CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM.

Kính thưa bạn đọc,

     Đoản văn này Dã-Thảo viết hồi tháng giêng năm 1985, DT đưa ra nhân dịp đầu năm nhắc chuyện cũ, mời bạn đọc cho vui. Nhân đoản văn có nhắc đến một câu chuyện nhỏ của nhà văn và thi sĩ người Anh Rudyard Kipling, đến an ủi một con voi xa xứ mới đến từ phương xa Ấn Độ. Nhà văn sinh ngày 30/12/1865 tại Bombay Ấn Độ và mất năm  1936, hưởng thọ 71 tuổi. Hôm nay là 26/12/2015, sắp đến ngày sanh của một thi sĩ nổi tiếng vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20. DT post đoản văn này để kỷ niệm sinh nhật 30/12/RK.

     Chúng ta xa xứ đã lâu ngày, lúc đầu cũng không dễ dàng nhưng  lâu dần cũng quen, như thi sĩ đã thì thầm bên tai “Ông” voi nọ trong sở thú bên Anh: “Từ từ ông bạn già ơi! Rồi ông sẽ thấy ở đây cũng dễ chịu lắm”…

Thân mến,

DTQT. 26/12/2015.

Câu Chuyện Đầu Năm

     Đã qua rồi hai tuần holidays ngắn ngủi, quả thật thời gian dài hay ngắn cũng tùy ở nơi ta phải không các bạn, trước ngày nghỉ Thảo cứ trông dài trông ngắn cho mau tới 3giờ chiều ngày thứ sáu để được nghỉ xả hơi cho bỏ mấy ngày cuối năm cày quần quật từ sáng tới chiều. Ấy vậy mà bây giờ đi ra đi vô cứ thở ngắn than dài với sắp nhỏ: “Lại phải đi làm rồi, chán quá!”      

     Nói thì nói vậy chứ cũng phải đi lên đi xuống cho nó giống thiên hạ với chứ, mấy ngày nghỉ nằm hoài cũng chán nên Thảo sánh áo sánh quần lang thang vào mấy tiệm sách cũ, ấy Thảo phải nói với bạn là sách cũ, vì Thảo chỉ có cái ví nhỏ xíu đựng tối đa 20 tì Nữ Hoàng, với 20 tì đó Thảo có thể rinh một chồng tiểu thuyết và linh tinh lỉnh kỉnh đọc ba tháng không hết. Chứ nếu bước vào tiệm sách mới thì với 20 tì chỉ đủ mua một quyển sách sản khoa loại vỡ lòng.

     Kệ sách thuộc loại gỗ tạp được sơn màu trắng và đã ngã sang màu vàng ngà, Sách để không thứ tự, mặc dù Thảo biết người bán cũng có thể xếp đặt cho được ngăn nắp, tuy nhiên có cố gắng thế mấy đi nữa thì những bìa sách cũ kỹ cũng không đem lại cho cái kệ sách nhỏ bé kia một cái nhìn khả quan hơn. Nhưng có hề gì đâu, tinh túy là cái phần chứa đựng ở bên trong phải không bạn. Thảo ngồi gần như bệt xuống đất, lấy cặp mắt kiếng dán vào mắt và bắt đầu lục loi. Cái thú ở đây là bạn có thể đọc bất cứ quyển nào, và không sợ nguời bán bắt bạn phải mua quyển sách mà bạn đang đọc, như ở một vài tiệm bán sách khác có để câu: “Nếu đọc bạn phải mua” Nói như thế không có nghĩa là Thảo xúi bạn đọc, rồi không mua đâu nhé!

     Thảo lấy vài quyển chuyện thần tiên và khoa học giả tưởng cho chú út, vài chuyện kinh dị phiêu lưu trinh thám cho cậu giữa, một quyển sách toán có giải cho con gái đầu, và riêng cho Thảo một chồng tuyển tập truyện dài. Eo ơi! với cái vốn sinh ngữ: đọc một lúc lại phải tra tự điển không biết đến bao giờ mới hết đây. Tuy nhiên thấy rẽ ai mà chẳng ham. Người ta thường nói: của rẻ của hôi, nhưng ở đây đã rẻ mà cái giá trị phẩm chất đâu có thua gì một quyển sách mới in đâu. Ngần ấy sách, nếu còn mới tinh ngang ngữa cũng phải gần một trăm tì Nữ Hoàng. Ấy vậy mà lúc tính tiền mỗi cuốn một đô hoặc năm mươi xu, tổng cộng chỉ có mười đô. Sách mang về nhà rồi, bây giờ Thảo mời bạn cùng Thảo đọc một vài chuyện nho nhỏ trong một trong một quyển sách nhỏ với giá tiền nho nhỏ năm mươi xu.

     Chuyện một đôi vợ chồng tuyệt vọng vì biết rằng mình không bao giờ có thể có con được, vợ mới có hai mươi lăm tuổi và chồng ở khoảng tuổi ba mươi, họ lập gia đình đã năm năm. Một thời gian sau khi biết là họ không thể hy vọng được, họ quyết định nuôi con nuôi.

       Phải chờ đợi khá lâu hai vợ chồng kia mới xin được một bé gái. Người vợ vẫn để tâm tìm kiếm và sau đó hai năm họ lại nuôi thêm một bé trai.

       Rồi hai mươi năm sau, người bạn gái thân nhất của người vợ nhận được bức thư như sau:

     “Joan thân mến,

     Bạn còn nhớ không hai mươi lăm năm về trước tin buồn không con như bầu trời sụp đổ ở quanh tôi, hai ngày trời tôi khóc sưng cả mắt, lười cả ăn ngủ, bạn ưu ái tới lui thăm viếng an ủi tôi biết chừng nào. Tôi nghe lời bạn khuyên và sau đó như Joan đã biết, tôi có hai đứa con nuôi. Ôi hạnh phúc biết bao nhiêu, mặt trời như lúc nào cũng chiếu sáng rực rỡ trong căn nhà kỷ niệm thời thơ ấu của hai đứa con tôi.

     Con gái tôi bây giờ đã có chồng và thường đến thăm tôi luôn. Con trai tôi trở thành một nghệ sĩ tài danh, thường đi du lịch khắp nơi. Mùa hè năm nay tôi sẽ cùng với con trai tôi sang Mỹ quốc, mọi chi phí đều do con trai tôi đài thọ. Tôi bây giờ là một goá phụ sống một mình, sống cho các con tôi. Tôi vẫn thường chờ đợi những bức thư từ ở những địa chỉ khác nhau của con trai tôi gởi về, và tiếng cười reo của vợ chồng con gái tôi vào mỗi chiều cuối tuần. Hằng đêm tôi vẫn thường cám ơn đấng thiêng liêng đã cho tôi những đứa trẻ này. Tôi hạnh phúc, Joan ơi, tôi hạnh phúc!”

       – Bạn nghĩ gì về câu chuyện trên đây?

     Vẫn biết mọi việc bất như ý có thể xãy ra cho người đàn bà đáng yêu đó, nhưng Thảo chắc chắn cả ba chúng ta (người đàn bà, bạn và Thảo) đều cố gắng luôn luôn nhìn về phương diện tươi sáng của nó.

       Chúng ta hiện đang có rất nhiều trẻ VN mồ côi, Thảo biết sự suy nghĩ và chọn lựa phải được dành cho các bạn.

🌹🌹🌹🌹🌹

     Và đây là câu chuyện thứ hai cũng trong cùng một quyển sách nhỏ, Thảo tạm đặt tên cho câu chuyện nhỏ là: 

     “Con Voi Xa Xứ”

     Chuyện viết:

    “Bạn có thể không biết đến câu chuyện nhỏ nhất nói về nhà văn Rudyard Kipling*, một nhà văn nổi tiếng sống nhiều năm ở Ấn Độ và chết năm 1936.

     Một ngày kia, trong khi đi thăm sở thú ở Luân Đôn, ông nghe rằng có một con voi đang hấp hối. Nó từ chối không ăn gì cả và sự xáo trộn ở nó hầu như không hết được. Nó hình như không thể ở được nơi đây, nó mới đến từ phương xa Ấn Độ. Khi thấy con vật ông nói: “Tại sao? Con vật nhớ nhà chăng!” Kipling bước đến gần con voi và bắt đầu thì thầm với nó bằng tiếng Ấn Độ. Nhẹ nhàng dịu dàng dùng những chữ êm ái mà chủ nhân cũ của con vật thường dùng để nói với nó. Rồi ông nói tiếp thì thầm: “Từ từ ông bạn già ơi! Rồi ông sẽ thấy ở đây cũng dễ chịu lắm!”

     Mọi nguời đều ngạc nhiên nhận thấy con voi dịu xuống tức thì không lồng lộn như trước nữa và trở nên chịu phục tùng người giữ voi mới.

Rudyard Kipling                                                                  Rudyard Kipling

      Câu chuyện thứ hai đến đây là hết. Sự suy luận về câu chuyện trên đây Thảo vẫn dành cho các bạn.

                                                                         Dã-Thảo

                                                                Tháng giêng 1985.

     * Rudyard Kipling: Nhà văn và Thi sĩ người Anh, sinh ngày 30/12/1865 tại Bombay Ấn-Độ, là một Thi sĩ nổi tiếng vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20.

                                                             Young Rudyard KiplingYoung Rudyard KiplingAn Do

    An Do 1

Merry Christmas and a happy New Year.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.