Cùng Bạn Đọc,
Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi” . Chuyện còn dài vì thế cho nên DT phải ngắt ra nhiều đoạn, chứ đọc một lần thì sợ cần nhiều thời giờ của Các Bạn, mong Bạn vui lòng đọc hết, cảm ơn Bạn rất nhiều.
Thân mến,
DTQT. 23/11/2018.
Năm 1964 tôi tốt nghiệp, ra trường về lại Hội An sống với Ba và em Kiến một thời gian không lâu lắm, Ba Me Anh Kỳ vào Hội An cùng Ông Bà Hồ Ngận đến thăm Ba và xin tổ chức lễ đính hôn cho chúng tôi. Anh Kỳ là cháu gọi Bà Hồ Ngận bằng Cô, Bà là cô giáo của tôi lúc tôi còn học ở tiểu học, Ông Hồ Ngận là cựu Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Nam và là bạn của Ba tôi, cho nên việc hỏi cưới của chúng tôi không có gì trở ngại. Xong việc vị hôn phu của tôi phải đi vào tận Thu Xà thuộc tỉnh Quảng Ngãi vì anh được bổ dụng về dạy ở trường Trung Học Thu Xà xa xôi đó. Tôi có đến thăm anh vài tuần trước khi được sự vụ lệnh của Bộ Y Tế đưa lên làm việc tại Kontum, miền cao nguyên trung phần Việt Nam.
Một thời gian sau, theo lời khuyên của Ba tôi: “Kỳ đừng để Quế ở một mình trên đó, coi chừng mất vợ”. Anh vâng lời Ba từ giã Thu Xà lên Kontum sống cùng tôi. Vị hôn phu tôi dạy học ở trường trung học tư thục Bồ Đề. Năm 1965 chúng tôi về Hội An tổ chức làm đám cưới vào ngày 13/09/1965. Anh vừa là giáo viên vừa là Huynh Trưởng của các em học sinh Phật tử nên nhà chúng tôi lúc nào cũng rộn rịp tiếng cười vì, các em thường ghé thăm. Chúng tôi mướn nhà ở gần chùa Tỉnh Hội Kontum, có trường Trung Học Bồ Đề và cũng là nơi các em học sinh Phật tử đến sinh hoạt vào mỗi sáng chủ nhật. Sau khi có cháu Phước Duyên tôi quả thật bận rộn nên phải mướn một chị đến giúp việc cho chúng tôi. Chị Lan còn trẻ có một đứa con trai nhỏ, cở tuổi cháu Phước Duyên, bị chồng bỏ. Nghĩ thương cho hoàn cảnh chị, nên khi nghe chị muốn được giữ con trong nhà cùng với gia đình chúng tôi, tôi nhận lời ngay không ngần ngại. Vậy đó chứ chị Lan cũng giúp tôi được nhiều việc trong nhà lắm, chị cũng hiền lành và dễ thương nên con gái tôi cũng mến chị. Chồng tôi thỉnh thoảng đưa các em đoàn sinh Phật Tử đi cắm trại trong rừng, nơi có suối, có sông và, có một ngôi chùa nhỏ với vài Ni cô, tôi chẳng sợ gì mà không bế con gái Phước Duyên của tôi tháp tùng ông xã đi cắm trại và tiện thể thăm các Ni cô luôn. Và chị Lan có một ngày nghỉ chủ nhật thật bình yên ấm cúng ở nhà một mình với con trai chị, không phải bận rộn lo cơm nước cho chúng tôi. Có phải là “nhất cử lưỡng tiện” không! Rừng núi cao nguyên đẹp lắm, càng nhìn càng thấy mình bị thu hút, như bị hớp hồn vậy đó. Nước suối trong thật là trong để phô bày hết cái trung thực không dấu diếm cái đẹp thiên nhiên của tạo hóa dành cho dưới đáy lòng con suối. Chúng tôi chụp rất nhiều ảnh để kỷ niệm, nhưng bây giờ tôi không còn giữ được tấm hình nào sau những biến cố lao đao lận đận trong cuộc đời tôi sau này.
Sau vụ Phật Giáo đưa Phật xuống đường chống kỳ thị Phật Giáo, một người bạn thân trong chính quyền lúc bấy giờ nghe tin không lành là chồng tôi có thể bị công an “mời” nên báo cho chồng tôi hay và quyết định giúp anh rời Kontum vào Sàigòn ngay ngày hôm sau để lánh nạn. Bé Duyên đã biết đi chập chững còn tôi đang mang thai được năm tháng. Chồng tôi về Sàigòn lên Phú Thọ ở nhà anh chị Hành, chị là cháu gọi Ông thân sinh chồng tôi bằng Cậu ruột. Anh viết thư về cho tôi hay và muốn tôi vào Sàigòn trước ngày sanh dự đoán vì Ba Mẹ chồng tôi đang ở Sàigòn với gia đình người con trưởng của Ông Bà. Tôi vào Sàigòn trước khi sanh một tháng và làm lễ thôi nôi cho bé Duyên có Ông Bà Nội đến làm lễ thôi nôi cho cháu nên cũng thật là vui.
Tôi sanh được một cháu trai ở bệnh viện Hùng Vương Sàigòn. Chồng tôi quyết định sau khi tôi sanh xong và trở lại nhiệm sở, Anh sẽ vào quân trường Thủ Đức trình diện nhập ngũ vì Anh nói là tình hình chiến tranh đang đến hồi khốc liệt, Anh không trở lại Kontum đi dạy nữa, Anh muốn tòng quân thôi. Tôi thấy lo lắng chứ không có ý kiến gì trong việc này, vì tôi luôn nhận thấy Anh làm gì cũng có sự suy nghĩ cả. Tôi thấy Anh đúng nên không phàn nàn đòi hỏi gì, mặc dầu mẹ con tôi rất cần sự có mặt của Anh trong lúc này.
Sau khi sanh gần hai tháng tôi trở lại nhiệm sở cùng với hai đứa con thơ, và mẹ con chị Lan giúp việc, Mẹ chồng tôi thấy hoàn cảnh của tôi như thế bà không đành lòng, nên cũng đi theo chúng tôi lên Kontum. Chúng tôi tất cả đi bằng Hàng không VN vì đường bộ quá xa và nguy hiểm vì Việt Cộng thường hay đặt mìn hoặc có thể chận xe lại để bắt cóc quân nhân hoặc những ai mà chúng nghi ngờ làm gián điệp, rồi sau đó thảm sát họ. Đến nơi, cả gia đình sáu người chúng tôi được một chị bạn thân cho tạm trú ở nhà Bảo Sanh Tư của chị. Được ba hôm, mướn nhà xong tôi lo mua sắm thêm ít đồ đạc cần thiết và dọn đến một căn nhà ba phòng khá rộng đủ cho sáu chúng tôi. Một điều đáng tiếc là chị Lan xin thôi việc. Nghe đâu chị trở lại Sàigòn và sống chung với anh gia nhân phụ việc cho Anh Chị họ của chồng tôi ở Phú Thọ. Tôi thật sự không biết chị Lan có được hạnh phúc hay không, chứ từ ngày chị rời gia đình tôi đến nay là bốn mươi bảy năm rồi tôi không nghe tin tức gì của Lan và con trai của chị. Tôi cầu nguyện cho mẹ con chị được ấm no hạnh phúc.
Tôi thật vất vả, nhưng phải nói là tôi đã mang ơn Mẹ chồng tôi rất nhiều trong giai đoạn này, nếu không có Bà Nội các cháu thì quả thật một mình tôi thì chắc chắn là khó cho tôi lắm. Tết mậu thân năm 1968, chồng tôi, vẫn còn ở quân trường Thủ Đức, được về phép ăn Tết thăm gia đình ở Kontum. Đó là Tết có đình chiến nhưng Việt Cộng không giữ lời hứa và tấn công khắp nơi ở miền Nam. Đêm đó đánh nhau ngay trong thành phố Kontum. Đang nằm ngủ chúng tôi nghe đạn bắn khắp nơi, tôi tưởng thiên hạ đốt pháo mừng xuân nhưng không, chồng tôi nói:
– “Không phải đâu em tiếng súng chứ không phải tiếng pháo, mình bị Việt cộng tấn công rồi”.
Vậy là cả nhà vùng dậy chạy xuống phòng dưới, trải chiếu xuống đất nằm. Một tiếng nổ thật lớn của Việt cộng pháo kích rớt cạnh nhà người hàng xóm của tôi khiến tôi khiếp hồn ôm chặt lấy con gái tôi vào lòng, bà Nội ôm chặt cháu trai, mới bảy tháng tuổi, nằm sát đất miệng niệm: “Nam Mô Cứu khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát” liên hồi. Tôi cũng niệm Phật theo Bà Nội các cháu. Tiếng súng vẫn nổ vang phía trước nhà ngoài đường cái, tôi vẫn tiếp tục niệm Phật và cảm thấy an tâm vì có chồng tôi kế bên trong giờ phút này, rồi tôi ngủ quên lúc nào không hay.
Sáng hẳn rồi tôi mới giật mình thức giấc vì tiếng ồn ào trước và sau nhà. Nghe tiếng chị hàng xóm la lên, tôi bước ra cửa, phía hông nhà tôi cạnh hông nhà chị, chỉ cách nhau hơn vài thước, tôi nhìn thấy một góc mái nhà chị bị sập, mới vỡ lẽ ra tiếng nổ lớn, khiến tôi khiếp vía ôm chặt bé Duyên vào lòng miệng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát rồi ngủ luôn lúc nào không hay, đã rơi ngay mái nhà chị. Rất may là không có ai bị thương vì cả gia đình chị đều chạy xuống nhà sau như chúng tôi vậy. Chồng tôi kéo tôi ra cửa sau, chỉ cho tôi thấy một xác người nằm sát rào sau nhà, tôi sợ quá đóng cửa thật lẹ không dám nhìn lâu.
Khoảng gần trưa có tiếng gõ cửa, chúng tôi mở cửa, một anh quân nhân Mỹ mang súng dài tỏ ý muốn vào nhà kiểm soát, chồng tôi ân cần mời anh vào. Sau khi nói chuyện và thấy bộ quân phục cùng cái mũ máng trên tường của chồng tôi, anh quân nhân Mỹ yên trí bước ra, chồng tôi nói cảm ơn anh quân nhân Mỹ trẻ tuổi đã canh giữ cho chúng tôi được yên bình đêm qua. Tôi nhìn ra đường thấy còn nhiều quân nhân khác cũng đang thi hành nhiệm vụ như vậy. Lúc ra sau bếp chúng tôi không còn thấy cái xác người nằm sát rào sau nhà nữa, vậy mà tôi vẫn không dám mở cửa sau.
Hết phép ông xã trở lại quân trường Thủ Đức. Kontum sau đó cũng trở lại bình thường. Tôi tiếp tục những công việc hằng ngày. Được tin anh rể của ông xã, Anh Bửu Tuân, sẽ lên làm việc tại bịnh viện Kontum tôi vô cùng vui mừng và tôi mời anh chị Tuân Liên vào ở chung nhà với chúng tôi. Vậy là mẹ chồng tôi có cô con gái ở cạnh thật không còn gì vui hơn.
Một việc bất ngờ xảy đến với tôi vì bỗng dưng tôi bị đổi lên Dacto, một vùng xa xôi hẻo lánh và vô cùng nguy hiểm vì ở đó là nơi thường xảy ra những vụ xung đột lớn với Việt cộng. Tôi lên gặp Bác sĩ Trưởng ty để hỏi cho ra lẽ vì sao tôi bị đổi trong khi tôi làm việc rất tận tâm và không phạm một lỗi lầm nào cả, tôi muốn chắc chắn phải có một lý do chính đáng, chồng tôi đang ở quân trường tôi không thể đưa con tôi lên tận rừng sâu nước độc như vậy được. Ông trưởng ty trả lời quanh co không rõ ràng và ông gần như không nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi bỏ nhiệm sở đưa hai con về quê, gởi hai cháu cho ông Ngoại cùng các cậu mợ của hai đứa con thơ, tức tốc bay thẳng vào Sài gòn đến ngay Bộ y tế trình diện và xin được gặp ông Chánh văn phòng bộ Y Tế để trình bày mọi việc và xin Bộ cứu xét. Tôi có trình bày về tình hình an ninh tại địa phương Dacto, dân chúng đang kéo nhau chạy về thành phố lánh nạn, đâu có ai cần đến một Nữ Hộ Sinh làm gì, dầu sao đi nữa cũng đã có cô đỡ hương thôn người địa phương săn sóc cho một số dân cư nhỏ ở đó rồi, dân đang cần quân đội để bảo vệ họ. Và chồng tôi đang thụ huấn tại quân trường Thủ Đức. Ông Chánh văn phòng ngồi nghe tôi trình bày một cách chăm chú, thỉnh thoảng hỏi tôi một vài câu để xét đoán sự việc rồi ghi chú vào một hồ sơ đang để trước mặt ông, có vẻ cảm động về hoàn cảnh hiện tại của tôi. Ông bảo tôi có thể trở về nhiệm sở và ở đó làm việc chứ không cần đi Dacto. Tôi từ chối vì không muốn làm việc dưới quyền ông Bác sĩ trưởng ty đó nữa. Ông nhìn tôi cười và nói ông hiểu và thông cảm cho tôi lắm. Ông hỏi thêm vài câu về các con tôi hiện tại như thế nào, tôi thành thật nói hết cho ông nghe, ông nghe xong bảo tôi: “Thôi bà về ngoài trung với các cháu, để đây tôi sẽ giải quyết cho bà”. Tôi cảm ơn ông Chánh văn phòng, đi ra mà nghe phơi phới nhẹ nhỏm trong lòng. Hôm sau ra chợ Bến Thành mua cho mỗi đứa con một bộ áo quần thật đẹp rồi trở về Hội An ngày hôm sau.
Chồng tôi ở Quân Trường Thủ Đức ra, xin về phục vụ tại Hội An, Anh nhận nhiệm vụ đến trấn thủ ở Cẩm Nam dưới quyền chỉ huy của một Đại úy Đại đội trưởng. Có lần qua Cẩm Nam thăm chồng ở ngoài tiền đồn, tôi đi lang thang ngó đây ngó đó trên những đường hầm chung quanh, một anh lính thấy vậy gọi tôi rối rít: “Chị Hai ơi, xuống đi, coi chừng bị bắn sẽ ”, tôi quay lại thấy anh quân nhân, thường hay đi với chồng tôi mỗi khi Anh về thăm vợ con, đứng cạnh chồng tôi tay vẫy miệng cười. Vội vàng tôi tuân lệnh bước xuống ngay không dám chần chừ tự nhủ thầm: “sao mình ngu quá để chồng và bạn lo lắng, đáng lý mình phải biết chuyện đó mới đúng!”.
Chồng tôi thường di chuyển vị trí chứ không ở hoài trấn giữ một nơi, có lần Anh đóng quân ở căn cứ địa đầu đi vào thành phố Hội An, một đêm nọ tôi nằm ngủ bỗng giật mình nghe súng nổ thật nhiều về hướng đó, tôi hồi hộp quá. Thì quả đúng nơi anh đóng quân bị Việt cộng tấn công, hai bên bắn nhau đến sáng, Anh và các quân nhân giữ được tiền đồn. Lúc anh về, bước vào nhà vứt “ba lô” vào một góc rồi anh nằm lăn ra giường. Tôi biết Anh đang rất mệt nên cố giữ im lặng. Một lúc khá lâu anh ngồi dậy kể lại chuyện bị tấn công đêm qua Việt cộng bị bắn chết khá nhiều, mà họ vẫn cứ tràn lên, hết lớp này đến lớp khác, đến sáng mới chịu rút lui, rồi các sĩ quan cao cấp trong chính quyền đến thăm ủy lạo và gắn huy chương. Sau trận đánh này anh có ba ngày phép ở nhà với vợ con. Anh cao như cây tre và ốm như con cò, trông thương quá. Tôi thật lo cho tánh mạng của chồng tôi ngoài chiến tuyến. Sau một thời gian ở ngoài tiền đồn đi hành quân tứ hướng ở Hội An, chồng tôi được chuyển về đơn vị không tác chiến tại tiểu khu Quảng Nam. Lúc bấy giờ tôi được sự vụ lệnh của bộ Y tế chuyển vào làm việc ở Tam Kỳ, tôi đi cùng chồng vào Tam Kỳ nhận nhiệm sở trong lúc tôi mang thai bé Hòa hơn năm tháng. Chúng tôi được hai vợ chồng người cháu gái của chồng tôi, Phương Khanh, cũng là bạn cùng khóa 5 Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, tiếp đón nồng hậu và Phương Khanh đã mở rộng vòng tay cho tôi ở trọ nhà Phương Khanh chờ đến ngày sanh.
Tam Kỳ cũng thuộc tỉnh Quảng Nam, cách Hội An hơi xa nên tôi phải sống xa chồng con, chỉ về thăm gia đình vào mỗi cuối tuần. Theo lệnh cấp trên chồng tôi vào Sài gòn học về hành chánh tài chánh, khoảng ba tháng. Khóa học hành chánh chấm dứt, tôi ngỡ anh sẽ trở lại Hội An, nhưng không, Anh viết thư cho biết là Anh được đưa đến phục vụ tại Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu! Vậy là chúng tôi lại xa nhau nữa. Lúc chuyển dạ bé Hòa Anh Chị Mai Hụê đưa tôi vào Bảo Sanh Viện Hội An, vào buổi chiều nhưng đến tối mới sanh và cô Hồ Thị Bán, bạn cùng khóa 5, là người đỡ sanh cháu Hòa, ngày 04/08/1969, Cháu bé tí teo, cân chỉ được hai ký mốt bốn chục, cô Bán nói: “may mà Quế lên bàn sanh kịp chứ không thôi là sinh rớt rồi đó”. Phải nuôi cháu trong lồng kính, thấy cháu không khóc không bú tôi buồn quá nên khóc hoài. Chị Mai vào thăm khuyên không nên khóc, Chị nói:
-“Em mới sanh mà khóc hoài không tốt đâu, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm thần nhiều lắm”. Tôi vừa khóc vừa nói:
-“Em cũng biết vậy chứ, nhưng không làm sao ngăn được nước mắt, Bố cháu đang ở xa chị biết không, thương con quá đi thôi!
Ba hôm sau “hắn” mới bắt đầu bú nhưng rất ít, rồi lại ngủ nữa, có khổ không chứ! hai bầu sữa bắt đầu căng rồi đó, phải đi mượn cái hút sữa chứ không thôi con không bú thì sữa cũng từ từ giảm dần rồi hết luôn thì làm sao đây. May quá đến hôm sau “hắn” bú lâu hơn, lúc đó tôi mới yên tâm đưa cháu về nhà.
Còn tiếp,
DTQT. 23/11/2018.
Quế và Bé Hòa ở bãi biển Vũng Tàu