CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 4)

Cùng Bạn Đọc,

Mời Bạn  đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”.

     Bé Duyên thấy mẹ và em về mừng quá chạy qua nhà kế bên khoe rối rít là:

  – “Mẹ về nhà rồi, mẹ đẻ một con mèo nhỏ chút xíu”, vừa nói Duyên vừa đưa hai cánh tay lên ra dấu bằng hai bàn tay cách khoảng nhau một đoạn nhỏ “có chút xíu” khiến bà hàng xóm qua thăm kể lại ai cũng cười. Tôi trải qua thời kỳ hậu sản thật buồn trong căn nhà tôi đã sinh ra và lớn lên. Ba tôi bị đau ở ngón chân nên nằm yên một chỗ không đi lại được nhiều. Cơm nước cho Ba tôi thì đã có chị Dâu vợ Anh Hai tôi lo và anh Cang săn sóc cho Ba. Tôi có mướn một bác gái để lo cho tôi và một cô gái nhỏ, mười hai tuổi, để trông, chơi với Duyên và Nghị nên tôi không đến nỗi bận bịu nhiều. Căn nhà Anh Chị Hụê Mai bị Việt cộng phá nát năm trước đó nên, gia đình Anh Chị Hụê Mai cũng sang ở cùng nhà nên tôi không đến nỗi cô đơn lắm, tuy hơi chật. Trước đó, vì thấy nhà rộng không có ai ở Ba cho mướn bớt một căn không thể lấy lại ngay được. Tôi dời lên ở chung với Anh và Chị Dâu thứ Bốn, của Ba Me, nhà rộng cho thoáng mát. Anh Chị Bốn và các cháu rất vui khi đón chúng tôi. Ở cạnh Anh Ba và Chị Ba cũng thật vui, bé Lãy cứ hay bế Nghị và kéo Duyên qua vườn sau nhà Anh Chị Ba để vui đùa nên tôi không lo các cháu ra đường, sợ xe cộ. Anh Chị Hụê Mai được di chuyển ra Huế để làm việc. Ba lại sống một mình với anh Cang! Thương Ba quá đi thôi.

     Một điều đáng nói ra lúc bấy giờ là Bộ Y Tế cho tôi lãnh cả năm lương bỏ nhiệm sở, thật là một điều vô cùng xúc động cho tôi lúc bấy giờ, tôi thầm cảm ơn ông Chánh văn phòng Bộ Y Tế, đã thông cảm cho hoàn cảnh đáng quan tâm của tôi và có lẽ ông đã hiểu vì sao tôi bị đổi đi Dacto lúc bấy giờ, vì sao tôi đã từ chối không trở về làm việc dưới quyền ông trưởng ty nọ.

     Sau khi lo xong nơi ăn chốn ở cho Duyên và Nghị chồng tôi xin nghỉ phép để về thăm vợ con. Lúc trở vào Anh đưa Duyên, Nghị vào Vũng Tàu ở với Anh và Bà Nội của hai cháu, từ Sài gòn xuống. Bà bằng lòng xuống Vũng Tàu giúp chồng tôi trong lúc chúng tôi đang ở trong hoàn cảnh bối rối này. Một lần nữa phải nói là tôi mang ơn Mẹ chồng tôi nhiều, rất nhiều. Hòa được hai tháng tôi bế con trở vào Tam Kỳ làm việc, tạm trú trong phòng trực của Khu Hộ Sinh Tam Kỳ để có thể vừa làm việc vừa săn sóc con, vừa làm đơn xin thuyên chuyển theo chồng, đó là những điều mà tôi không thể nào xao lãng được. Hòa được năm tháng rưỡi tôi mướn được một chị giúp việc nên tôi đưa Hòa cùng chị Sáu vào Vũng Tàu sống với Bà Nội và Bố cùng hai đứa con lớn Duyên, Nghị. Tôi trở lại nhiệm sở một mình. Bấy giờ tôi sống đời ở trọ, ăn cơm tháng nhà người quen, rảnh rỗi đi lang thang buồn và nhớ con quá! Không biết chị Sáu có săn sóc các con được không đây?

     Bộ Y Tế cấp cho khu Bảo sanh Tam Kỳ một chiếc xe nhỏ để đi vãng gia, nhưng chẳng có cô nào biết lái xe hơi, tôi xung phong học lái và ông Bác sĩ Trưởng ty thân hành tập tôi lái chiếc xe hơi nhỏ, chở tôi đến một cánh đồng rộng, không có xe và người qua lại. Ông nhường tay lái qua cho tôi nói tỉnh bơ:

        -“Cô lái đi đừng sợ gì hết”

Tôi hồi hộp quá nhưng cứ đánh bạo cầm tay lái rồi hỏi ông:

        -“Chạy sao đây không có đường sá gì hết làm sao chạy?”.

Ông cười nhẹ nhàng bảo tôi:

        -“Như thế mới chạy được, chạy được rồi mới chạy ra đường chứ”. Ông dạy tôi cầm tay lái thế nào, đạp ga và thắng ga ra sao. Vậy là tôi cứ làm theo sự chỉ dẫn của ông chẳng chút ngại ngần, chạy từ từ rồi nhanh dần, chạy đi đâu cũng được, miễn chạy được là được. Một tiếng đồng hồ sau tôi chạy vững, BS bảo:

        -“Bây giờ chạy về bệnh viện đi”

     Tôi hết hồn nhưng vẫn làm theo lời ông, lái xe ra đường cái, run quá nhưng tôi lái xe về đến bệnh viện an toàn, ông Bác Sĩ có vẻ bằng lòng tôi lắm, và những buổi thực tập lái xe tiếp theo của tôi được ông giao cho một anh quân nhân, tài xế lái xe cho ông. Cuối cùng tôi điều khiển được chiếc xe bốn bánh! Cảm ơn Bác Sĩ Trưởng Ty. Và sau đó những lần đi vãng gia tôi lái chiếc xe hơi nhỏ đi với một em Nữ Hộ Sinh Hương Thôn mà không phải làm bận rộn đến bác tài xế của bệnh viện nữa. Sau khi tôi rời Tam Kỳ vào Vũng Tàu hình như một chị khác tập lái xe để đi vãng gia về sau này.

**********

     Tôi bước vào nhà, Duyên thấy tôi là khóc vì mừng và hình như có hơi giận tôi thì phải vì tôi xa chúng quá lâu, Nghị đứng nhìn mẹ không nói gì vì tôi bận chạy đến với bé Hòa đang ngồi trên giường, bị bà Nội giữ cho khỏi rơi bằng một sợi dây an toàn, để Nội có thể vừa làm việc vừa có thể canh chừng cháu, bé Hòa không cho tôi ẵm vì thấy lạ. Bé được mười hai tháng mà chưa biết đi vì còn yếu. Bà Nội thật bận rộn với các cháu thấy thương quá, bà kể chuyện: “Con Sáu bỏ đi mất hai ba tháng nay nên muốn làm gì là phải “cột” hắn (Hòa) lại”. Tôi ôm lấy các con, bật khóc vì nhìn thấy hoàn cảnh gia đình mình như vậy. Cũng may là chồng tôi chỉ đi dạy học cho các con em quân nhân tại trường Thiếu Sinh Quân chứ không đi tác chiến như lúc còn ở Hội An, nhờ vậy anh cũng có thể chăm sóc các con được phần nào. Chúng tôi được chính phủ cấp nhà ở, không phải đóng tiền, trong trại gia binh trước trường, có tên là Trại Cô Giang, chỉ bước ra khỏi cổng băng qua đường là đến ngay nơi làm việc. Còn tôi, bệnh viện xa nên tôi phải đi xe “Lam” đến sở. Trạm xe gần ngay trước trại Cô Giang nên cũng rất tiện nghi.

     Sau khi trình diện nhiệm sở mới, tôi xin nghỉ một tuần để vui hưởng những gì tôi đã thiếu thốn bấy lâu nay. Chị Tư được mướn để lo việc nhà và cơm nước cho chúng tôi. Bà Nội các cháu được nghỉ ngơi, có thể ngồi yên, hoặc đọc sách đọc báo mà không bị các cháu làm rộn. Đây là khoảng thời gian tôi cảm thấy tôi thật sự hạnh phúc không còn lo âu sợ hãi nữa. Cảm ơn Mẹ chồng, tôi thương Mẹ chồng và thật lòng kính trọng Ông Bà Nội của các con tôi. Nói cho đúng vì tôi làm dâu Huế nên nếu sơ ý tí xíu là cũng có thể làm phật lòng Mẹ chồng nên bao giờ tôi cũng cố gắng giữ tròn bổn phận làm dâu cho phải đạo. Tôi nhớ có một lần tôi đi trực phiên sáng, vì quá hấp tấp nên bước ra cửa trước quên chào bà cụ, sực nhớ lại ngay, nên vội vòng lại cửa bên, làm bộ như chưa ra khỏi nhà, lên tiếng tự nhiên:

   – “Thưa Me con đi”.

   Mẹ chồng tôi mỉm cười, tay cầm quạt phe phẩy:

   – “Ừ, đi chiều về, hôm nay con trực sáng phải không, thôi con đi kẻo trể”.

   – “Dạ, thưa phải đó Me, con đi đây.”

Trời, hú vía, vậy là mẹ chồng tôi biết tôi trực sáng, vì vội vàng hấp tấp nên quên chào chứ tôi không qua mặt được Me tôi đâu nhé! Bà còn sáng suốt lắm.

   Chồng tôi là một trong các Huynh Trưởng của nhóm Hướng Đạo Sinh ở Vũng Tàu, thường tổ chức cho các em đoàn sinh đi cắm trại, trong đó cũng có một số các em ở trường trung học Thiếu Sinh Quân tham gia vào. Tình thầy trò trộn thêm tình hướng đạo nên tôi thấy các em Thiếu Sinh Quân và chồng tôi đối xử với nhau như tình anh em vậy, thật đáng quý.

     Vũng Tàu có nhiều phong cảnh đẹp, chúng tôi thường đưa các con đi du ngoạn Bãi Trước, Bãi Sau, Bãi Dâu, Thích Ca Phật Đài, có chụp ảnh rất nhiều để làm kỷ niệm, nhưng bây giờ tôi không còn giữ được tấm nào, thật lấy làm tiếc vô cùng. Thứ bảy và chủ nhật, Vũng Tàu đông người lắm, họ từ Sài gòn đi nghỉ mát, nhập cùng dân địa phương để được tắm, được bơi lội trong nước biển mặn mà mát rượi. Phải nói là tuyệt diệu, Sài gòn nóng bức ồn ào bao nhiêu thì Vũng Tàu lại mát mẻ yên tỉnh bấy nhiêu, cho nên du khách đến thật đông. Kèm theo những lúc đưa gia đình du ngoạn chứng tôi cũng nhập cùng những người đi tắm biển thật vui.

     Cũng có những giải trí khác như: mỗi khi rạp hát có quảng cáo chiếu phim Lý Tiểu Long là thế nào chúng tôi cũng kéo nhau đi xem cho bằng được, gia đình tôi ai cũng thích tài tử Lý Tiểu Long trong những phim đánh võ, một mình đánh thắng cả đám hung hăng!

     Bé Duyên đến tuổi vào mẫu giáo, rồi Nghị cũng nối chân theo chị đi học lớp mẫu giáo trong trại Cô Giang. Con gái tôi được Ông Nội, mỗi khi từ Sài gòn xuống thăm, dạy đánh cờ tướng, thường chơi đánh cờ với Ông Nội nên cũng khá về phương diện này. Thỉnh thoảng có anh Tăng học bên trường Thiếu Sinh Quân đến thăm nhà, anh và bé Duyên cũng chơi cờ tướng với nhau, có lúc bé chấp anh Tăng một xe hoặc một pháo mà vẫn thắng, vậy mới tài chứ! Anh Tăng cứ khen hoài.

     Có một thay đổi bất ngờ, cuối năm 1973 chồng tôi phải di chuyển lên Pleiku để giúp các em học sinh thuộc trường Thiếu Sinh Quân cao nguyên, vùng này có một số các em thuộc gia đình quân nhân người Thiểu Số. Chồng tôi khi ra đi có mang theo mấy cuốn album ảnh của gia đình vì thế cho nên khi cao nguyên thất thủ năm 1975 anh bỏ lại tất cả, theo đoàn người chạy loạn, chỉ kéo theo được một em Thiếu Sinh Quân người dân tộc thiểu số về đến Vũng Tàu, sau 30/04/1975 em muốn trở về Pleiku nên chồng tôi lo cho em được toại ý. Cuộc đời của vợ chồng chúng tôi thay đổi theo thời thế từ lúc bấy giờ.  

     Nước mất thì nhà tan, tất cả chúng tôi sống trong trại Cô Giang đều bị đuổi ra khỏi trại, tự tìm nơi trú ngụ ở ngoài. Bác Đàm, một người đàn bà góa tử tế, cho chúng tôi ở trọ trong căn nhà nhỏ của bà. Sau khi lo cho mẹ con chúng tôi có nơi ăn chốn ở, hai tuần lễ sau chồng tôi bị Cộng sản đưa đi học tập. Tất cả Sĩ quan và công chức cao cấp miền Nam Việt Nam đều phải đi học tập cải tạo, nói là học tập chứ thật ra tất cả bị đi tù cải tạo thì đúng hơn. Họ bảo đi học tập mười lăm ngày, nhưng sau một năm rồi hai năm cũng chẳng thấy ai được trả lại tự do. Thời gian đó tôi vẫn còn làm việc tại Vũng Tàu, ban ngày đi làm việc ban đêm đi học tập, cuối tuần đi đào mương, vét rãnh cho nước vào ruộng, nước ngập bùn lầy lên ngang lưng quần, khiến tôi lo lắng, họ gọi đó là: “làm lao động Xã Hội Chủ Nghĩa”. Ba tháng sau chúng tôi mới được lãnh lương lần đầu tiên sau ngày mất nước. Trong thời gian không lương tôi tiêu hết tiền để dành, nên đến lúc đổi tiền tôi cũng chẳng còn tiền đâu mà đổi. Lương bây giờ tính theo tiền mới, vật giá leo thang vùn vụt lãnh lương xong mua chẳng đủ ăn cho một tháng vì thế đồ đạc trong nhà đi ra vùn vụt, TV, tủ lạnh, giường ngủ đôi, áo quần giày dép sang trọng đẹp đẽ cũng bay theo, vàng vòng nhẫn hột cũng rủ nhau đi đến tiệm cầm đồ, rồi mất luôn vì không có tiền chuộc lại. Kinh nghiệm đầy mình nên những lần sau không cầm nữa, bán luôn cho rãnh nợ. Tôi bận đi làm, không có ai ở nhà chăm các con, chúng bỏ học đi chơi tôi cũng không hay biết, hôm nào trực đêm tôi đưa hết các con đến bệnh viện ở lại với tôi, không bao giờ tôi để các con tôi ở nhà ban đêm khi tôi đi vắng.

    Sau lần bị đổi qua làm việc ở các phòng bệnh truyền nhiễm, vì đi mời một Bác sĩ “Ngụy” mà không trình “Ban Lãnh Đạo”, chị Oanh nghe một bà Bác sĩ đang làm ở sở Du lịch Vũng Tàu muốn có một Nữ Hộ Sinh qua làm việc trong các khách sạn Vũng Tàu, chị giới thiệu tôi qua đó làm việc để không còn bị trù dập lệ thuộc “Ban Lãnh Đạo” bệnh viện nữa. Thôi kệ làm đâu cũng được miễn tránh được cái Ban Lãnh Đạo ác ôn này cho đỡ chán. Bước vào văn phòng bà Bác sĩ trưởng khu Du Lịch Vũng Tàu, vừa trông thấy bà là tôi muốn bước ra ngay nhưng đã gặp mặt nên đành phải ngồi xuống để được phỏng vấn. Sau phần trình bày lý lịch bà cho tôi biết nhiệm vụ của tôi là: chỉ “Thực Hành Việc Phá Thai” cho các chiêu đãi viên đặc biệt trong khách sạn, người có nhiệm vụ “đi” với khách hàng. Tôi hết hồn, rùng mình từ chối. Bà Bác sĩ hỏi tại sao? Tôi thành thật trả lời bà ta: “luật lệ trong Nam cấm phá thai, ngoại trừ trong trường hợp để cứu người mẹ vì bị động thai và băng huyết quá nhiều không thể giữ thai nhi được, hoặc mẹ bị bịnh nặng về tim, phổi, thận, ung thư v…v… không đủ sức mang thai vả lại học ngành này tôi chỉ biết dưỡng thai chứ không được phá. Vậy là bà nổi giận trả lời tôi: “Cái chính quyền miền Nam của các chị chỉ biết nói ở cái miệng chứ giết hại không biết bao người rồi. Sao phá thai chị cho là có tội? Sao chị không nghĩ đến tương lai của người con gái là sau đó họ có thể lập gia đình?”.

     Tôi lắc đầu đứng dậy chào đi ra, không thèm ngó lại. Về đến bệnh viện kể lại cho chị Oanh nghe sự việc: “Chính phủ có mở nhà điếm, chứa gái điếm nữa, nếu em qua đó thì chỉ có việc phá thai cho mấy cô gái làng chơi, do nhà nước điều khiển thôi”. Chị ngẩn người ra kêu: “Trời” rồi im luôn. Tôi về nhà ngủ không được, cứ suy nghĩ mãi quanh quẩn hoài trong trí tưởng cái tương lai lạ lùng sẽ úp xuống đầu chúng tôi, con cháu chúng tôi, cái tương lai đen tối không cùng đến thế sao?

Còn tiếp,

DTQT. 27/11/2018.

Pho co Hoi an

 

5 thoughts on “CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 4)

  1. Phục Dã Thảo nhớ từng chi tiết chuyện xưa.
    Thì ra Dã Thảo làm dâu gia đình người Huế, chỉ nghe chừng đó thôi cũng đủ mến : )
    Bức hình phố Hội An đẹp quá. Hội An bây giờ vẫn còn xinh xắn như thành phố búp bê Alice in Wonderland.

    Liked by 1 person

    1. Cảm ơn Tống Mai và các Bạn đã đến thăm trang nhà.🌹🌹😁 Hai căn nhà bên tay trái sát Chùa Cầu là nhà của hai ông Anh DT (Anh Ba và Anh Bốn). Lúc còn làm ở Tam Kỳ, về Hội An sanh bé Hòa DT ở nhà Anh Bốn mấy tháng đó Mai ơi, nhớ ghê đi!

      Liked by 1 person

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.