vậy mà hai mươi năm sau, năm 2004, con gái mình bảo lãnh ông xã mình qua Úc du lịch thăm các con. Ổng lưu lại với gia đình con gái mình ba tháng, vẽ rất nhiều tranh. Vẽ luôn cả bức tranh mà mình viết ở trên chỉ thiếu mấy người đàn bà Thượng mà thôi, bức tranh vẽ thật lớn treo ngay trong phòng khách, thật đẹp. Mình lên thăm ông xã thấy bức tranh lấy làm lạ quá, cứ tưởng con gái mình mua ở đâu đem về treo, hỏi ra mới biết là “Bố vẽ đó Mẹ”, con gái mình trả lời. Ông xã mình có biết mình qua đây viết văn đăng báo đâu và nhất là bài “Nhật Ký Của Hà” thì hoàn toàn ông không hề biết đến, và ông sang đây đã hai tuần rồi, mà bấy giờ mình mới lên Newcastle thăm ông. Tranh treo khắp nhà, luôn cả phòng tắm và nhà bếp. Thế thì có lạ không?
Ngọc Huyền Tôn ơi! cắt nghĩa cho Thảo nghe đi, mình có nhãn lực thấy được một việc xảy ra ở hai mươi năm sau? Chắc chắn là không rồi. Hỏi mà lại tự trả lời rồi đó thấy không? Tuy nhiên điều đó cũng làm cho mình xôn xao không ít. Thời gian có ông ở Úc mình không thấy “bình yên” tí nào. Ông bạn mình đây thì thật là dễ thương. Con gái mình điện thoại nói chuyện với “Bác” xong là: “Mẹ lên thăm Bố nghe! Con nói với “Bác” rồi.
Sinh nhật mình năm đó có mặt ông “thợ vẽ” của Hà đến dự. Ông đem đến tặng cho ông bạn mình một bức tranh, họa một cảnh ở Newcastle. Ông bạn chỉ nhìn một cái là biết ngay chỗ nào ở Newcastle. Ông này thích lắm khen ông nọ có tài. Ông này tiếp ông nọ thật lịch sự. Ngọc Huyền ơi, người Tây phương họ lạ thật mình chịu không thể hiểu nổi. Cho đến bây giờ thì “Nước Chảy Qua Cầu” rồi, ba mươi lăm năm dài lắm chứ, một đời người có ít đâu.
Có một điều muốn nói cho Ngọc-Huyền-Tôn vui là Dã-Thảo bây giờ “thân tâm thường an lạc”, chữ Ái cho ông xã đã dứt được rồi. Mình cũng muốn cảm ơn con gái đã cho mình một dịp tốt để nhận thức được rằng giữa mình và “Bố” là không còn gì nữa cả, chứ không thôi cứ mãi băng khoăn hoài. Và cũng có một điều khác muốn nói với Ngọc-Huyền-Tôn là bây giờ ngồi đây một mình mà nghe vui trong lòng. Cái giá phải trả bằng những gì đã mất thật không nên phàn nàn. Vả lại mình cũng phải có duyên lắm mới gặp được ông bạn này, mình đồng ý trải lòng mình ra để khu vườn trước mặt nở đầy hoa và nhìn bầy chim cả trăm con, đủ màu sắc đến vây lấy chân ông bạn mỗi sáng mỗi chiều là niềm vui khó tả.
Thêm điều này phải nói với Ngọc-Huyền-Tôn, phòng làm việc của Thảo đặt ngay cửa sổ nhìn ra vườn, phải kể như thế để cho Ngọc Huyền dể hình dung ra được vị trí khu vườn trước mặt, luôn luôn nhìn thấy, dính chặc trong trí mình chẳng phút nào rời. Vì thế cho nên mình mới có cảm hứng làm bài thơ “Just Making Sure” cho ông ấy chứ. Bây giờ hoa hồng đang nở rộ, thật đẹp. Lại kể cho Ngọc-Huyền-Tôn một chuyện nữa, liên quan đến mấy đóa hồng của mình. Thảo không có thói quen cắt hoa để cắm vào bình, họa hoằng lắm mới cắt vài đóa để cắm lên bàn Phật mà thôi. Có một hôm nọ thấy hoa hồng nhiều lắm, định cắt, cầm kéo cắt sẳn sàng rồi, bỗng cảm thấy thương mấy đóa hoa vì chúng quá đẹp và quá thơm, ngẫm lại mình thấy hoa chỉ đẹp trên cành nên không nỡ cắt và bỏ qua ý định. Không biết tại sao tối hôm đó trời bỗng nỗi cơn thịnh nộ, giông bão ở đâu kéo về, mưa đá to bằng trái banh nhỏ. Sáng hôm sau tất cả hoa trong vườn đều gãy nát, không còn một đóa hồng nào nữa cả, tội nghiệp. Mình muốn khóc đó Ngọc-Huyền-Tôn, hôm đó không an vui tí nào. Dọn vườn nguyên ngày. Buồn.
Bây giờ là chuyện vui, Thảo liên lạc được với Ngọc Huyền là một điều vô cùng thích thú sau bốn mươi lăm năm “bặt vô âm tín”. Biết Ngọc-Huyền thích đọc là chuyện vui, vì người viết có người thích đọc mới thành văn được. Nếu không chẳng có chuyện để nói, kể, và viết. Hy vọng có một ngày nào đó Thảo gặp lại Ngọc-Huyền-Tôn và các bạn cũ bốn mươi lăm năm về trước. Cứ tưởng tượng đi là thấy rộn lên rồi.
Dã-Thảo-Quế Trần, 16/03/2010. Sydney-Australia
Còn Tiếp