Cùng Bạn Đọc,
Đời người, ai cũng có lúc vui lúc buồn. Và đây là cái buồn lớn nhất, cũng là cái vui lớn nhất của tôi kể từ lúc tôi đặt chân lên đất nước này. Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”. Thành thật chúc Bạn một ngày vui,
Thân mến,
DTQT. 14/12/2018.
Tai nạn xe hơi của con trai tôi.
Đêm 21 rạng ngày 22/12/1986, tôi đang ngủ, bỗng nghe điện thoại reo, nhất điện thoại lên nghe, đầu dây bên kia là một nữ nhân viên bịnh viện Westmead báo cho tôi một tin chẳng lành: Con trai lớn của tôi, Nghị, bị tai nạn xe cộ, bị thương nặng, tôi bật khóc lớn vì quá hoảng hốt, hét lên kêu Hòa, em trai kế Nghị, nghe điện thoại. Hòa bình tỉnh nói như ra lệnh:
– “Mẹ phải “calm” con mới nghe được, đừng khóc”.
Tôi nín khóc ngay, sau đó chỉ nghe Hòa nói: “yes, yes” với người nữ y tá ở bên kia đầu dây chứ không nghe gì hết, một lúc sau mới nghe em nói: “we’ll be there, thank you”, rồi gác máy.
Hòa nói một cách lo lắng:
– “Anh không chết nhưng bị thương nặng, bất tỉnh, phải khó khăn lắm người ta mới đem anh ra khỏi xe được, bị gãy tay trái và ngang mắt cá chân phải, bị dập xương nặng, đang chờ Bác Sĩ giải phẫu ghép xương lại, chắc lâu mới lành được! Bây giờ con gọi “taxi” rồi mình vào bệnh viện Westmead với anh”.
Lúc bấy giờ là hai giờ sáng ngày 22/12/1986. Hòa gọi “taxi” đưa tôi vào bịnh viện Westmead. Chúng tôi đến nơi thấy Nghị nằm trên xe chuyển bịnh đang đợi đưa vào phòng mổ, chúng tôi không nói chuyện vì Nghị vừa ra khỏi phòng cấp cứu còn đang mệt và sắp phải mổ nơi cổ chân bị gãy dập. Chúng tôi ra về sau khi nhân viên đẩy Nghị vào phòng mổ và, trở lại bịnh viện sáng hôm sau. Nghị đang nằm ở phòng hồi sức nên chúng tôi chỉ được thăm một chốc thôi. Sau khi đưa Nghị vào phòng mổ tôi và Hòa phải quay về.
Tôi không quan tâm đến chiếc xe bị hư hại không thể sửa được phải kéo vào chỗ xe bị phế thải. Thế nhưng Hòa rủ tôi cùng đi đến chỗ để xe, xem như thế nào. Thấy chiếc xe có vẻ như còn nguyên, nhưng đầu máy bị đụng mạnh nên chân người lái xe bị kẹt, phải mất khá lâu cấp cứu mới đem Nghị ra được. Nhìn đầu xe như thế tôi bật khóc vì nghĩ đến sự đau đớn của con, làm tôi thắt cả lòng. Còn chiếc xe không thể sửa chữa được thì tôi phải chịu khó dùng phương tiện di chuyển công cộng vài tuần lễ trong lúc chờ đợi hãng bảo hiểm làm thủ tục bồi thường xong, tôi sẽ mua xe khác để có phương tiện đi lại.
Sau hơn một tuần nằm bệnh viện để điều trị, Nghị xin được về nhà, Nghị muốn về nhà trước hơn dự tính của bệnh viện. Lý do vì thân nhân của người phụ nữ lái xe gây ra tai nạn thường lảng vảng ngang chỗ nằm của Nghị, nói năng sao đó khiến Nghị e ngại, họ thuộc nhóm người Trung Đông có vẻ hung dữ và cho là Nghị gây nên tai nạn. Cháu còn trẻ mới vừa mười tám tuổi, lúc xảy ra tai nạn Nghị bất tỉnh nên không nhớ gì nhiều. Vài hôm sau một nhân viên Cảnh Sát đến nhà phỏng vấn cháu và muốn nghe cháu kể lại sự việc xẩy ra như thế nào? Nghị hồn nhiên thành thật trả lời:
– “Tôi đang lái xe và tông vào một chiếc xe trước mặt, rồi tôi bỏ chạy luôn, tôi có ngoái đầu lại và có thấy tai nạn nhưng tôi vẫn bỏ đi luôn, sau đó thì tôi không nhớ gì nữa”.
Viên Cảnh Sát cười và nói:
– “Anh bất tỉnh nằm trong xe, người cấp cứu phải lâu lắm mới đem anh ra được, rồi đưa vào bệnh viện, anh không bỏ chạy đâu cả. Người đàn bà lái xe tông vào anh, không có bằng lái xe và đang say rượu, chạy sang bên ngược chiều xe, nên bà đã tông vào anh, rất may anh còn sống. Anh không có lỗi gì cả, tin anh biết”.
Sau khi viên Cảnh Sát đi rồi, Nghị nói với nét mặt vui hơn mọi ngày:
– “Vậy mà mấy hôm nay con cứ tưởng là lỗi của con, vì con nhớ là con có quay đầu lại con có thấy một người đàn bà bị thương, rồi con chạy luôn, trong bụng lúc đó con nghĩ: “kệ mày” rồi con không nhớ gì nữa. Con xin về nhà sớm cũng vì sợ người Trung Đông hung dữ, họ có thể cho là lỗi của con rồi hành hung con thì sao!”.
Nghe Nghị kể vậy tôi lại càng thấy thương con làm sao vì, biết con mình đã chết rồi trong lúc đó, linh hồn con rời thể xác nên con mới quay lại nhìn, thấy tai nạn và người bị thương, may nhờ được xe cấp cứu đưa vào bịnh viện kịp thời nên tôi mới còn cơ hội gặp lại con. Nếu Nghị đi không trở lại, không biết lúc bấy giờ tôi sẽ ra sao? Và không biết tôi có còn đứng vững cho đến ngày hôm nay không!
-“Nghị ơi! Viết đến đây mà Mẹ không cầm được nước mắt đó con, nghĩ lại ngày con bị tai nạn Mẹ thật quá lo lắng buồn rầu ăn không được ngủ không yên. Nhưng ngẫm đi nghĩ lại Mẹ cũng mừng vui vì con đã không bỏ Mẹ đi luôn không về. Mẹ thương con nhất trong đời Mẹ, lẽ dĩ nhiên Mẹ rất công bằng Mẹ thương các con bằng nhau, nhưng trong trường hợp này Mẹ phải nói là Mẹ thương con nhiều hơn và, Mẹ một lần nữa cảm ơn con vì Con đã không bỏ Mẹ đi luôn không về”.
**********
Mãi đến năm 1990 tôi mới về thăm gia đình, sau mười ba năm xa quê hương. Mẹ chồng tôi đã qua đời ở tuổi tám mươi lăm và tôi về thăm vừa đúng dịp làm tuần năm mươi ngày của Bà Nội các cháu tại chùa Vĩnh Nghiêm. Chồng tôi đưa người đàn bà và ba đứa con cùng cha khác mẹ với các con tôi từ Vũng Tàu lên Sài-gòn làm tuần cho Mẹ, tôi gặp gia đình riêng của anh, chào hỏi tử tế chứ không lạnh nhạt. Tôi để tang cho Mẹ chồng đúng theo nghi lễ và, đứng bên cạnh Bố các cháu ở hàng trên. Ông Cụ, lúc bấy giờ đã chín mươi tuổi, vẫn có thể đứng chủ lễ năm mươi ngày cho Bà Cụ. Mắt Cụ vẫn sáng, đọc sách không mang kính mắt, lạ quá Ba à.
Vì phương tiện di chuyển lúc bấy giờ không được an toàn nên tôi chưa dám về ngoài trung, Hội An, để thăm bà con. Tôi đánh điện tín mời Anh Chị Hụê Mai, đi Sài gòn một chuyến cho vui. Tôi ở Sài Gòn một tuần, chờ Anh Chị Mai từ Huế vào để tôi được thăm Anh Chị. Rồi chúng tôi cùng về Vũng Tàu, nơi mà vợ chồng tôi, gia đình tôi, có thật nhiều kỷ niệm, không biết kể làm sao cho hết đây! Vũng Tàu, với tôi, lúc nào cũng đẹp. Bãi trước, Bãi sau, Bến đình, Bến đá, Thích Ca Phật đài. Chúng tôi về Vũng Tàu ghé lại một khách sạn gần Bệnh viện Lê Lợi, nơi tôi làm việc ngày trước, sau đó tôi đi cùng với Kiến đến thăm gia đình của chồng tôi, vợ anh và ba đứa con, một gái hai trai. Các cháu đã lớn, cháu gái lớn nhất được mười hai tuổi, cháu trai kế mười một tuổi và cháu thứ ba mười tuổi. Nhờ có Em trai Út của tôi, em Kiến, đi cùng tôi trong chuyến đi này vì thế cho nên tôi cũng đỡ thấy ngỡ ngàng. Viết đến đây tôi thấy nhớ em tôi quá, vì Em tôi mới qua đời cách đây không lâu, tôi nhớ như Kiến vẫn còn ở đâu đó và, có một điều lạ là từ ngày Kiến mất cho đến bây giờ, gần hai năm rồi, tôi không bao giờ nằm mơ thấy Kiến về thăm. Không giống như lần tôi mất Mẹ, tôi nằm mơ thấy Me tôi về thăm tôi, gần như là hằng đêm, cho đến ngày tôi lập gia đình và liên tiếp ba năm như vậy cho đến khi có bé Phước Duyên thì Me tôi không về trong giấc mơ thăm tôi nữa…
Tôi ở lại Việt Nam bốn tuần. Vì có Anh Chị Huệ Mai từ Huế vào nên chúng tôi dời đến tạm trú trong một khách sạn có phòng rộng hơn, khách sạn nằm ở Bãi Trước, bãi biển Vũng Tàu. Chồng tôi thường đưa ba đứa con của anh đến khách sạn thăm tôi, thấy chúng ngây thơ nô đùa chạy lên chạy xuống bằng thang máy trong khách sạn một cách thích thú tôi cũng vui lây và cũng có cảm tình. Chúng tôi dành thời gian đưa chúng đi du ngoạn các thắng cảnh Vũng Tàu và có chụp một số hình để kỷ niệm trong chuyến về thăm Việt Nam này. Tôi lồng vào đây vài hình ảnh mà Đan Thư, em cùng cha khác mẹ với các con tôi, mới chuyển qua email cho tôi vài tháng trước đây.
Tôi vẫn còn nuôi hy vọng Bố các con tôi sẽ đi đoàn tụ với gia đình nên tôi vẫn còn giữ hôn thú với chồng tôi, nhưng tôi không ngờ sau chuyến về thăm đó là lần cuối tôi còn gặp mặt anh theo nghĩa vợ chồng.
Năm 1991, sau khi được tin từ thư của một người thân trong gia đình, viết vào ngày 17/06/1991, báo tin như sau: “Vấn đề xuất cảnh của Anh Kỳ là “không thể được”, mà Anh Kỳ và Ba đã dấu không cho Chị biết. Lý do: Ly hôn thì B. Không chịu. Anh Kỳ đi du lịch để Duyên Nghị Hòa và Anh Kỳ gặp nhau = Cha con gặp nhau, B. cũng không đồng ý vì sợ Anh Kỳ ở Úc luôn. Lúc chị gởi tiền về cho Anh Kỳ để lo giấy tờ thì Anh Kỳ lại dùng tiền đó cọng với tiền hợp tác của Anh T. Chị L. để lập một Kiosque bán đồ lưu niệm…sau khoảng 7,8 tháng buôn bán thua lỗ, Anh Kỳ rút lui, giao hoàn toàn cho vợ chồng người cháu quản lý Kiosque. anh Chị T.L. sẽ trả dần phần hùn của Anh Kỳ. Lại thêm một điều nữa có lẽ nói ra thì chị rất buồn nhưng bắt buộc em phải nói đó là: B. đến tháng sau thì sanh thêm đứa nữa. Sự việc này em cũng mới biết cách đây mấy hôm thôi. Vấn đề xuất cảnh của Anh Kỳ là “không thể được”. Trước giờ em luôn luôn đứng về phía Chị vì thế Anh Kỳ và B. không thích em, xin Chị giữ kín những điều em đã nói cho Chị biết. Chị đừng vội vàng viết thư về Vũng Tàu”. Tiếp theo đó là thơ của chồng tôi, bảo phải gởi nhiều tiền hơn nữa thì Anh mới có thể chạy giấy xuất cảnh được, trong thơ Anh còn viết thêm: “Có tiền mua Tiên mới được”. Biết lý do vì sao Anh không đi quá rõ, nên đến năm 1992, sau hơn mười lăm năm xa quê hương và chờ đợi, tôi làm đơn xin ly dị với chồng tôi, không đắn đo suy nghĩ gì nữa cả. Tôi nhất định nhìn thẳng về phía trước không quay mặt lại! Các con tôi cũng đồng ý về việc này, Nghị là người tán thành nhất, Nghị nói một cách tự nhiên: “Đáng lẽ Mẹ phải ly dị Bố từ lâu rồi chứ không phải đợi đến bây giờ, Mẹ “ngu” lắm”. Trời, con trai nói Mẹ “Ngu”, Nghị biết mình nói quá lời nên sau đó không nói gì thêm, tôi hiểu con tôi muốn nói gì nhưng, tôi chỉ cười chứ không thấy giận Nghị tí nào, tôi tha thứ hết cho con tôi. Các con tôi, có đứa nào chưa làm tôi buồn đâu? Để tâm giận hờn hoài chỉ mệt thôi, sống làm sao được.
Có người yêu khác chủng tộc, đó cũng là lý do khiến tôi dứt khoát làm đơn xin ly dị chồng. Tôi tự mình đem đơn ra văn phòng tòa án nộp, không nhờ luật sư, vậy mà nhân viên tòa án vẫn chấp thuận nhận đơn của tôi. Trong trường hợp của tôi thì quá dễ dàng, hai cái giấy khai sinh của hai con anh (năm 1992 không phải hai mà là bốn rồi) và cái hôn thú của anh với B. là quá đủ chứng cớ nên tôi được miễn nhờ người làm chứng. Lúc đó tôi mới xin thôi việc với AMP nên tòa án cho miễn đóng lệ phí, xem như tôi đang thất nghiệp nên không tốn kém gì cả. Không bao lâu sau đó tôi được tòa gọi đến lấy một tập hồ sơ bắt tôi phải gởi về Việt Nam cho chồng tôi ký vào đơn mới được. Tôi gởi bản chính về Sài gòn, nhờ Em Kiến đem xuống Vũng Tàu và, dặn Kiến là phải có chữ ký của hai người làm chứng nữa. Em Kiến hoàn tất giấy tờ, với Kiến và Chị Liên ( Chị ruột của chồng tôi) ký, làm hai người chứng, xong Kiến gởi trở lại cho tôi. Tôi trình tòa và được nhận ngay. Đến ngày xử tôi được phép vắng mặt không ra hầu tòa. Sau đó không lâu tôi nhận được giấy chứng nhận đã ly dị chồng do văn phòng gởi đến ngay địa chỉ của tôi. Vậy là chúng tôi thật sự chấm dứt không còn liên hệ gì với nhau nữa.
Bây giờ tôi kể chuyện tại sao tôi gặp Cái “Ông” Bạn khác chủng tộc khó tính của tôi nghe cho vui một chút. Chuyện như thế này: Tôi có một Chị bạn đồng nghiệp, Nữ Hộ Sinh, lúc còn ở VN, chồng chết vì đi vượt biên, lâu rồi, bấy giờ Chị được các con vượt biên đến Úc khá lâu, đã có quốc tịch, bảo lãnh cho Chị được đoàn tụ với các con. Chúng tôi thường gặp nhau trò chuyện bao đồng, Chị vì không có việc làm nên than buồn và cô đơn, Chị nhờ tôi giới thiệu cho Chị một người bạn. Chị qua hơn một năm không đi làm nên Anh ngữ cũng còn kém. Tôi nói:
– “Nếu chị quen với người mình, tối ngày cứ nói tiếng Việt với nhau thì chị có ở đây mười năm mà không đi làm chị vẫn không nói được tiếng Anh hoặc có nói cũng nói không đúng mặc dầu có kèm theo cả động từ “To Quơ” nữa, cũng không ai hiểu”. Tôi kể cho Chị nghe hồi tôi mới đến Úc, đi làm trong xưởng cũng phải nói tiếng Anh, ấy vậy mà khi nói chuyện với con trai tôi, Hòa, bằng tiếng Anh qua điện thoại. Nó nói: – “Mẹ cứ nói tiếng Việt đi, con hiểu mà”. Trong lúc đó nó vẫn nói tiếng Anh với tôi, tôi vẫn hiểu. Tôi hỏi: – “Tại sao?” Nó nói: – “Mẹ nói tiếng Anh “kỳ quá” con hiểu không được”. Sau này tôi mới biết là mình nói không đúng giọng và nói sai văn phạm, tức là: “broken English”. Tôi nói với Chị Bạn là, tôi sẽ đưa Chị đến một văn phòng giới thiệu hôn nhân để tìm cho Chị một người Úc để Chị học tiếng Anh cho luôn thể. Chị cười nói: -“Rồi làm sao mình với “Ổng” nói chuyện với nhau?”. Tôi nói nửa đùa nửa thật: -“Em ngồi ở giữa làm thông dịch”. Vậy là hai chúng tôi ôm nhau cười muốn vỡ bụng. Chị suy nghĩ một lúc, cuối cùng Chị đồng ý. Chị cũng có học tiếng Anh ở VN hồi còn đi học, tuy nói và nghe chưa được chứ viết thì cũng không đến nỗi tệ, cứ thử đi! Thế là một hôm, hai Chị Em hẹn nhau đi đến văn phòng giới thiệu…Chị được văn phòng giới thiệu với một người Úc rặt, nghĩa là không có lai với ai hết. Chị muốn hẹn lần đầu tiên tại nhà tôi chứ không chịu hẹn ở đâu cả. Nghĩ Chị cần sự yên tâm vì có tôi bên cạnh nên tôi đồng ý không ngần ngại gì cả. Tôi thật sự giật mình khi thấy ông bước vào nhà vì cái dáng quá cao to của ông, phải nói là cao to gấp hai lần Chị Bạn. Hôm đó tôi làm thông dịch cũng được lắm, không cần phải dùng đến động từ “To Quơ”. Hôm sau tôi đi với Chị trở lại văn phòng giới thiệu, cho họ biết là Chị đã bằng lòng. Bà chủ thấy tôi ngồi đó một mình nên đến làm bạn, hỏi tôi đủ thứ. Tôi nói tôi bán bảo hiểm, tôi trao cho Bà tấm thiệp của tôi và nói nếu cần bảo hiểm gì gọi cho tôi với, bất cứ lúc nào cũng được. Tôi không ngờ tấm thiệp báo hại tôi, bà ta cứ theo số phone gọi tôi nói chuyện hoài gần như là mỗi tối. Liên tiếp như vậy đúng một tuần khuyên tôi đừng ở vậy, buồn lắm. Văn phòng có một thân chủ rất dễ thương, hơn một năm rồi văn phòng giới thiệu rất nhiều người nhưng lần nào cũng bị “hắn” từ chối vì lý do này hay lý do khác, Văn phòng muốn đầu hàng luôn. Rồi từ hôm gặp “you” Văn phòng muốn giới thiệu “you” với người này nhưng “you” lại không ghi tên tìm bạn nên “I” phải làm bạn với “you” để tìm hiểu trước. Bây giờ “I” khuyên “you” nên có bạn đi, “I” muốn giới thiệu “you” với “hắn”. Tôi bật cười ha hả từ chối liền, bà cũng chưa chịu thua nói hoài dai nhách. Qua đêm sau bà ta lại điện thoại nói nữa, nói nữa…Cuối cùng tôi xiêu lòng nên “said yes”, bà ta thích chí nói to “Good girl” ở bên kia đầu dây. Vậy là tôi đã tự mình đem cái tròng đeo vào cổ rồi còn gì nữa.
Tính đến nay, 2018, tình thân giữa chúng tôi kéo dài hai mươi sáu năm rồi, vui có, buồn cũng có nhưng chúng tôi không tính chuyện xa nhau vì cả hai đều cần có nhau vì thế chúng tôi cố hàn gắn những bất đồng về mọi lãnh vực. Xin kể bạn nghe vài chuyện xảy ra gần như hằng ngày giữa hai chúng tôi. Anh là người tây phương, lại là người Đức vì thế giờ giấc đối với Anh lúc nào cũng phải răm rắp đúng, không sai một phút. Lúc mới quen nhau chúng tôi chỉ gặp nhau vài lần trong tuần. Anh thường hay đến nhà tôi dùng cơm vào tối thứ năm lúc 5:00 Pm, không sớm hơn hoặc trể hơn, dẫu một phút cũng không. Vì thế cho nên lúc tôi có hẹn đến thăm Anh mà tôi đến trễ là Anh giận tôi ngay, tôi trễ 10 – 15 phút là chuyện thường. Tôi đi bán bảo hiểm cho công ty AMP, nên giờ giấc không đến nỗi bó buộc cho lắm, tuy vậy đối với công việc thì tôi luôn luôn cố gắng đúng giờ. Về sau này tôi xin nghỉ làm cho AMP vì nhiều lý do, về an ninh bản thân, về nhà quá khuya lái xe một mình, ban đêm đến nhà thân chủ và đến năm thứ ba sự thu nhập của tôi không đủ tiêu chuẩn của công ty bảo hiểm do đó tôi phải xin thôi việc. Danh sách thân chủ tôi nhường lại cho người bạn đã “recruit” tôi với giá của công ty chỉ định. Chúng tôi vui vẻ đồng ý.
Tôi không bị thất nghiệp vì lúc đó tôi đã là một “Beauty consultant” dưới “Unit” của Bà Porta rồi. Tôi trở thành một người đại diện cho công ty Mỹ Phẩm Mary Kay không có gì khó khăn lắm. Công việc này thích hợp với tôi và an toàn hơn, tôi hướng dẫn về săn sóc da và trang điểm cho các chị em phụ nữ Việt Nam và các sắc tộc khác. Tôi mở những lớp hướng dẫn dưỡng da và trang điểm cho phụ nữ trong cộng đồng Việt Nam. Các nhân viên sắc tộc khác thấy vậy nên mời tôi đến hướng dẫn cho các sắc tộc của họ, vì thế cho nên tôi luôn bận rộn với hai hoặc ba lớp mỗi tuần. Tôi bận rộn với việc bán mỹ phẩm, hướng dẫn các lớp săn sóc da, huấn luyện thêm các bạn gái để đưa vào cùng nhóm. Tôi “recruit” gần ba mươi người bạn gái, vì thế tôi trở thành “Unit Director”. Với công việc bận rộn như thế, người bạn khác chủng tộc của tôi, với giờ giấc nghiêm túc, Anh trở nên một người thật quá thích hợp đã giúp cho tôi rất nhiều trong việc điều khiển “tôi” cho đúng giờ, không bao giờ tôi trễ hẹn hoặc đến lớp trễ.