CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 7)

Cùng Bạn Đọc,

     Bây giờ Bạn thấy còn muốn đọc tiếp nữa không, đây là bài tiếp theo thứ 7, Dã-Thảo vẫn còn viết nữa chưa dừng được. Bên cạnh đó DT còn đọc tin tức thời sự,  email và trả lời thư cho Bạn nữa, vì thế cho nên nếu có post lên chậm xin Các Bạn cảm thông, chờ nhé. Thân mến, DTQT. 07/12/2018.

Mời Bạn đọc tiếp “Chuyện Đời Tôi”

     Tôi đến Úc với hai bàn tay trắng, học mười tuần Anh văn xong là phải lo đi tìm việc vì tôi còn bao nhiêu việc phải cần đến tiền. Nếu tôi chỉ sống với số tiền trợ cấp thì sẽ không đủ để lo cho các con, cũng không thể nào lo cho Bố của các con và chị em còn bị kẹt lại. Tôi và các con đi chợ ngày thứ bảy, để tiếc kiệm tiền chúng tôi đi chợ Flemington, chỉ mở cửa ngày thứ bảy và ngày chủ nhật, ngôi chợ đã giúp cho chúng tôi rất nhiều vì giá cả thật rẻ so với các cửa hàng bày bán ở các khu phố bên ngoài. Bốn mẹ con mang về không thiếu một món cần thiết nào cho các bữa ăn của chúng tôi. Trái cây, chúng tôi mua từng thùng chứ không phải từng ký, một thùng nho, một thùng cam, một thùng xà lách sáu bắp, ăn cả tuần không hết. Trái cây bán, chất cao đầy chợ không thiếu thứ nào cả, tha hồ lựa chọn. Thịt cá cũng rẻ và tươi hơn ở tiệm bán lẻ ở ngoài nhiều lắm. Rau cải từ các nông trại chở thẳng đến chợ, do chính chủ trồng đem ra bán nên trông còn tươi rói, thấy mà ham. Chỉ đứng nhìn cảnh chợ sinh hoạt, người bán rao hàng mời khách, người mua đủ các sắc tộc, đủ màu da, lên xuống rộn ràng, ai cũng vui vẻ vì thấy mình mua được những thức ăn vừa ý mà vẫn thích hợp với túi tiền của một công nhân. Tôi cũng thấy mình hòa theo và quên đi nỗi nhọc nhằn suốt tuần làm việc lao động bằng tay chân trong hãng xưởng. Vì thế cho nên đi chợ Flemington gần như là thú vui cuối tuần của chúng tôi vậy. Tôi thấy thật thoải mái thích thú nhìn chợ đông đúc đầy ắp kẻ bán người mua vô cùng nhộn nhịp. Con tôi lớn như thổi giày dép phải thay hoài vì chân chúng nó mỗi ngày mỗi lớn ra, có lẽ tôi phải cảm ơn cái Chợ Flemington này thật nhiều mới được.  

     Vì xưởng nhiều việc nên tôi thường nhận làm giờ phụ trội để kiếm thêm tiền rồi dành dụm để mua hàng gởi về Việt Nam cho Ông Bà Nội của các con. Địa chỉ để liên lạc về Việt Nam là nhà của người anh chồng, đó là địa chỉ mà tôi biết ở Sài gòn là có thể liên lạc được với chồng tôi mà thôi, Cha Mẹ chồng tôi cư ngụ tại đó. Tôi liên lạc được với chị tôi ở Huế và em trai tôi ở Sài gòn nên tôi càng siêng năng làm việc nhiều hơn. Chồng Chị Mai tôi đi tù cải tạo, Chị bị cho thôi việc nên không còn làm việc cho nhà Bảo Sanh Bệnh Viện Huế nữa,Chị phải kiếm tiền nuôi con bằng cách chạy theo các chuyến xe lửa buôn bán lậu. Thời buổi thật não nùng, buôn gì cũng lậu hết: gạo lậu, thịt lậu, nước mắm lậu, khiến tôi nhớ lại hồi chưa vượt biên tôi và con gái lớn đi buôn lậu mỡ heo và gạo từ Sài gòn về Vũng tàu mà ngán ngẫm cho cuộc đời. Chỉ có mười ký gạo, mười ký mỡ mà dấu trước dấu sau không thôi công an thấy được là bị tịch thu ngay, mất luôn cả vốn lẫn lời.

     Em trai tôi cùng vợ con kéo nhau đi vượt biên, không thành công mà còn bị ở tù, tiền bạc mất hết. Vợ em sanh con trong tù, thấy thê thảm quá nên được tha về. Sanh con mà không có gì ăn, chỉ ăn cháo cầm hơi, nên em đưa vợ con vào quê vợ, Sài gòn, ở nhờ bên vợ. Em đi bán vé số, thảm thương chưa! Vợ mang con thơ ra ngồi ở khu chợ trước mặt nhà bán buôn lặt vặt kiếm sống qua ngày. Nhận được tin em, có địa chỉ rõ ràng, tôi gởi ngay một thùng quà đúng như ý em muốn. Em nhận được quà mừng một, tôi mừng mười. Nỗi vui kéo dài cả tháng!

     Em tôi ở Sài gòn như ở lậu vì chưa có “hộ khẩu”, nên gởi quà về cho em là phải gởi qua tên của ông Bố vợ, rồi sau lần đó đến lần gởi khác, em tôi lại phải nhờ cô em vợ. Đi lãnh hàng vất vả lắm, em tôi nói vậy, nên em phải “chạy” để có “hộ khẩu” riêng mới có thể đứng tên lãnh hàng được. Rồi em tôi ra một cái list dài để tôi mua hàng gởi về cho em có tiền “chạy” hộ khẩu. Thời điểm đó là năm 1980, sau 5 năm sống với cộng sản con người trở thành cái máy chạy tiền bằng đủ mọi cách. Thời gian đầu chính quyền cộng sản chỉ cho phép gởi quà chứ chưa cho gởi tiền, và hàng hóa rất khan hiếm tại nội địa vì lệnh cấm vận. Hiếm là phải, vì người ngoài Bắc vào mua và người trong Nam chỉ biết bán hết của cải để có cái ăn, Việt Nam gặp cảnh đói nghèo và khủng hoảng về kinh tế trầm trọng bởi chính sách bế quan tỏa cảng của chính phủ, nội bất xuất, ngoại bất nhập.

     Tôi nhận được tin chồng tôi đã được thả về qua thư của chị Liên, chị ruột của chồng tôi, tin cho tôi hay anh đã lập gia đình khác, không bao lâu sau khi được trả lại tự do, với một cựu nữ hướng đạo sinh, cô ta là một trong các sói già mà các con tôi là những sói con ngày nào (Anh là một trong các trưởng hướng đạo tại Vũng Tàu ngày trước). Tuy thế chúng tôi vẫn có thư từ qua lại, giúp đỡ anh là việc tôi phải làm dẫu có thế nào đi nữa. Tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của anh ở Việt Nam nên tôi không giận hờn trách móc gì anh hết, tôi chỉ thấy buồn và thất vọng về anh rất nhiều vì giữa chúng tôi đã mất hết niềm tin đối với nhau. Và tôi, phải nhận trả một cái giá rất đắt cho cuộc vượt biên này.

     Rồi đứa con đầu lòng của cô ta ra đời trong hoàn cảnh xã hội thê thảm đó,  Anh dấu không cho tôi biết, thư gởi cho tôi chỉ nói túng thiếu, nhưng cuối cùng tôi cũng rõ, do người em trai, bà con với anh, viết thư qua kể lại kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp…Năm 1979, hoàn cảnh thiếu thốn ở Việt Nam lúc bấy giờ là hoàn cảnh chung của những người mất nước cho nên khi hay tin như thế, cầm lòng không đậu, vậy là tôi kéo bé Hòa, con trai Út của tôi, đánh một vòng shopping mua đủ thứ, cho con của một cựu nữ hướng đạo sinh “với” Bố của các con tôi! Oái ăm chưa? Không thiếu món náo hết! Bé Hòa thấy siêu thị có trưng bày một cái xe thiệt đẹp, cho em bé nằm để mẹ đẩy đi chơi, ngây thơ nói:

          – “Mẹ mua cho em cái xe này đi mẹ”.

          – “Không được đâu con xe bự quá, không ai cho gởi đâu, mà mẹ cũng không có đủ tiền để mua chiếc xe đó”.

     Lúc bấy giờ tôi cảm thấy vui chứ không buồn tí nào. Về đến nhà là lo xếp, gói, bỏ vào thùng “carton”, ghi địa chỉ, kiểm đi kiểm lại sợ viết sai địa chỉ, xong hí hửng đem đi gởi ngay. Rồi suốt mấy tuần cũng chờ đợi, cũng mừng vui khi hay tin mẹ em bé đã nhận được quà. Thiệt tình! Tôi cũng không hiểu nỗi tôi.

**********

          Năm 1980, khi hay tin Bộ Di Trú cho làm đơn bảo lãnh thân nhân, tôi vội vàng lên thẳng Bộ Di Trú làm đơn xin bảo lãnh cho Bố các con tôi qua Úc với chúng tôi, vì tôi biết các con tôi rất cần Bố vô cùng. Tôi nghĩ trong tương lai tôi có thể tìm cách bảo lãnh cho vợ con anh sau này. Anh viết thư cho tôi là anh bằng lòng đi đoàn tụ với chúng tôi, tôi tin anh sẽ qua Úc vì thư nào anh viết, tôi cũng thấy anh rất thành tâm trong việc đoàn tụ gia đình. Nhưng làm sao tôi biết được thực tâm anh nghĩ như thế nào. Trong thời gian tôi chờ đợi giấy chấp thuận của Bộ Di Trú thì vợ anh sanh đứa con thứ hai (1981)

     Nhận được giấy chấp thuận của Bộ Di Trú cho chồng tôi đoàn tụ với chúng tôi, tôi mừng quá, vội copy giữ lại bản phụ, còn bản chánh gởi về Sài Gòn, nhờ em trai tôi đem xuống Vũng Tàu giúp anh làm đơn xin xuất cảnh. Tôi vui mừng chờ đợi, nhưng cuối cùng nhận được một thư, thật dày, của anh! Gồm hai giấy khai sanh của hai con anh và, một hôn thú của anh với người đàn bà, không phải là tôi. Trời ơi! Vậy là không bao giờ anh đi được rồi. Anh bảo tôi đem lên Bộ, xin bảo lãnh hết gia đình anh ở VN. Tôi biết không đúng nên không làm. Em trai tôi cho tôi biết: “Đơn xin xuất cảnh của anh chắc không được xét vì anh điền tên của vợ con vào, trong lúc chỉ có một mình anh được bảo lãnh thôi, tin chị biết để chị khỏi trông”. Như vậy là xong, không mong gì các con tôi được gặp Bố. Khi đứa con thứ ba của anh ra đời, tôi không nhớ là năm nào vì anh dấu không cho tôi biết. Nhưng rồi tôi cũng biết qua thư người em họ, kể cho tôi nghe những thiếu thốn vô cùng của anh… nên khi nhận được thư anh kèm theo lời giải thích này nọ v..v.. tôi thấy chán lắm, tôi giận lắm, đi ra đi vào, bực bội lẩm bẩm một mình như bà điên:

“… Vậy thì còn đi đâu được nữa! Người có học thức, hiểu biết luật lệ chứ đâu phải như người không có kiến thức đâu! Sao không chịu thấy xa hiểu rộng một chút cho người ta nhờ! Thời buổi này mà sinh hoài thì biết làm sao đây? À thôi, tôi hiểu ra rồi, cô ta giữ anh bằng cách đó thì anh đi làm sao được? Cột vậy thì chặt lắm, chắc lắm anh bứt không ra đâu. Phải bản lĩnh một chút, phải nhìn xa một chút, chứ nếu cứ khư khư ích kỷ như thế thì chẳng ra làm sao cả. Mấy đứa con anh cũng bị kẹt hết thôi, không có đường đi rồi. Thôi kệ “họ”, nhất định từ nay không liên lạc nữa, không giúp đỡ nữa, mệt quá rồi”.

     Tôi thấy nóng nảy bực bội nên vào phòng tắm rửa mặt, với tay lấy chiếc khăn nhỏ, thấm nước vào đưa lên mặt, bỗng thấy trong gương một người đàn bà mặt mày đỏ gay dữ tợn đang nhìn tôi, bà xấu lắm, tóc rối bung, mày dựng ngược, không trang điểm nên đôi môi tím ngắt, hai mắt sưng húp, trông không giống người đàn bà mọi ngày, phấn son kiều diễm, dáng dấp dịu dàng. Tôi giật mình vội vàng rửa cho xong cái mặt đỏ gay, xuống bếp mở tủ lạnh kéo chai nước cam tươi, đổ đầy ly, uống hết. Xong lên giường nằm, vắt tay lên trán, suy nghĩ lung tung: “thôi buồn làm chi giận làm gì cho khổ cái thân”. Và hình như tôi thấy như đau nhức trong tim thật nên vội hít vào thật sâu và thở ra thật mạnh. Nhiều lần như thế cho đến lúc tôi lấy lại được bình tĩnh, nỗi đau thể xác khiến tôi quên đi nỗi đau tinh thần, hình như sau đó tôi có ngủ được một lúc. Thức dậy tôi đọc lại hai bức thư lần nữa, rồi lần nữa…Nhìn đồng hồ thấy còn sớm tôi đến nhà bank rút tiền gởi về giúp Bố của các con tôi. Tôi thấy mình trầm tĩnh và dễ chịu hơn nhiều. Tôi nhìn tôi trong kiến, thật tình mà nói người đàn bà dữ tợn biến mất, chỉ thấy tôi nhìn tôi nước mắt rưng rưng và mỉm cười bằng lòng về việc làm của mình.

**********

     Bà nội các cháu, đã lớn tuổi, bị tai nạn đau yếu, nằm một chỗ đi đứng không được, lại bị quên lẫn quả thật tội nghiệp. Ông Cụ đã già nên không thể nào săn sóc cho Bà Cụ được. Gia đình Anh Cả Yên, gồm hai vợ chồng và bốn đứa con, hai trai hai gái, đã được đi định cư tại Pháp. Chú Út Hy, sau khi đi tù cải tạo về, đã lập gia đình và có được hai đứa con, một gái một trai, Thím Út bận lo cho hai cháu, Chú Út bận lo làm việc để nuôi vợ con vì thế cho nên Chú Thím Út không thể săn sóc Bà Cụ được. Anh Kỳ, Bố các con tôi, lúc bấy giờ đã có ba đứa con, lên Sài gòn đón Mẹ về Vũng Tàu để tiện bề săn sóc cho Mẹ anh. Bà Cụ ở Vũng Tàu, Anh Kỳ săn sóc Mẹ tận tình từ miếng ăn giấc ngủ kể cả vệ sinh cá nhân và, Bình vợ anh cũng phụ chồng săn sóc Mẹ cẩn trọng, tôi thấy không lo về vấn đề này. Tôi chỉ biết giúp đỡ gia đình Bố Kỳ về tài chánh như từ trước. Ông Cụ ở Sài gòn thỉnh thoảng đi Vũng Tàu thăm Bà Cụ và ở lại một hoặc hai tuần với con cháu, nên Ông Cụ cũng vui, theo lời thư của Ông, thỉnh thoảng viết thăm chúng tôi ở bên Úc xa xôi này. Ông tuy đã gần chín mươi nhưng vẫn còn minh mẫn, thư viết chữ nhỏ đẹp như thuở nào và không bị run rẩy, thật đáng mừng. Tôi rất ít viết thư về thăm vì bận rộn quá và, thật sự tình cảm hầu như không còn nữa nên tôi không muốn viết những lời nhớ thương giả dối, nếu chỉ để làm vui lòng người nhận thì thật là không nên.

     Tôi làm trong hãng CBS Record sáu năm. Bỗng một hôm đang giữa lúc làm việc, tự nhiên máu ở đâu nhỏ xuống trước mặt, tôi giật mình khi biết từ mũi tôi chảy xuống thật nhiều. Tôi dừng lại đi vào lady room rửa mặt và ngồi nghĩ. Tôi thấy mệt và hơi nhức đầu. Chừng mười phút sau tôi trở lại làm việc như thường, cũng rất may mắn cho tôi hôm đó là chỉ bị vỡ mạch máu mũi chứ không bị chóng mặt hoặc ngất đi và, là thứ sáu nên ra về đúng 4 giờ ba mươi phút. Tôi về nhà nằm nghĩ và tối đi ngủ thật sớm chứ không thức xem TV với các con như mọi khi.

     Thứ bảy tôi đi thăm Bác sĩ gia đình, được cho hay là huyết áp rất cao, tôi vẫn còn nhớ rõ 190/100, nhưng sao tôi vẫn thấy bình thường. Tôi xin phép được nghỉ ba ngày rồi sau đó lấy hết số ngày nghỉ holidays còn lại của tôi. Sau khi trở lại bình thường, tôi vào xin thôi việc. Giấy chấp nhận thôi việc ghi ngày 31/08/1984 đến nay tôi vẫn còn giữ. Sau đó tôi xin được một “job” phụ bán “furniture” cho một cặp vợ chồng trẻ. Công việc nhẹ nhàng không chạy theo với máy móc nên huyết áp trở lại ổn định, tuy thế tôi phải uống thuốc mỗi ngày nếu không huyết áp sẽ lên cao. Một năm sau chủ shop đóng cửa, vậy là tôi bị thất nghiệp. Tôi có người quen làm cho hảng bảo hiểm nhân thọ AMP nên, được người quen đó “recruit” tôi thành một người đi bán bảo hiểm luôn. Thế là vào ban ngày tôi cứ đến văn phòng tìm một “cubicle” trống, ngồi gọi điện thoại cho bạn cùng người quen và cả người không quen để tìm thân chủ. Tôi cũng chăm làm, tuy có khó khăn hơn nhưng rồi cũng làm được ba năm. Đối công việc này tôi phải ăn mặc sạch sẽ đàng hoàng một chút chứ không thể lôi thôi lết thết như làm ở những chỗ cũ được. Trong lúc đi bán bảo hiểm tôi có một nữ thân chủ là Beauty Consultant cho công ty mỹ phẩm Mary Kay ở Mỹ, có chi nhánh ở Úc. Chắc bà thấy tôi cũng gọn gàng sạch sẽ nên bà tỏ ý muốn “recruit” tôi theo ngành hướng dẫn về săn sóc da và trang điểm cho đàn bà. Bà nói hay quá, tôi nhận lời ngay không ngần ngại tí nào, đàn bà mà, nghe ai nói làm đẹp mà không ham. Làm đơn, ký giấy, đóng tiền, đi học ngay. Vậy là tôi có hai “jobs”, ngày đêm gì cũng làm được hết, giờ làm việc tự do thích hợp với mình hơn. Nói nghe dễ nhưng thật sự không dễ chút nào!!!

      Vì tình hình kinh tế tại Việt Nam quá suy sụp nên chính quyền phải thay đổi chính sách, chính phủ gọi là “đổi mới”, mở cửa giao thương với các nước láng giềng, cho phép những người di tản vượt biên năm xưa được phép về thăm nhà, để có thêm ngoại tệ. Họ gọi chúng tôi là Việt Kiều chứ không còn gọi chúng tôi là Ngụy nữa. Năm 1986 đã có người về Việt Nam để tính chuyện làm ăn với  cộng sản, và người về thăm Việt Nam cũng nhiều. Tôi cũng muốn về nhưng chưa đi được, phải đi làm, vì tài chánh vẫn còn eo hẹp, tuy vậy thấy nhiều người về nên tôi cũng nôn nao vô cùng. Đành hẹn vậy.  

Còn tiếp,

DTQT . 07/12/2018.

30-8-2011-q-w-in-the-garden-002-e1544148620283.jpg

6 thoughts on “CHUYỆN ĐỜI TÔI (Tiếp Theo 7)

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.