CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp theo 2)

Cùng Bạn Đọc,

     Đây là phần tiếp theo thứ hai của “Chuyện Đời Tôi”. Như đã hứa trong bài trước Dã-Thảo cố gắng đưa bài hát “Kỷ Niệm” của Phạm Duy do Tống Mai gởi DT vào, để tặng lại các Bạn Đọc cùng nghe. Dã-Thảo copy thêm phần trên cho Các Bạn nghe trọn bài hát của Phạm Duy do Ca sĩ Thái Thanh trình bày. 

Cho tôi lại ngày nào 
Trăng lên bằng ngọn cau 
Me tôi ngồi khâu áo bên cây đèn dầu hao 
Cha tôi ngồi xem báo; Phố xá vắng hiu hiu 
Trong đêm mùa khô ráo tôi nghe tiếng còi tàu 

Cho tôi lại chiều hè, tôi đi giữa đường quê 
Hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre 
Thấp thoáng vài con nghé, 
Tiếng nước dưới chân đê 
Tôi mê trời mây tía không nghe mẹ gọi về 

Cho tôi lại nhà trường, bao nhiêu là người thương 
Không ai thù ai oán, ai cũng bảo tôi ngoan 
Tôi yêu thầy tôi lắm, nhớ tiếng nói vang vang 
Tôi theo tà áo trắng, cô em bạn cùng đường 

Cho tôi lại một mùa mưa rơi buồn ngoại ô 
Đêm đêm đèn trong ngõ soi sáng mảnh tim khô 
Tôi mơ thành triệu phú cứu vớt gái bơ vơ 
Tôi mơ thành thi sĩ đem thơ dệt mộng hờ 

Cho tôi lại còn nhiều cho tôi lại tình yêu
Tôi không đòi khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu
Cho tôi lòng non yếu dễ khóc dễ tin theo
Cho tôi thời niên thiếu cho tôi lại ngày đầu

Cho đi lại từ đầu chưa đi vội về sau
Xin đi từ thơ ấu đi vui và bên nhau
Trong tim thì sôi máu khóe mắt có trăng sao
Bông hoa cài trên áo, trên môi một nguyện cầu

Gởi Dã Thảo bài “Kỷ Niệm” của Phạm Duy:
https://phamduy.com/vi/album-mp3/P/33-pham-duy/716-100-tinh-khuc-cua-mot-doi-nguoi/8799-ky-niem-thai-thanh

Chuyện Đời Tôi (tiếp theo)

    Năm 1963, tôi và ba người bạn cùng khóa bị cảnh sát “mời” vì vận động tổ chức để sinh viên trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia Huế đình công ủng hộ cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo. Chuyện là thế này:

     Trước ngày lễ Phật Đản hai ngày chính quyền cấm treo cờ Phật giáo, chỉ được treo ở chùa thôi chứ không được treo ở những nơi công cộng. Quý Thầy họp khẩn cấp tại chùa Từ Đàm để phản đối chính quyền. Ngày hôm sau 07/05/1963 có lệnh chính quyền hạ cờ Phật giáo, nhà ai có treo cờ cũng bị giật lấy xé và vứt xuống đất. 08/05/1963 (mồng tám tháng tư âm lịch) là ngày lễ Phật Đản, tôi đi chùa Diệu Đế. Tối đêm đó đi cùng với các bạn đến đài phát thanh Huế để nghe diễn văn mừng ngày Phật Đản của Thượng Tọa Thích Trí Quang ở Chùa Từ Đàm, được thu âm lại như thường lệ. Chờ hoài không nghe phát thanh bài diễn văn mà chỉ có nghe nhạc không thôi, đài phát thanh cho biết vì lý do kỷ thuật nên từ chối phát thanh bài diễn văn. Đến chín giờ tối người ta tụ tập rất đông ở đài phát thanh. Trong khi chính quyền đang cùng thầy Thích Trí Quang và một số các thầy khác đang thảo luận bên trong, tôi thấy binh lính và xe tăng bọc thép đang điều động đến đài phát thanh dùng vòi rồng giải tán đám đông. Bỗng có tiếng nổ lớn xảy ra trong khuôn viên đài phát thanh làm tình hình rối loạn. Xe tăng và lính bắt đầu nổ súng, chúng tôi bỏ chạy về nội trú, vì ký túc xá trường NHSQG không xa đài phát thanh lắm. Có bạn rủ đi chùa Từ Đàm nhưng nghe đâu đường lên Từ Đàm đã bị chặn lối không đi được. Thôi đành ở nhà chờ nghe tin tức nói gì vào ngày mai vậy. Tin tức cho biết sự việc xảy ra ở đài phát thanh tối vừa qua kéo dài đến mười hai giờ khuya mới vãn hồi. Chúng tôi được truyền tai nhau nghe là có nhiều người chết và bị thương nằm trong khuôn viên đài phát thanh. Xe cứu thương đến chở tất cả những người chết và bị thương đến bệnh viện. Đêm đó các lãnh đạo Phật Giáo họp khẩn cấp và lo cầu siêu cho các nạn nhân tại đài phát thanh. Sau đêm bị bắn và đàn áp ở đài phát thanh, tín đồ Phật Giáo Huế biểu tình tố cáo chính quyền tàn sát tín đồ. Chính quyền Ngô Đình Diệm “đổ thừa” là Cộng sản miền Bắc xúi dân biểu tình. Thượng Tọa Thích Trí Quang và Tỉnh Trưởng tỉnh Thừa Thiên kêu gọi Phật tử giải tán biểu tình. Cuộc tranh đấu của Phật Giáo bắt đầu sau lễ Phật Đản vào ngày 10/05/1963. Chính quyền bắt giam các vị lãnh đạo tinh thần Phật Giáo, quý thượng toạ và sinh viên tranh đấu.

     Công chúng ủng hộ cuộc đấu tranh chống kỳ thị Phật Giáo bằng cách đình công chợ búa, trường học, công ty xí nghiệp và công sở. Viện Trưởng viện Đại học bị cách chức vì ủng hộ phong trào Phật Giáo tranh đấu: Bất bạo động, Không chống chính phủ, Không kỳ thị Thiên Chúa Giáo, Tự do tín ngưỡng và Bình đẳng tôn giáo. Sau đó các trưởng khoa Y khoa, Luật khoa, Khoa Học Sư Phạm, Văn khoa, và rất nhiều giảng viên Đại học ra thông cáo từ chức. Phong trào bất hợp tác trở nên toàn diện tại Huế. Muốn đến chùa Từ Đàm rất khó khăn, vì thành phố ban hành lịnh giới nghiêm. Tôi và vài bạn cùng lớp đến bịnh viện thăm những Phật tử bị thương và một sinh viên bị công an mật vụ đánh đập thật tàn nhẩn. Thật là quá xúc động nên tôi trở lại trường đứng ra vận động các bạn họp lại, bàn định về việc Đình Công ở trường NHSQG, chúng tôi được các bạn hưởng ứng nhiệt liệt, và thành công. Chúng tôi không vào nhận phiên trực ngày hôm sau. Lẽ dĩ nhiên chỉ có sinh viên đình công thôi chứ nhân viên y tế vẫn làm việc như thường lệ. Sau ngày đình công một thời gian chúng tôi đang ngồi trong lớp chờ giờ học lý thuyết thì có hai Công an Mật vụ vào hỏi vài câu về việc ủng hộ phong trào đình công đấu tranh của Phật Giáo và hỏi ai là người có trách nhiệm trong việc này? Tôi đứng lên nhận ngay tôi là người đã đứng ra trước lớp nói chuyện “Chính quyền đàn áp đánh đập Phật tử”, và chúng tôi cùng đồng lòng về việc đình công. Họ “mời” tôi bước ra ngoài,  nhưng sau đó tôi thấy có chị Thạch Ngọc, An và Bán cũng ra theo. Vậy là bốn cô sinh viên được cho phép về phòng soạn một ít đồ dùng cần thiết và theo họ về Ty Cảnh Sát Thừa Thiên Huế để tiện việc thẩm vấn. Thế là chúng tôi “Xộ khám”! Tôi thật sự không nhớ rõ ngày nào nhưng có lẽ vào khoảng giữa tháng 07 năm 1963.

     Vào đấy rồi mới thấy không phải chỉ có chúng tôi bị “mời”! Còn có rất nhiều sinh viên ở trường đại học Huế, một chị tiểu thương ở chợ Đông Ba cũng có mặt, hình như chị bị công an đánh thì phải vì chúng tôi thấy chân tay chị bị bầm nhiều chổ. Tôi và ba người bạn gái chưa bị tra hỏi gì cả, nhưng lúc mới đưa vào “họ” nhốt chúng tôi riêng biệt mỗi người vào một phòng giam nhỏ, không có cửa sổ, chỉ có một ô vuông, nhỏ hơn nửa trang giấy học trò, có song sắc thật chắc. Thỉnh thoảng tôi đưa mũi vào ô vuông để thở, tìm một chút thoáng khí chứ không thôi cảm thấy ngột ngạt quá. Buổi tối đèn điện vẫn để sáng trưng nên tôi không tài nào ngủ được. Hôm sau lúc trời gần tối “họ” đến mở phòng giam đưa tôi đi làm tờ khai, tôi thật sự khai hết những gì thấy được ở đài Phát Thanh…và buổi họp tại trường NHSQG mà tôi là người đứng ra nói chuyện đình công với các bạn. Thêm một ngày sau hai bạn tôi được chuyển đến giam chung với tôi, bạn Bán được trả lại tự do. Ba “cô” chụm lại mừng rỡ nên tối đến mãi nói chuyện quên cả ngủ, có muốn ngủ cũng không được vì đèn sáng quá. Mỗi tối chúng tôi đều bị kêu lên “Phỏng vấn”, riêng biệt mỗi đứa một phòng với một công an thẩm vấn khác nhau. Tôi thành thật khai rằng: vì quá xúc động khi thấy nhiều sinh viên tín đồ Phật giáo bị đánh đập tàn nhẫn chỉ vì niềm tin tôn giáo chứ ngoài ra không có ai xúi dục chúng tôi. Và lần nào tôi cũng khai như nhau. Thiệt tình tôi chán quá rồi, nhai đi nhai lại cũng chỉ muốn mình khai ra một vài tên việt cộng xúi dục đứng sau lưng để tóm thêm vài sinh viên nữa chứ có gì đâu. Nhưng tôi có theo Cộng sản đâu, tôi cũng không biết ai là cộng sản. Tôi có cái đầu và trong đó còn có cái não biết nhận thức nữa mà. Tôi còn có một trái tim chứa rất nhiều tình yêu của cái Gia Đình Nối Dài của tôi, một gia đình mà ai là người mới đến Hội-An cũng tưởng chúng tôi là anh em cùng một Mẹ, và nhờ cái tình thương bao la của Mẹ tôi đối với các anh và với tất cả mọi người trong gia đình khiến tôi trở thành một người lúc nào cũng chỉ muốn chia xẻ tình yêu cho mọi người. Và tôi là một Phật tử, rất là Phật tử, nên tôi học về tình yêu và thực tập tình yêu thật nhiều chứ chưa học ghét và thực tập ghét bao giờ.

     Cả ba bị giam vài hôm rồi được đưa ra một gian nhà thật rộng không có ngăn phòng ốc gì cả, cũng ở trong khu vực trại giam của Ty Cảnh Sát, được ở chung cùng các sinh viên, học sinh, tiểu thương và có một bác trai lớn tuổi hơn chúng tôi nhiều, cũng bị đưa vào đó, tôi không đếm có bao nhiêu người chỉ biết là đông thôi. Chúng tôi chia khoảnh và trải chiếu để nằm, từng nhóm nam nữ tách riêng, được nói chuyện với nhau, tự do đi lại trong sân. Ăn uống có trại giam lo. Mỗi ngày chúng tôi thay phiên nhau lên văn phòng để cảnh sát hỏi cung từng người. Chúng tôi bị giữ lại trung tâm cảnh sát đó ba tháng không hề biết được tin tức ở ngoài thế nào mặc dầu các bạn có thân nhân đến thăm. Tôi không có thân nhân ở Huế nên không có ai thăm cả. Tôi cũng không thấy buồn hoặc lo lắng gì. Chính quyền và công an cảnh sát đã dò xét lý lịch của tất cả chúng tôi quá rõ và đều biết chúng tôi là những thành phần nào trong xã hội, không thuộc thành phần nguy hiểm chống chính phủ nhưng họ phải giam chúng tôi tập trung chúng tôi lại một chỗ có người canh gác theo dõi những hoạt của chúng tôi. Có một lần tôi không nhớ rõ lý do, chúng tôi được tập dược văn nghệ ca hát do một sinh viên trong trại giam điều khiển. Rồi một đêm nọ công an cho chúng tôi qua trình diễn văn nghệ để ủy lạo cho tù nhân bị giam ở Lao Thừa Phủ. Lẽ tất nhiên ngoài việc ca hát chúng tôi không được phép tiếp xúc với tù nhân. Tuy nhiên đối với tôi đêm đó thật là vui vì gần hai tháng chúng tôi chỉ “trụ” một chỗ không được đi ra ngoài, không biết tin tức gì ở ngoài hết. Chúng tôi chỉ biết nhìn trời nhìn đất đi tới đi lui trước sân trại tạm giam.

     Người ta trả tự do cho An trước, sau đó không lâu tôi và chị Thạch Ngọc cũng được gọi lên văn phòng và được báo tin lành là được trả lại tự do. Thật vô cùng vui mừng vì chúng tôi bị giam giữ đã ba tháng rồi. Tôi không về nội trú ngay mà theo chị Thạch Ngọc về nhà chị ở lại một đêm. Ở trại giam ngủ có đèn để sáng cả đêm, bây giờ về nhà ban đêm tắt hết đèn nên tối thui không ngủ được, hai chị em nằm chung cười khúc khích. Cuối cùng cả hai chúng tôi nghĩ ra cây đèn dầu, chị Ngọc bước xuống đi lấy đèn dầu quẹt que diêm đốt đèn lên, chị vặn hơi sáng một chút, vừa thấy ánh sáng là hai mí mắt tôi đã díu lại với nhau rồi, chị Ngọc cũng không khác gì tôi. Vậy là chúng tôi nằm bên nhau ngủ một hơi đến sáng không nhúc nhích rục rịch! Sáng ra hai chị em nhắc lại thời gian đầu vô trại giam đèn sáng quá ngủ không được, sau ba tháng ở tù được trả tự do lại ngủ cũng không được vì không có ánh sáng, rồi cười ha hả. Sau đó chúng tôi sửa soạn trở về nội trú và tiếp tục việc học như không có gì xảy ra. Các bạn cũng chỉ chào hỏi mừng tôi đã trở lại chứ không hỏi gì nhiều đến việc tại sao bị giam lâu như vậy? Riêng tôi vẫn theo dõi tình hình trên đài phát thanh, hình như đang có gì căng thẳng lắm đây, nhưng tôi không làm sao hiểu được vì sự kém cỏi hiểu biết về chính trị và cộng đồng xã hội của tôi lúc bấy giờ. Tiếp theo đó tất cả nhóm người bị giữ lại trong cùng căn phòng lớn ở ty Cảnh sát cũng được trả lại tự do.

     Một số sinh viên và học sinh tôi quen biết trong thời gian bị câu lưu, kéo đến thăm tôi, chúng tôi vui mừng gặp lại nhau. Cả bọn kéo nhau vào phòng khách của trường NHSQG, nói đủ thứ chuyện nhờ đó tôi biết thêm về nhiều sự thay đổi trong chính trường Việt Nam lúc bấy giờ. Trong khi chúng tôi bị câu lưu thì ở ngoài cuộc tranh đấu của Phật giáo vẫn tiếp tục, có một nữ học sinh đến chùa Xá Lợi chặt bàn tay chống chính quyền, có quý Thiền-sư, Ni-cô tự thiêu, chùa chiền bị cô lập không vào ra được.

     Cuộc tranh đấu xẩy ra ở khắp nơi. Rất đông người đến chùa Xá Lợi cầu siêu cho những người tự thiêu và sau đó ở lại tham gia tuyệt thực. Còn nhiều, còn rất nhiều mà tôi thật sự không nhớ nổi. Các cơ quan truyền tin, các báo chí Mỹ đăng tin đã xảy ra ở đài phát thanh và những biến chuyển đấu tranh của tín đồ Phật giáo tại Việt nam, báo chí ngoại quốc cho rằng sự kỳ thị tôn giáo và cai trị độc tài có thể có ảnh hưởng xấu đến chính phủ Mỹ. Quân đội Việt Nam do Đại Tướng Dương Văn Minh và các sỹ quan cao cấp tổ chức đảo chánh tại Sàigòn. Chính sự độc tài gia đình trị của hai ông Diệm Nhu đã đưa đến cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963.

     Ở thềm tầng cấp trước khu nội trú, tôi và hai cô bạn cùng khóa đang ngồi kháo nhau về tin đảo chánh ở Sàigòn hôm ngày 01/11/1963 và tiếp theo 02/11/63 là tin hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị bắn chết. Thành thật mà nói chúng tôi không thấy vui khi hay tin ông Diệm bị giết. Tôi nghĩ có thể ông Ngô Đình Diệm sở dĩ đối xử không công bằng với Phật giáo và không thấy những việc làm của ông là sai trái với lòng nhân đạo, vì bên cạnh ông có Ngô Đình Nhu là người nổi tiếng độc ác và là một con chiên cuồng tín thiên chúa giáo. Có những kẻ tham quyền cố vị vây quanh ông Nhu đã thi hành những điều thất nhân tâm. Tôi nhớ lúc tôi còn nhỏ, cuộc bầu cử tổng thống giữa ông Diệm và Quốc Trưởng Bảo Đại, tôi thấy mọi nơi chỉ vận động cho ông Diệm mà thôi. Hỏi ra thì biết là Đức Bảo Đại bị cấm không cho vận động. Đã vậy hình Quốc Trưởng còn bị dán xuống đường đi cho thiện hạ dẫm lên. Và chị dâu tôi đi bầu bị giữ lại vì chị bỏ vào phong bì hình màu xanh, Quốc trưởng Bảo Đại, còn hình màu đỏ, Ngô Đình Diệm chị cho vào giỏ rác. Chị không lưu ý lúc đó đã có người nhắc nhở câu: “Xanh Bỏ Giỏ Đỏ Bỏ Bì” hay sao đó! Chị dâu đầu của tôi là con gái ông Huyện Hường ở huyện Quảng Lăng thuộc tỉnh Quảng Nam, Chị thấy hình Đức Bảo Đại là Chị bầu liền chẳng cần suy nghĩ lôi thôi. Cuối cùng anh Hai tôi phải đến bảo lãnh Chị mới được ra về. Anh Hai tôi rầy, Chị trả lời: “Ai biết đâu tưởng muốn bầu ai thì bầu chớ! Vậy sao không lên làm tổng thống cho rồi, bầu chi cho mệt”. Ba tôi nói: “Con nói phải đó, chớ Ba thấy hình “Ngài” bị đạp lên như vậy thật Ba buồn lắm, Ba sợ ông Diệm có ngày phải trả cái nghiệp này đó con, ông được “Ngài” phong làm Thủ Tướng mà làm như thế này không khác gì cướp ngôi Vua. Giọng Ba tôi buồn như có nước mắt. Nay nghĩ cho cùng: Nợ có vay có trả. Trong trường hợp hai anh em ông Ngô Đình Diệm thì đó là “Quả Báo Nhãn Tiền” vay đời này trả đời này chẳng đợi đời sau.

     Và chính vào thời điểm này tôi làm bạn với một sinh viên đi cùng với các bạn đến thăm tôi tại nội trú của trường NHSQG Huế, Anh Nguyễn Dĩnh Kỳ. Sau này Anh là chồng tôi và là Bố của ba đứa con tôi. 

     Sau này nhờ ở Úc lâu năm tôi tìm hiểu thêm về nền đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa Miền Nam VN nên tôi mới thấy rõ chính sách trị dân của gia đình họ Ngô và nhất là những gì Ông Bà Ngô Đình Nhu đã làm và thúc đẩy sau lưng Ngô Đình Diệm, nên mới đưa đến việc đảo chánh năm 1963. Tôi không thông suốt về chính trị nên không dám nói nhiều, chỉ tìm cho biết những gì có dính líu đến ba tháng “Xộ Khám” của tôi thôi, mới lôi kéo hấp dẫn tôi đọc nhiều về việc đó.

Còn tiếp,

DTQT. 21/11/2018.

Rose trắng